Nguồn thu từ các chương trình liên kết đào tạo (CTLKĐT) ngày càng trở thành một lý do hấp dẫn để các trường mở rộng quy mô và số lượng chương trình, trong khi chất lượng đào tạo lại không phải là mối quan tâm hàng đầu.
Nguồn thu từ các chương trình liên kết đào tạo (CTLKĐT) ngày càng trở thành một lý do hấp dẫn để các trường mở rộng quy mô và số lượng chương trình, trong khi chất lượng đào tạo lại không phải là mối quan tâm hàng đầu.
Khác với vài năm trước, liên kết đào tạo với nước ngoài chủ yếu là đào tạo sau ĐH (phổ biến là các chương trình đào tạo thạc sĩ), năm 2010 là thời điểm các CTLKĐT cử nhân với nước ngoài thật sự bùng nổ, cực kỳ đa dạng về đối tác nước ngoài, phương thức tuyển sinh, đào tạo cũng như mức học phí…
112 chương trình có phép
Theo thống kê của Bộ GD-ĐT công bố đầu tháng 7-2010, hiện cả nước có 112 CTLKĐT với nước ngoài đã được bộ cho phép thực hiện tại 40 cơ sở đào tạo trong cả nước. Số lượng này chưa tính các CTLKĐT đang được thực hiện tại hai ĐH quốc gia và ba ĐH vùng đã được Bộ GD-ĐT phân cấp tự chịu trách nhiệm về việc phê duyệt hồ sơ xin cấp phép liên kết đào tạo của tất cả các trường thành viên.
(Mời xem danh sách chi tiết trên tuoitre.vn)
|
Đầu vào dễ dãi
Các CTLKĐT có một điểm chung là đầu vào rất “mở”, có thể nói khá dễ dãi so với phương thức tuyển sinh ĐH, CĐ chính quy hiện nay, thường chỉ yêu cầu đầu vào tốt nghiệp THPT, một số chương trình có yêu cầu lấy điểm thi ĐH chỉ bằng điểm sàn làm căn cứ xét tuyển nhưng nếu thí sinh chưa đạt cũng sẽ được cho “nợ” để vào học dưới hình thức dự bị.
Ngoài ra, để trở thành SV của các CTLKĐT, người học cũng được yêu cầu phải đạt trình độ nhất định một ngoại ngữ, thông thường là tiếng Anh. Nhưng trên thực tế yêu cầu về ngoại ngữ luôn được các CTLKĐT thực hiện một cách “du di”, không ít nơi sẵn sàng cho người học “nợ” cả các chứng chỉ ngoại ngữ.
Thậm chí, gần đây nhiều CTLKĐT còn nới rộng yêu cầu về trình độ ngoại ngữ theo hướng tuyển vào rồi dành 1-2 học kỳ đầu tiên để dạy ngoại ngữ.
Trong thông báo tuyển sinh của CTLKĐT với Pháp của Trường ĐH Ngoại ngữ (ĐHQG Hà Nội) không yêu cầu SV phải biết tiếng Pháp, mà thông báo sẽ dành tới 900 tiết dạy tiếng Pháp để sau đó SV có thể nghe giảng bằng tiếng Pháp. Thậm chí, có những chương trình đào tạo thạc sĩ lấy bằng quốc tế nhưng học hoàn toàn bằng tiếng Việt (!).
Chính vì vậy có thể nói để trở thành SV của các CTLKĐT hiện nay, quan trọng nhất là có đủ khả năng tài chính kham nổi mức học phí thường tính bằng đơn vị “ngàn đô” cho mỗi năm học.
Đối tác thường thường bậc trung?
Trong một lần làm việc với Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, nghe trường tự hào giới thiệu về các CTLKĐT, trong đó có đối tác từ Hoa Kỳ, một chuyên gia cao cấp của Quỹ Giáo dục VN (VEF) bày tỏ: “Tôi lấy làm tiếc là tại sao một trường ĐH hàng đầu của VN lại chỉ tìm được những đối tác… không tên tuổi như vậy?”.
Theo chuyên gia này, trường đối tác đó là một trường quá thường, ít được biết đến ở Hoa Kỳ. Nhưng đây không phải là trường hợp cá biệt trong quan hệ liên kết đào tạo với nước ngoài của các trường ĐH hiện nay.
“Phần lớn đối tác nước ngoài là những trường thường thường bậc trung, ít có trường xếp hạng cao” – đó là nhận xét của một số chuyên gia giáo dục khi nhìn vào bảng thống kê 112 CTLKĐT đã được Bộ GD-ĐT cho phép triển khai ở các trường ĐH.
