Để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) khi tổ chức bữa ăn bán trú, trường học tại TP.HCM tăng cường nhiều kênh giám sát từ phụ huynh, học sinh, tổ giám sát của trường… nhằm nâng cao chất lượng bữa ăn, đảm bảo dinh dưỡng, sức khỏe của học sinh.
Phụ huynh tham gia giám sát trực tiếp việc tổ chức bữa ăn bán trú tại các trường
Thành lập tổ giám sát an toàn vệ sinh thực phẩm
Là đơn vị tổ chức suất ăn công nghiệp cho hơn 500 học sinh tham gia bán trú, Trường TH Phan Văn Trị (Q.1) đặc biệt chú trọng khâu đảm bảo ATVSTP đối với đơn vị chế biến.
Cô Nguyễn Thị Hồng Yến – Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ, để đảm bảo ATVSTP, trường ký kết với công ty cung cấp suất ăn, thực đơn do nhà trường lên, duyệt trước nửa tháng theo đúng bộ thực đơn dinh dưỡng của Ajinomoto đã được Sở GD-ĐT TP.HCM hướng dẫn. Trường thành lập đội tiếp phẩm được tập huấn thường xuyên về ATVSTP, có nhiệm vụ thử thức ăn, rà soát khẩu phần ăn, giám sát ATVSTP, làm thủ tục lưu mẫu cũng như kiểm soát khâu ATVSTP.
Hiệu trưởng này thông tin, hàng ngày, 10 giờ 40 học sinh bắt đầu ăn bán trú thì từ 10 giờ, bảo mẫu đã phải thử thức ăn để có những phản hồi với đơn vị tổ chức về khẩu vị, mùi vị, món ăn, kịp thời điều chỉnh. Công tác lưu mẫu được thực hiện trong vòng 24 giờ với sự giám sát của nhân viên y tế, bảo mẫu, ban giám hiệu. Đặc biệt, mỗi ngày bảo mẫu đều ghi nhận ý kiến phản hồi của học sinh về suất ăn thông qua sổ ghi ý kiến. Ngoài ra, trường cũng xây dựng group liên hệ giữa trường và đơn vị cung cấp suất ăn, qua đó bảo mẫu sẽ thường xuyên nêu những ý kiến nhận xét, góp ý của học sinh từ số ghi ý kiến cũng như từ quá trình giám sát với đơn vị cung cấp suất ăn để yêu cầu điều chỉnh…
“Có những hôm cơm hơi mềm hay rau hơi cứng thì nhà trường đều phản hồi ngay lập tức đến đơn vị cung cấp để có sự điều chỉnh vào ngày hôm sau. Hoặc là với các món ăn có xương thì nhà trường yêu cầu phải loại bỏ hoàn toàn xương để đảm bảo an toàn cho học sinh khi ăn. Đặc biệt, đầu năm học nhà trường đều điều tra chi tiết về tình hình thể trạng của mỗi học sinh, học sinh nào dị ứng món nào, không thích ăn món nào để phối hợp với đơn vị cung cấp suất ăn tổ chức khẩu phần ăn an toàn, đảm bảo dinh dưỡng cho trẻ” – cô Nguyễn Thị Hồng Yến chia sẻ thêm.
Các trường học tại TP.HCM tăng cường siết an toàn vệ sinh thực phẩm khi tổ chức bán trú
Tương tự, để phục vụ gần 800 học sinh tham gia bán trú, Trường THCS Bàn Cờ (Q.3) cũng thành lập tổ kiểm tra ATVSTP giám sát khâu tổ chức, phục vụ suất ăn bán trú cho học sinh. Thành viên trong tổ gồm Ban Giám hiệu, nhân viên y tế, thanh tra nhân dân và ban đại diện cha mẹ học sinh, có nhiệm vụ quản lý suất ăn bán trú, kiểm tra thường xuyên và đột xuất.
“Khi đơn vị cung cấp thức ăn chuyển thức ăn bán trú đến nhà trường, tổ kiểm tra ATVSTP sẽ kiểm tra chất lượng thức ăn như thế nào, dụng cụ khay, dĩa, đũa có đảm bảo vệ sinh không. Song song đó, khâu tổ chức bán trú cũng được nhà trường giám sát gắt gao, đảm bảo rằng nhân viên phục vụ tuân thủ đúng các quy định về ATVSTP” – Phó Hiệu trưởng nhà trường – cô Nguyễn Thị Thanh Tuyền thông tin.
