"Trong giáo dục, mọi quyết sách không thể là “phép thử” và không được phép sai. Vinh quang năm học vừa qua thuộc về mỗi thầy cô giáo. Trường học hạnh phúc khi mỗi thành viên trong ngôi trường ấy được hạnh phúc" – Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Nguyễn Văn Hiếu chia sẻ khi nhìn lại năm học 2021-2022 và bày tỏ những kỳ vọng về năm học 2022-2023.
Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Nguyễn Văn Hiếu
Mọi quyết sách không thể là "phép thử"
Phóng viên: Năm học 2021-2022 được gọi tên là một năm học chưa từng có trong tiền lệ. Với riêng TP.HCM – nơi tâm dịch COVID-19, năm học đã qua còn là một năm học đặc biệt, với quá nhiều cảm xúc. Nếu được gọi tên những cảm xúc ấy, với ông đó là gì…?
Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Nguyễn Văn Hiếu: Năm học vừa qua là “một năm học đặc biệt” với những khó khăn, thử thách phải nói là khốc liệt. Thế nên cảm xúc thì nhiều lắm, mỗi giai đoạn lại có 1 cảm xúc riêng. Đầu tiên là lo lắng, rất lo!
Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, khó lường khiến ngành giáo dục TP phải đột ngột chuyển dạy học từ giảng dạy trực tiếp sang trực tuyến để đảm bảo an toàn cho học sinh, đội ngũ, với vô vàn khó khăn, thiếu thốn về trang thiết bị, đường truyền và cả phương thức dạy học, đặc biệt là tâm lý bất an vì quá nhiều xáo trộn của phụ huynh, học sinh, giáo viên và toàn xã hội.
Rồi cảm xúc bàng hoàng, xót xa trước những con số học sinh TP mồ côi cha, mẹ hoặc mồ côi cả cha lẫn mẹ trong dịch COVID-19 khi các quận, huyện báo về. Hỗ trợ và nâng đỡ các em là trách nhiệm lớn của ngành giáo dục, thầy cô giáo. Nhưng làm thế nào, bắt đầu từ đâu để có thể thương yêu song không gây tổn thương cho các em…
Trường học hạnh phúc không phải chỉ là đích đến mà là hành trình mỗi ngày
Đó là cảm xúc mừng vui khi việc dạy trực tuyến đạt kết quả khả quan, việc mở của trường học dạy trực tiếp dần đi vào ổn định, tỷ lệ phụ huynh đồng thuận cho con đến trường ngày một cao ở các khối lớp.
+ Năm học 2021-2022 là một năm mà TP.HCM nói chung và ngành GD-ĐT TP.HCM nói riêng đã có những quyết sách “chưa từng có tiền lệ”. Ông suy nghĩ như thế nào về những quyết sách ấy?
– Trong giáo dục và với những người làm giáo dục, mọi quyết sách không thể là phép thử và không được phép sai. Vì thế, mọi quyết định được TP.HCM đưa ra trong năm học vừa qua đều được tính toán hết sức thận trọng, khoa học với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị.
Tôi nhớ khi đưa ra quyết định tổ chức thi tốt nghiệp THPT đợt 1 cho học sinh thành phố, lãnh đạo TP cùng ngành giáo dục và các sở ban ngành đã phải nhiều lần họp bàn, có khi đến khuya. Mọi tình huống đều được dự bàn và đưa ra phương án. Khi TP.HCM quyết định dạy học trực tuyến ngay từ đầu năm học với cả bậc tiểu học lớp 1, 2; khi mạnh dạn mở cửa trường học theo hướng "an toàn đến đâu mở cửa đến đó", dư luận xã hội và người dân đều phản ứng nhiều.
Một mặt thành phố ghi nhận ý kiến của người dân, mặt khác lấy ý kiến của các nhà khoa học để làm sao, mọi quyết định đưa ra hợp tình, hợp lý nhất. Từng quyết định đưa ra không phải cảm tính, càng không phải lấy thành tích mà dựa trên các biện chứng khoa học, đảm bảo sức khỏe học sinh là trên hết, trước hết nhưng các em vẫn được phát triển đầy đủ về tinh thần, trí tuệ.
