Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Chưa mặn mà với SGK điện tử

Tạp Chí Giáo Dục

Trước tình hình nguồn cung sách giáo khoa (SGK) chưa kịp đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh một số khối lớp đầu năm học mới, các nhà xuất bản và đại diện các đơn vị trường học đưa ra phương án thay thế là hướng dẫn học sinh sử dụng SGK điện tử.

Chưa mặn mà với SGK điện tử

Người học chỉ cần trang bị một điện thoại di động hoặc máy tính bảng kết nối internet là có thể tiếp cận kiến thức giống như SGK giấy. Tuy nhiên, phương án này không được nhiều học sinh lựa chọn, và phụ huynh vẫn chạy đôn chạy đáo tìm mua SGK giấy cho con. 

Qua một cuộc khảo sát nhỏ, nhiều ý kiến của phụ huynh giải thích lý do con không sử dụng SGK điện tử. Trong đó, một số lý do chính như: “học sinh tiểu học chưa có thói quen tự học, sử dụng máy tính nhiều ảnh hưởng thị lực”, “con không quen sử dụng sách điện tử vì không thể trực tiếp làm bài tập như học trên sách giấy”, “một số phiên bản sách điện tử có dung lượng lớn, không tải được về máy tính”… Còn nhớ ngày này cách đây một năm, thời điểm TPHCM thực hiện giãn cách xã hội do ảnh hưởng của dịch Covid-19, SGK điện tử cùng các phần mềm quản lý học tập trở thành hình thức học tập duy nhất trong bối cảnh học sinh không thể đến trường. Mặc dù không có sự chuẩn bị trước nhưng hầu hết cơ sở giáo dục đã triển khai khá tốt hình thức học tập trực tuyến. Sự thay đổi này được kỳ vọng trở thành một cú hích mạnh mẽ, thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong lĩnh vực GD-ĐT. Tuy nhiên, đầu năm học này, khi học sinh trở lại trường học trực tiếp, các công cụ và phần mềm quản lý học tập vẫn được một số trường học duy trì, song SGK điện tử lại bị người học quay lưng.

Theo nhận định của các chuyên gia giáo dục và y tế, dịch bệnh vẫn có nguy cơ tiềm ẩn. Các cơ sở giáo dục cần tiếp tục chủ động tổ chức dạy học với nhiều hình thức, trong đó có lồng ghép dạy học trực tiếp và trực tuyến. Song song đó, với định hướng “một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa” của Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, giáo viên dạy học dựa trên nhiều nguồn tài liệu khác nhau nên người học cần thay đổi nhận thức và thói quen trong việc tiếp cận các nguồn tài liệu học tập khác nhau. Để làm được điều đó, các trường cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tổ chức dạy học bằng nhiều phương pháp như dạy học theo dự án, dạy học chuyên đề, tăng cường các hoạt động trải nghiệm, sáng tạo nhằm phát huy tối đa năng lực và phẩm chất cho học sinh.

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)