Nguyễn Văn Tài |
Các em đều có hoàn cảnh khó khăn nhưng luôn biết vươn lên để đạt thành tích cao nhất bằng sự nỗ lực của bản thân. Đó là điểm giống nhau của hai em học sinh Trường THPT Thanh Đa vừa được nhận học bổng Nguyễn Thái Bình 2010.
Luôn lạc quan với cuộc sống
Nhắc đến Nguyễn Văn Tài, phó bí thư chi đoàn lớp 11A9, từ thầy cô giáo đến các bạn học sinh đều dành những tình cảm thân thương và sự cảm mến đặc biệt.
Sinh ra trong gia đình có hoàn cảnh rất khó khăn, ba là “nhân viên” giữ xe tại chợ Bến Thành, còn mẹ thì làm công việc rửa ly tách, lau chùi ở quán cà phê. Khoản thu nhập bấp bênh – gần 2 triệu đồng/ tháng của cả ba và mẹ – chưa đủ trang trải cho cuộc sống hàng ngày của gia đình, vì vậy việc dành thời gian cho học tập của Tài cũng không mấy trọn vẹn. Hàng ngày, cứ 3 sáng, em phải thức dậy cùng ba vượt chặng đường hơn 10km từ nhà ra chợ Bến Thành để phụ giữ xe. Đến 6 giờ, em tạm gác công việc của mình và đạp xe ngược về nhà chuẩn bị cho giờ lên lớp. “Vì giữ xe ở vỉa hè nên nhiều lúc các chú công an phường ập đến bất ngờ, ba em không kịp dời xe cho khách đi chỗ khác nên bị phạt. Nhìn thấy ba bị phạt em thương ba nhiều lắm. Nghĩ vậy, em càng phải cố gắng học thật tốt để sau này có thể thay ba chăm lo cho gia đình” – Tài tâm sự. Vì ngày nào cũng phải dậy sớm để làm việc phụ giúp ba nên Tài phải sắp xếp cho mình một lịch học phù hợp bằng cách em thường tập trung nhiều thời gian cho các bài tập thuộc bộ môn tự nhiên, còn các môn xã hội em chỉ học theo ý chính. Những lúc rảnh không có khách gửi xe, em tranh thủ liếc qua các bài mới cho ngày hôm sau. Từ cách học hợp lý này mà em có thể vừa làm thêm, vừa đi học, vừa tham gia các hoạt động của lớp và Đoàn hội ở trường một cách hiệu quả.
Một ngày giữ xe phụ ba Tài được 20 ngàn đồng, tính ra mỗi tháng em nhận được 600 ngàn đồng. Số tiền này em đưa hết cho ba mẹ để phụ lo việc học của hai anh em. Tài cho biết năm sau em sẽ thi khối ngành kinh tế, bởi em thích lĩnh vực kinh doanh. Hiện tại với phần thưởng học bổng Nguyễn Thái Bình trị giá 1 triệu đồng, Tài đưa ba mẹ 500 ngàn đồng, số tiền còn lại em dành mua sách giáo khoa, đồ dùng học tập chuẩn bị năm học mới cho hai anh em. “Em nghĩ, hoàn cảnh sống của mình dù khó khăn vất vả như thế nào nhưng nếu mình biết lạc quan, có ý chí phấn đấu thì tương lai sẽ không phụ lòng” – Tài tự tin.
Ước mơ đến từ sự cảm phục
Đỗ Xuân Phụng |
Cũng như Tài, Đỗ Xuân Phụng (học cùng trường) suốt 12 năm qua luôn đạt danh hiệu học sinh giỏi, tổng kết 5 năm học vừa qua em được 8,1đ và gần đây em còn đoạt giải ba môn địa cấp thành phố. Hoàn cảnh của Phụng còn “bi đát” hơn – mẹ bán vé số, ba chạy xe ôm nên cuộc sống gia đình luôn bấp bênh theo những tờ vé số của mẹ và những cuốc xe ôm của ba. Cả gia đình 5 thành viên trú ngụ trong một căn nhà lợp lá có diện tích chừng 20m2 tại con hẻm nhỏ trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh (Bình Thạnh).
Ngay từ những năm học cấp 1, cấp 2, Phụng đã theo phụ mẹ bán vé số trên khắp nẻo đường ở Sài Gòn. “Tiền lời kiếm được khoảng 30 ngàn đồng/ ngày phần nào giúp gia đình đỡ khó khăn hơn, bởi ba mẹ không chỉ lo cho ba anh em đi học mà hàng tháng phải trả tiền phòng trọ, điện nước…” – Phụng bùi ngùi. Ý thức được sự nghèo khó của gia đình, Phụng luôn tự nhủ mình phải học tập thật tốt để ba mẹ không buồn lòng.
Học tới cấp 3, bài vở nhiều nên Phụng không phụ mẹ bán vé số nữa, thay vào đó em giúp bà nội bán nước ở vỉa hè để bà có thêm thu nhập. “Bà nội ở một mình, và cũng thuê phòng trọ như gia đình em, thương bà, mỗi tối em qua phụ bà bán nước khoảng 2 tiếng đồng hồ, những hôm nào nhiều bài thì em mới ở nhà” – Phụng bày tỏ.
Kỳ thi ĐH vừa qua, Phụng đã chọn cho mình ngành sư phạm toán của Trường ĐH Sài Gòn. Phụng chia sẻ: “Em rất thích học môn toán với cô Nghiêm Thị Xoa. Cô có cách truyền đạt rất dễ hiểu, cuốn hút qua các ví dụ đơn giản. Cô thường ra bài tập phù hợp với năng lực của từng học sinh. Từ khi học với cô, điểm toán của em cao hơn hẳn và em yêu thích môn toán hơn. Sở dĩ em chọn ngành toán vì mong muốn sau này được như cô, có thể truyền đạt hết những kiến thức của mình cho học sinh”.
Sau một ngày vất vả ngoài đường, niềm vui khi về nhà của ba mẹ Phụng là thấy ba anh em đều hòa thuận, bảo ban nhau học tập.
Bài, ảnh: Ngọc Trinh
Bình luận (0)