Riêng ngành giáo dục, đứng trước những quyết sách "chưa từng có trong tiền lệ", thầy cô buộc phải làm những điều trước đây chưa bao giờ làm, sáng tạo nhứng thứ trước đây chưa bao giờ sáng tạo, mỗi người đều đã phải vượt qua những giới hạn của chính mình, vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Các nhà trường, thầy cô linh hoạt sáng tạo theo đặc thù từng trường nhưng không để bị động cho phụ huynh, học sinh, chia sẻ những kinh nghiệm trong dạy học trực tuyến… Sở GD-ĐT đã luôn hướng đến cởi bỏ mọi áp lực khi thầy cô đứng lớp, trao quyền chủ động tối đa cho thầy cô trong việc thiết kế khung thời gian, bài giảng của mình…
Vinh quang của năm học thuộc về mỗi thầy cô giáo
+ Như vậy, câu “lửa thử vàng, gian nan thử sức” đã đúng với ngành GD-ĐT TP.HCM trong năm học vừa qua?
– Một năm học nhìn lại, điều mừng nhất là cùng với TP, ngành giáo dục TP.HCM đã vượt qua được 1 năm học đặc biệt. Các chỉ số của năm học không chỉ được giữ vững mà còn tăng lên. Cụ thể: TP tiếp tục giữ vị trí 6 năm liền đứng đầu cả nước về điểm thi tốt nghiệp THPT ở môn tiếng Anh; TP có 2 học sinh đạt giải quốc tế trong đó có 1 HCV Olympic hóa học quốc tế; 15 giải khu vực và 117 HSG quốc gia; Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT đạt hơn 99%; Tỷ lệ học sinh lớp 1 hoàn thành chương trình lớp học hơn 97%… Đặc biệt, thành phố đã thành công trong việc "tận dụng thời gian vàng" để dạy học trực tiếp, bồi dưỡng, bù đắp kiến thức, kỹ năng cho học sinh sau thời gian học trực tuyến kéo dài, từ đó hạn chế được nhiều hệ lụy…
Vinh quang năm học vừa qua thuộc về mỗi thầy cô giáo
Kết quả trên là nỗ lực cực kỳ lớn của cả thành phố, của toàn ngành, mỗi nhà trường, thầy cô, sự đồng hành chia khó của phụ huynh, xã hội. Trên hết, tôi cho rằng, vinh quang năm học vừa qua thuộc về mỗi thầy cô giáo.
Trong những thời khắc mà ranh giới giữa trách nhiệm và sự sợ hãi rất mong manh nhưng mỗi thầy cô đã vượt qua giới hạn của bản thân mình, cả sự sợ hãi, tâm lý bất an trong dịch bệnh, những lúng túng, thiếu thốn khi bắt đầu năm học bằng hình thức trực tuyến để đứng lớp với tâm thế vững vàng, vận dụng sáng tạo nhiều giải pháp "kéo" học sinh đến giờ học trực tuyến đạt hiệu quả nhất.
Trong đại dịch, nhiều thầy cô mắc COVID-19, thậm chí là có người thân mất vì COVID-19 nhưng thầy cô đã vượt lên những nỗi đau thương để vẫn "lên lớp" giờ học trực tuyến để động viên, hướng dẫn học sinh học tập, hoàn thành nhiệm vụ của mình. Nhiều thầy cô không quản dịch bệnh, băng chốt vào vùng đỏ trao thiết bị học trực tuyến cho học sinh kèm lá thư động viên. Có thầy cô lại tự bỏ tiền túi của mình, mua lương thực, thuốc men, thiết bị học trực tuyến hỗ trợ học sinh khó khăn trong dịch bệnh…
Trường học hạnh phúc không chỉ là đích đến mà là hành trình mỗi ngày Ông Nguyễn Văn Hiếu: Năm học 2022-2023, TP.HCM có những thuận lợi khi dịch bệnh đã được kiểm soát và sự kế thừa những kinh nghiệm quý giá của 1 năm học đặc biệt song ngành giáo dục TP cũng đối mặt với vô vàn khó khăn, thách thức: Áp lực tăng dân số cơ học cao, sĩ số học sinh/lớp đông, tỷ lệ học sinh học 2 buổi/ngày thấp, việc xây dựng trường lớp, cơ sở vật chất trang thiết bị không theo kịp, là rào cản để thực hiện tốt