Cũng theo cô Tuyền, trong quá trình tổ chức bữa ăn bán trú, nhà trường thường xuyên lắng nghe, ghi nhận ý kiến góp ý, phản hồi của phụ huynh, học sinh để phản hồi đến đơn vị tổ chức, điều chỉnh về khẩu vị, món ăn. Đầu mỗi buổi sáng, giáo viên tổ chức bán trú sẽ điểm danh phần ăn của học sinh và báo với đơn vị tổ chức bữa ăn. Học sinh nào có vấn đề sức khỏe thì sẽ được nhà trường báo về đơn vị tổ chức để được phục vụ cháo, sữa trong bữa ăn…
“Với 35 ngàn đồng/suất ăn, thực đơn món ăn bán trú hàng ngày của học sinh sẽ gồm cơm trắng, món xào, món mặn, canh và tráng miệng. Nhà trường nghiên cứu kỹ thực đơn để đảm bảo các món ăn trong suốt tuần không trùng nhau song vẫn đảm bảo dinh dưỡng, giúp học sinh ăn ngon miệng, đảm bảo sức khỏe cho học sinh” – cô Nguyễn Thị Thanh Tuyền chia sẻ.
Đi thực tế từ 3 giờ 30 sáng
Cũng phục vụ bán trú cho học sinh theo suất ăn công nghiệp với hơn 500 học sinh, cô Nguyễn Thị Linh Trang – Hiệu trưởng Trường THCS Lê Quý Đôn (Q.11) bày tỏ, lo lắng nhất đối với khâu tổ chức, phục vụ học sinh suất ăn công nghiệp đó là công tác ATVSTP, chất lượng món ăn, chất lượng tổ chức bán trú. Chính vì vậy, nhà trường thường xuyên gặp gỡ, trao đổi với học sinh thông qua nhiều kênh như gặp gỡ học sinh trong bữa ăn, trong buổi họp phụ huynh, các buổi lắng nghe tiếng nói học sinh… để tăng hiệu quả giám sát, kịp thời có sự điều chỉnh.
“Do không phải nhà trường tự nấu mà giao cho đơn vị cung cấp suất ăn công nghiệp nên để kiểm tra nguyên liệu đầu vào, hàng năm Ban Giám hiệu cùng nhân viên y tế, hội phụ huynh trực tiếp đến đơn vị cung cấp bữa ăn bán trú để kiểm tra, giám sát từ khâu tiếp phẩm, chế biến, đóng phần ăn. Từ đó góp ý với đơn vị những phần mà mình chưa phù hợp, làm sao thực phẩm phải được bảo quản trong tủ, khay ăn của học sinh phải được tiệt trùng…” – cô Linh Trang cho hay.
Việc tổ chức giám sát, kiểm tra nguyên liệu đầu vào đối với đơn vị cung cấp bữa ăn bán trú cũng là khâu quan trọng được Trường TH Phan Văn Trị (Q.1) thực hiện nghiêm ngặt. Cô Nguyễn Thị Hồng Yến – Hiệu trưởng nhà trường thông tin, từ 3 giờ 30 sáng nhà trường cùng hội phụ huynh đã đi thực tế không báo trước để kiểm soát khâu nguyên liệu đầu vào, quy trình chế biến.