Phân tích kỹ hơn, các chuyên gia cho biết các đối tác đến từ Pháp, Đức, Bỉ… còn có nhiều trường uy tín, tên tuổi. Còn các đối tác đến từ Hoa Kỳ và Úc hầu hết là những trường chưa có tên tuổi, nhất là ở những ngành các ĐH VN chọn để liên kết.
Giúp chúng tôi thẩm định một loạt trường ĐH Hoa Kỳ đang được Bộ GD-ĐT cho phép liên kết đào tạo với các trường ĐH VN như ĐH Benedictine, ĐH North Central, ĐH Missouri tại St Louis, ĐH Troy…, một giảng viên của Trường ĐH Khoa học tự nhiên Hà Nội đang làm việc ở Hoa Kỳ cho hay “các đối tác này đều là những trường thường thường bậc trung ở Hoa Kỳ”.
Lách “luật”
Theo bà Trần Thị Hà – vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH Bộ GD-ĐT: “Các trường ĐH VN, nhất là những trường nằm trong tốp đầu, là trường trọng điểm, cần “khó tính” hơn trong việc chọn đối tác. Sau giai đoạn mở rộng quan hệ hợp tác, phát triển về số lượng, đã đến lúc các trường phải thật sự chú trọng đến uy tín, chất lượng của các CTLKĐT”.
Nhưng các CTLKĐT ở VN dường như có dấu hiệu đi ngược lại: càng mở rộng quan hệ liên kết càng dễ dãi hơn trong việc chọn đối tác.
Trong khi đó, sự bùng nổ các CTLKĐT cũng đang thể hiện những bất cập, sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng đào tạo chính quy ở các trường ĐH. Trước hết là về phương thức và chỉ tiêu tuyển sinh của các CTLKĐT hoàn toàn nằm ngoài sự quản lý về chỉ tiêu tuyển mới hằng năm của các trường.
Khi thực hiện liên kết đào tạo, thậm chí nhiều chương trình đào tạo cùng lúc, các trường sẽ tuyển thêm hàng trăm chỉ tiêu phát sinh, chắc chắn sẽ tăng sức ép lên các điều kiện phục vụ đào tạo của nhà trường, từ nhân lực đến cơ sở vật chất.
Mặt khác, cũng đang có nhiều ý kiến đặt ra vấn đề “hợp pháp hóa bằng cấp” của các CTLKĐT bậc ĐH (cấp bằng cử nhân). Bên cạnh một số chương trình do phía đối tác nước ngoài cấp bằng, đang có không ít chương trình do hai bên cùng cấp hoặc thậm chí nhận bằng cử nhân của trường phía VN.
Đối với những CTLKĐT trường ĐH phía VN cấp bằng rõ ràng đang lách các quy định tuyển sinh và đào tạo hiện hành: với đầu vào có chất lượng thua xa hệ chính quy, nếu không nói trắng ra là chỉ trượt ĐH chính quy, thí sinh mới vào học liên kết đào tạo.
Nhưng sau mấy năm học, người học cũng vẫn sẽ nhận được một tấm bằng như hệ chính quy, thậm chí có phần danh giá hơn. Chưa kể đối với các trường, đây là một hình thức vượt chỉ tiêu tuyển sinh vì phần chỉ tiêu liên kết đào tạo không bị tính vào chỉ tiêu tuyển sinh hằng năm.
Cung cấp thông tin chính thức về giáo dục Mỹ
Ngày 5-8, Tổng lãnh sự quán Hoa Kỳ tại TP.HCM cho biết bộ phận tư vấn giáo dục Education USA đã đi vào hoạt động tại phòng văn hóa thông tin Tổng lãnh sự quán Hoa Kỳ từ đầu tháng 8-2010 ở địa chỉ tầng 8, tòa nhà Diamond Plaza (34 Lê Duẩn, Q.1).
Theo Tổng lãnh sự quán Hoa Kỳ, Education USA sẽ cung cấp những thông tin chính thức của Chính phủ Hoa Kỳ về giáo dục tại nước này và cung cấp thông tin miễn phí, chính xác, không thiên vị về các cơ hội học tập cho sinh viên và phụ huynh VN.
Những người có nhu cầu tư vấn, tìm hiểu thông tin có thể đặt lịch hẹn qua số điện thoại (08) 35204610 hoặc email HCMCEDUSA@state.gov và sử dụng tài liệu tham khảo tại địa chỉ educationusa.state.gov. (V.H.)
|
THANH HÀ (còn tiếp)
Tuoi Tre
Bình luận (0)