Chương trình GDPT 2018. Áp lực càng cao, thách thức về việc đảm bảo đời sống để giữ chân giáo viên càng lớn… Điều tôi vẫn luôn suy nghĩ và trăn trở nhiều nhất là việc xây dựng trường học hạnh phúc. Theo tôi đây vẫn là hành trình và là đích đến mà càng trong đổi mới giáo dục chúng ta càng phải hướng đến. Ở đó thầy cô được hạnh phúc với môi trường mình gắn bó, hạnh phúc với nghề, sống được với nghề, an tâm với nghề… Ở đó học sinh được có các cơ hội bình đẳng trong tiếp cận giáo dục để phát triển toàn diện. Những thách thức trên không có nghĩa là chúng ta không xây dựng được trường học hạnh phúc. Ngoài sự nỗ lực của ngành giáo dục còn cần sự chung tay của toàn xã hội, trao cho giáo dục, thầy cô một vị thế đúng với sứ mệnh của mình. Mỗi năm TP.HCM có khoảng 600 – 700 giáo viên bỏ việc. Con số không lớn với một siêu đô thị như thành phố nhưng cũng đủ để trăn trở. Làm thế nào để thầy cô sống được với nghề, hạnh phúc với nghề, an tâm với nghề là bài toán luôn được ngành giáo dục quan tâm. Sở GD-ĐT TP.HCM sẽ tiếp tục có những tham mưu, kiến nghị với UBND TP, HĐND TP để có thêm những chính sách chăm lo đời sống, nhằm tăng thêm thu nhập cho thầy cô tương xứng với công việc, trách nhiệm mà thầy cô đảm nhận. Song song đó, ngành cũng sẽ tiếp tục tham mưu để sớm đạt được chỉ tiêu 300 phòng học/10.000 dân trong độ tuổi đi học, nhằm kéo giảm sĩ số học sinh/lớp, tăng tỷ lệ học sinh học 2 buổi/ngày… giảm áp lực đứng lớp cho thầy cô. Về góc độ quản lý, Sở GD-ĐT TP sẽ tiếp tục có những hướng dẫn kịp thời để tạo môi trường giáo dục tốt nhất cho thầy cô, tiếp tục trao quyền chủ động cho thầy cô khi thực hiện nhiệm vụ của mình, nhất là với những khối lớp thực hiện Chương trình GDPT 2018. Một giải pháp quan trọng đó là nhà trường, thầy cô sẽ chú trọng trang bị cho học sinh tinh thần tự học, sự chủ động, linh hoạt thích ứng với mọi tình huống. Năm học mới, 35% hoạt động dạy học ở bậc trung học sẽ được TP thực hiện trên internet, giúp thầy cô và học sinh chủ động hơn nữa trong việc dạy và học…
|
Nếu không phải vì tình yêu với học trò, vì trách nhiệm với nghề, vì 2 tiếng gọi thiêng liêng "thầy, cô", tôi nghĩ rằng thầy cô sẽ không thể làm được như vậy và ngành giáo dục thành phố không thể hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm học.
Sự đoàn kết, năng động sáng tạo sẽ giúp ngành vượt qua mọi khó khăn
+ Khép lại một năm học đặc biệt, ông có kỳ vọng gì về một năm học mới với ngành GD-ĐT TP.HCM, thưa ông?
– Từ kinh nghiệm và thành quả của năm học vừa qua, tôi luôn tin tưởng thầy cô và các em học sinh sẽ tiếp tục vượt khó để hoàn thành tốt nhiệm vụ năm học mới. Các thầy cô sẽ tiếp tục giữ lửa nhiệt huyết, sáng tạo, kiên định với mục tiêu đổi mới giáo dục, mang đến những giờ học thú vị cho học sinh.
Trải qua một năm học đặc biệt, chính sự đoàn kết, năng động và sáng tạo đã giúp toàn ngành vượt qua khó khăn. Vì vậy, trong năm học mới, nhiều thách thức mới, tôi càng tin tưởng và kỳ vọng vào tinh thần đoàn kết, sự năng động sáng tạo của toàn ngành, biến những khó khăn thách thức trở thành động lực, sức mạnh nội tại để ngành GD-ĐT TP.HCM vượt qua, đạt được những mục tiêu trong năm học mới.
+ Xin cảm ơn ông!
Yến Hoa (thực hiện)
Bình luận (0)