Sở GD-ĐT TP.HCM sẽ tăng cường kiểm tra đột xuất bữa ăn bán trú Năm học này, một trong những yêu cầu quan trọng được Sở GD-ĐT TP.HCM đặt ra cho các cơ sở giáo dục trong việc tổ chức bán trú cho học sinh đó là phải tăng cường sự giám sát của phụ huynh nhằm tổ chức có hiệu quả chất lượng bữa ăn bán trú, nâng cao hơn nữa việc chăm lo sức khỏe học sinh. Cụ thể, cơ sở giáo dục phải tăng cường công tác phối hợp ban đại diện cha mẹ học sinh trong đảm bảo an toàn thực phẩm, vệ sinh trường học. Căn cứ tình hình thực tiễn của đơn vị, hiệu trưởng xây dựng kế hoạch phối hợp tổ chức kiểm tra, giám sát thường xuyên, định kỳ, đột xuất công tác đảm bảo ATVSTP. Đặc biệt, trong năm học này Sở GD-ĐT sẽ phối hợp với Ban Quản lý ATVSTP kiểm tra đột xuất, định kỳ bữa ăn bán trú, căng tin trường học tại những trường có bếp ăn, suất ăn công nghiệp. Đảm bảo thực hiện mục tiêu 100% trường học có bếp ăn tập thể, suất ăn công nghiệp, căng tin không để xảy ra ngộ độc thực phẩm. Để đảm bảo ATVSTP khi tổ chức bán trú, các trường phải cử cán bộ quản lý, nhân viên y tế tham gia tập huấn về công tác an toàn thực phẩm, tham gia trực tiếp vào khâu tổ chức bán trú. Song song, trường cần thường xuyên bồi dưỡng kiến thức an toàn thực phẩm cho đội ngũ trực tiếp chế biến thực phẩm tại bếp ăn, căng tin, phục vụ bán trú, yêu cầu đội ngũ này phải có giấy chứng nhận bồi dưỡng ATVSTP đầy đủ. Hiệu trưởng nhà trường sẽ là người chịu trách nhiệm trong việc đảm bảo ATVSTP tại đơn vị.
Ông Dương Trí Dũng Cần nhân viên y tế tham gia vào tổ chức bữa ăn bán trú Mỗi năm, phòng giáo dục đều phối hợp với ban ATVSTP quận, y tế quận, phường để tổ chức kiểm tra, giám sát thường xuyên, đột xuất đối với việc tổ chức bữa ăn bán trú của các cơ sở giáo dục trên địa bàn quận. Các cuộc kiểm tra được tổ chức rất bài bản, nghiêm ngặt, nêu các ý kiến sát sườn để từng cơ sở giáo dục có sự điều chỉnh trong tổ chức bếp ăn một chiều, tiếp nhận suất ăn công nghiệp cũng như đảm bảo an toàn vệ sinh trong quá trình tổ chức, lập biên bản nhắc nhở các đơn vị chưa thực hiện tốt trong từng khâu. Ngoài ra, các đoàn kiểm tra cũng kiểm tra chứng nhận bồi dưỡng ATVSTP của đội ngũ bảo mẫu, cấp dưỡng, những người trực tiếp tham gia vào khâu tổ chức bữa ăn bán trú cho học sinh. Vai trò của nhân viên y tế trong việc tổ chức bữa ăn bán trú cho học sinh là rất quan trọng, hỗ trợ đắc lực, hiệu quả cho khâu tổ chức của trường. Tuy nhiên, hiện nay không phải đơn vị nào cũng có nhân viên y tế có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ để tham gia vào khâu bán trú. Do vậy, đây là một trong những hạn chế hiện nay của nhiều cơ sở giáo dục trong việc tổ chức bán trú song nhiều trường muốn tuyển cũng không có nguồn để tuyển. Một trưởng phòng GD-ĐT tại TP.HCM bày tỏ “Phên dậu” từ khâu tiếp phẩm Nhà trường hiện đang phục vụ bán trú cho hơn 1.500 học sinh. Với việc tổ chức bếp ăn cho học sinh ngay tại trường, vấn đề an toàn thực phẩm trong quá trình chế biến, tập huấn nâng cao tay nghề, hiểu biết về ATVSTP cho đội ngũ tổ chức bán trú được nhà trường hết sức chú trọng. Hàng năm, trường đều tuyển thêm nhân viên phục vụ bán trú, vì thế phải liên tục bồi dưỡng cho đội ngũ này kiến thức về ATVSTP để làm