Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Hình ảnh người thân qua lời văn con trẻ

Tạp Chí Giáo Dục


Mt đon văn t ngưi thân ca hc sinh tiu hc

Khi dạy môn tập làm văn cho học sinh ở tiểu học, tôi thích nhất dạy thể loại văn tả người. Bởi những đề văn tả người ở tiểu học thường chỉ cho học sinh tả những người thân quen như ông bà, cha mẹ, anh chị em, thầy cô, bạn bè… Với những đề văn tả những người quen thuộc ấy, các em thường bộc lộ những cảm xúc hết sức chân thật, đáng yêu. Tôi đã nhiều lần xúc động khi đọc bài văn của học sinh tả bà với những dòng hồi tưởng thiết tha: “Giờ đây, bà đã từ giã cõi đời nhưng em luôn nhớ hình ảnh bà năn nỉ em uống thuốc, đút em từng muỗng cháo khi em bị bệnh…”, hay bài văn tả chị với những lời lẽ thật dễ thương: “Chị sắp đi du học, em sẽ phải ngủ một mình. Bao năm qua, em luôn ngủ với chị, sắp tới phải ngủ một mình chắc em sợ ma lắm và sẽ nhớ chị biết bao nhiêu…”. Và mới đây, tôi lại có cảm giác như đau nhói tim khi đọc bài văn của học sinh. Với đề bài em hãy tả lại một người trong gia đình mà em nhận thấy người ấy yêu thương em nhất, một học sinh tả ba với rất nhiều điều thể hiện sự yêu thương em nhưng “… mỗi khi ba em nhậu về thì đều đánh mẹ và em. Nhưng khi ba em tỉnh dậy và hết say rượu thì quỳ xuống chân mẹ em mà khóc nức nở…”. Sao lại thế? Hình ảnh người ba yêu thương em đây sao? Bạo lực gia đình đã hằn sâu trong tâm trí của em học sinh nhỏ bé của tôi đến thế sao? Bao giờ thì em thoát được cảnh này? Tôi có nên đưa cho ba mẹ em đọc bài văn này không?… Cũng với đề bài này, một học sinh khác trong lớp đã không làm bài. Tôi biết hoàn cảnh của em từ đầu năm. Ba mẹ em đã ly hôn, em ở với ba, thỉnh thoảng mẹ về thăm. Ba có vợ khác và đi làm cả tuần mới về nhà một lần. Chỉ cần vợ sau của ba em méc điều gì đó là em bị ba đánh mắng. Em đã từng nói với tôi là ghét ba, tôi chỉ biết khuyên em cố gắng vâng lời để không bị đánh mắng. Lần này, tôi nghĩ em sẽ tả mẹ nhưng em đã không làm bài. Tôi hỏi em sao không làm bài, em trả lời: “Em không biết làm”. Tôi nghĩ mình đã hiểu nên nói: “Em không muốn tả ba thì tả mẹ”. Em nói như hét lên: “Em ghét mẹ” rồi òa khóc nức nở. Đợi em bình tĩnh, tôi dò hỏi thì được biết mẹ em đã lấy chồng khác và lâu rồi không về thăm em. Tôi biết phải làm gì đây?

“Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh”, tôi không dám khuyên nhủ ai điều gì nhưng tôi rất mong những người thân của học sinh hãy để lại hình ảnh thật đẹp trong tâm hồn các em, để những lời văn các em viết về người thân của mình luôn chan chứa yêu thương.

Lê Phương Nhân Tâm

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)