Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

“Cởi trói” cho trường đại học

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

 

Các trường cần được tự chủ, tự chịu trách nhiệm từ khâu quyết định quy mô, cơ cấu, thời gian tuyển sinh đến các hoạt động quản trị trường học để phát huy nội lực

 
Quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm trong giáo dục ĐH, đa dạng hóa các nguồn lực phục vụ giáo dục ĐH, phát triển chương trình đào tạo đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động, bảo đảm  và kiểm định chất lượng trong giáo dục ĐH là 4 chủ đề nóng diễn ra tại một cuộc hội thảo quốc tế về chủ đề phân quyền trong giáo dục ĐH, do Trung tâm Đào tạo khu vực của SEAMEO tại VN vừa tổ chức với sự tham gia của 130 đại biểu đến từ các trường ĐH, viện nghiên cứu quốc tế và trong nước.

Một giờ học tại Trường ĐH Công nghệ thông tin Gia Định – TPHCM. Ảnh: HUY LÂN
Phân quyền thật mạnh
Theo PGS-TS Chu Hoàng Mậu, Phó Giám đốc ĐH Thái Nguyên, ĐH này hiện có trên 78.000 sinh viên với 7 trường thành viên. ĐH Thái Nguyên đã thực hiện phân cấp rất rõ chức năng, nhiệm vụ của các trường thành viên, trong đó có quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm về quản lý tài chính, tổ chức và quản lý đào tạo…
Thế nhưng, PGS-TS Chu Hoàng Mậu cho biết điều bất cập là đến nay Bộ GD-ĐT chưa phân biệt rõ ràng giữa ĐH vùng và ĐH độc lập, đặc biệt sự phân cấp quản lý của bộ cho các ĐH vùng còn nhiều hạn chế.
“Trong số 23 văn bản mà bộ dự kiến sẽ ban hành trong năm 2010, chưa thấy văn bản nào riêng cho các ĐH vùng”- PGS-TS Chu Hoàng Mậu nhấn mạnh. Cùng quan điểm, TS Hoàng Ngọc Trí, Hiệu trưởng Trường CĐ Cộng đồng Hà Nội, cho rằng hiện nước ta chưa ban hành Luật Giáo dục ĐH, một trường có khi chịu sự quản lý của 2 bộ, các nội dung về tự chủ tài chính và chính sách chưa cụ thể, chế tài chưa đủ mạnh để khuyến khích người tài và răn đe người sai.
Thạc sĩ Đinh Tuấn Dũng, Giám đốc Trung tâm Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục của Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, nêu rõ nguyên nhân chất lượng giáo dục chưa đáp ứng yêu cầu của xã hội, bởi vòng luẩn quẩn: “Nhà trường muốn quyết định mức lương cho giảng viên, muốn đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất nhưng lại bị khống chế bởi mức trần học phí. Bởi học phí thấp nên không thể có chất lượng cao…”.
Thạc sĩ Đinh Tuấn Dũng cho rằng các trường ĐH, CĐ có lực lượng lao động trình độ cao nhất so với các ngành khác trong xã hội, họ không chỉ nghiên cứu, giảng dạy mà còn có thể sáng tạo cả vật chất, tinh thần cho xã hội. Vì vậy, cần có cơ chế để khai thác có hiệu quả lực lượng này. Để “cởi trói” cho các trường thì phải phân quyền thật mạnh. Các trường cần được tự chủ, tự chịu trách nhiệm từ khâu quyết định quy mô, cơ cấu, thời gian tuyển sinh đến các hoạt động quản trị trường học để phát huy nội lực của mình.
Cần bộ tiêu chuẩn chất lượng
Nhiều giải pháp để thực hiện phân quyền trong giáo dục ĐH đã được nêu ra. TS Hoàng Ngọc Trí cho rằng cần có sự đổi mới trong chỉ đạo của cơ quan quản lý Nhà nước theo hướng chuyển từ kiểm soát toàn bộ quá trình sang kiểm soát kết quả cuối cùng, chuyển từ kiểm soát sang giám sát. Bộ cần có những hướng dẫn cụ thể về nội dung tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong đào tạo, nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế.
Thạc sĩ Đinh Tuấn Dũng đề xuất Nhà nước cần có bộ tiêu chuẩn chất lượng cụ thể cho từng ngành đào tạo. Bên cạnh đó, phải đẩy nhanh tiến độ kiểm định chất lượng và thường xuyên công bố các trường đạt tiêu chuẩn chất lượng và các trường chưa đạt.
“Các trường ĐH, CĐ có chất lượng cao cần được trao quyền chủ động trong tài chính, tuyển sinh cũng như các quyền khác. Các trường không đủ tiêu chuẩn phải dừng tuyển sinh để củng cố chất lượng, thậm chí cần đóng cửa”- thạc sĩ Đinh Tuấn Dũng nhấn mạnh.
Các đại biểu cũng cho rằng các trường ĐH khi thực hiện phân quyền cần phải chịu trách nhiệm trước xã hội về hoạt động của mình. Trong đó, phải tăng cường tính minh bạch trong hoạt động thông qua các báo cáo công khai. Để bảo đảm tính khách quan, cần có sự tham gia của các đơn vị, tổ chức kiểm định độc lập, của các tổ chức xã hội nghề nghiệp trong công tác kiểm định chất lượng giáo dục của trường ĐH.

Phân quyền để thúc đẩy cạnh tranh quốc tế
Đại diện các trường ĐH Oxford, ĐH Nottingham (Anh Quốc), ĐH Curtin (Úc), Học viện Công nghệ châu Á (Thái Lan), ĐH Philippines Manila (Philippines), ĐH Taylor (Malaysia)… đều cho rằng việc phân quyền rất quan trọng để bảo đảm một trường ĐH thành công.
Đặc biệt trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, với xu hướng liên kết quốc tế ngày càng mở rộng thì các trường ĐH càng phải thúc đẩy sự phân quyền trong việc thiết lập chương trình và khả năng đối phó với bối cảnh giáo dục và nghề nghiệp thay đổi không ngừng… Nhiều đại biểu quốc tế nhận định: Các trường ĐH VN muốn nâng cao chất lượng đào tạo, tăng cường khả năng cạnh tranh quốc tế thì việc phân quyền cần được thực hiện nhanh chóng và triệt để.

THÙY VINH/ NLĐ


Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)