sao có thể giám sát, kiểm tra thực phẩm nguyên liệu đầu vào cũng như quá trình chế biến tuân thủ các quy định về ATVSTP. Song song đó, để nâng cao hiệu quả thực chất của từng khâu trong quá trình tổ chức bán trú, từng khâu tổ chức bán trú đều được nhà trường thực hiện “ràng buộc trách nhiệm” để mỗi bộ phận ý thức rõ ràng nhiệm vụ của mình, tránh việc đổ lỗi cho đơn vị này, đơn vị kia khi có vấn đề xảy ra. Cụ thể, nhà trường yêu cầu đơn vị cung cấp thực phẩm phải sơ chế qua thực phẩm trước khi giao đến bếp. Về điều này, ngay tại khâu tiếp phẩm, ngay khi tiếp nhận thực phẩm, bếp phải có trách nhiệm kiểm tra thật kỹ thực phẩm có đảm bảo đúng quy định ATVSTP hay không mới ký nhận. Nếu chưa đảm bảo thì trả về đơn vị cung cấp. Khi đã ký nhận rồi đồng nghĩa với việc bếp phải chịu trách nhiệm với thực phẩm đưa vào trường. Ở khâu phân phối thực phẩm đến các lớp sau khi chế biến, ngay khi tiếp nhận thức ăn, bảo mẫu phải có trách nhiệm kiểm tra, nếu phát hiện vấn đề nào đối với đồ ăn cho học sinh ví dụ như về màu sắc, mùi vị, món ăn… thì phải báo liền cho bếp và ban giám hiệu để can thiệp. Khi đồ ăn đã phân phối đến học sinh thì người chịu trách nhiệm trước tiên là bảo mẫu. Hiệu trưởng nhà trường sẽ là người chịu trách nhiệm chính trong tất cả các khâu. Nhà trường thực hiện các khâu giám sát quá trình tổ chức, lưu mẫu trong từng bữa ăn. Trước mỗi bữa ăn bán trú, hiệu trưởng sẽ nếm thử trước tất cả các món để đảm bảo rằng các món ăn đúng mùi, vị, không có vấn đề nào về ATVSTP; đồng thời ghi nhận ý kiến của phụ huynh, học sinh, bảo mẫu để nâng cao hiệu quả phục vụ bữa ăn bán trú, đảm bảo an toàn cao nhất…
Cô Đỗ Ngọc Chi |
“Khi tổ chức bán trú nhưng suất ăn của học sinh lại giao cho bếp ăn công nghiệp thì nhà trường càng phải kiểm soát, quản lý chặt chẽ. Không chỉ là kiểm soát khâu ATVSTP trong các bữa ăn như chế biến món ăn, các công việc, yếu tố liên quan cũng quan trọng không kém, từ nhân viên giao thực phẩm, khâu phân phối thực phẩm bởi điều này tác động không nhỏ đến chất lượng bữa ăn bán trú của học sinh. Trường thường xuyên tập huấn, nhắc nhở các cô bảo mẫu, phục vụ phải ràng buộc trách nhiệm với đơn vị tổ chức những yếu tố này để làm sao đảm bảo an toàn khi tổ chức bữa ăn bán trú cho học sinh” – cô Yến nhìn nhận.
Là đơn vị tổ chức bếp ăn bán trú ngay tại trường, Trường THCS Minh Đức (Q.1) đặc biệt chú trọng vấn đề ATVSTP. Song, với điều kiện cơ sở vật chất còn hạn chế, dù bếp ăn được thực hiện nghiêm ngặt theo quy trình một chiều song để thực hiện hiệu quả, nhà trường tăng cường sự tham gia giám sát của phụ huynh ở tất cả các khâu.
“Từ 5 giờ sáng, phụ huynh các lớp đã có thể đến trường, cùng với đội ngũ bán trú của trường giám sát, kiểm tra thực phẩm nguyên liệu đầu vào. Song song, phụ huynh cũng có thể giám sát trong quá trình chế biến, thành phẩm món ăn, cùng ăn với học sinh để có sự góp ý sát sao nhất. Bên cạnh đó, trường cũng tạo các kênh góp ý của học sinh về chất lượng món ăn, mong muốn của học sinh về khẩu phần ăn bán trú. Từ chính sự giám sát của phụ huynh, học sinh, nhà trường càng hoàn thiện hơn về chất lượng bữa ăn bán trú, nâng cao sức khỏe cho học sinh khi học tập tại trường.
Khương Yến
Bình luận (0)