Năm nào cũng vậy, cứ vào thời điểm này, mỗi tháng 2 đợt, mỗi đợt kéo dài vài ngày, mỗi ngày 2 bận sáng – chiều, người dân Cần Thơ lại vật vã với triều cường. Người lớn, trẻ em phải “bơi trên đường” đi làm, tới trường. Không những vậy, triều cường còn ảnh hưởng đến việc kinh doanh, buôn bán của người dân, nhất là người nghèo…
Nước tràn vào khuôn viên Bệnh viện Tim mạch Cần Thơ trong đợt triều cường giữa tháng 9 âm lịch vừa qua
Vật vã giữa cao điểm triều cường
Có thể nói, Trường THCS An Thới (đường Cách Mạng Tháng Tám, Q.Bình Thủy) là nơi bị ảnh hưởng nặng nhất của Cần Thơ. Trường có cốt nền thấp, cơ sở vật chất xuống cấp nặng. Mỗi khi triều cường, nước từ các khu vực chung quanh tràn vào trường và “bám trụ” hơn 3 giờ. Nước ngập sâu khoảng 5cm, nếu có mưa thì nước tràn vào các phòng học ở tầng trệt dù nhà trường đã xây bệ chắn trước cửa…
Trường THCS An Thới có 2.281 học sinh/51 lớp. Nước ngập khiến việc đi lại của thầy, trò rất vất vả. Các hoạt động ngoài trời đều phải dừng. Sau khi nước rút, thầy, trò lại lúi húi tát nước; dọn dẹp vệ sinh trường…
Cô Lam Mỹ Linh – Hiệu trưởng nhà trường – cho biết, Ban Giám hiệu luôn theo sát thông tin của ngành chức năng và “canh con nước” để thông báo cho các thầy cô và phụ huynh học sinh (qua Zalo các nhóm lớp) thời điểm đỉnh triều cao nhất để giáo viên và phụ huynh thu xếp “né lũ” đưa con đến trường an toàn.
Bệnh viện Tim mạch TP.Cần Thơ (đường Trần Hưng Đạo, Q.Ninh Kiều) đã xuống cấp từ nhiều năm nay, lại nằm ở khu vực ngập nặng nhất nên mỗi khi triều cường, nước tràn khắp sân bệnh viện, khu vực cổng ngập nửa bánh xe. Sau nhiều lần nâng nền, đến nay vẫn còn 2 buồng bệnh của Khoa Nội tim mạch và phòng X quang bị ngập. Những bệnh nhân cần chụp X quang phải chờ nước rút mới chụp được.
Đa số bệnh nhân là người tuổi cao, nhiều bệnh nên những ngày nước ngập, bệnh viện bố trí lực lượng đoàn viên kết hợp công an và dân quân phường hỗ trợ bệnh nhân đi lại…
BS.CKII Võ Hồng Sở – Giám đốc bệnh viện – cho biết, bệnh viện chuẩn bị bao cát, bố trí lãnh đạo, cán bộ, y bác sĩ thay nhau trực đêm sẵn sàng ứng phó khi nước dâng cao, nguy cơ tràn vào các buồng bệnh.
BS.CKII Trịnh Thanh Tâm – Trưởng khoa Hồi sức tích cực – bộc bạch: “Các đêm trực, anh em đều phải tát nước ở phòng X quang và 2 buồng bệnh. Cực chút không sao, chỉ “ngán” phải ngâm chân dưới nước dơ dễ phát sinh bệnh truyền nhiễm, ảnh hưởng đến sức khỏe của nhân viên y tế và thân nhân người bệnh…”.
Triều cường không chỉ ảnh hưởng đến hoạt động của các cơ sở giáo dục, y tế mà còn ảnh hưởng đến… “miếng cơm” của những người lao động “chạy ăn từng bữa”. Chẳng hạn như dì Năm (bán bánh mì trên đường Trần Việt Châu, Q.Ninh Kiều). Bình thường bán đến 9 giờ là hết, những ngày triều cường bán không được phân nửa.
“Rất nhiều học sinh Trường THCS An Hòa 2 ngang qua đây ghé mua bánh ăn sáng, thêm khách qua đường lại mua nên bán rất lẹ. Những ngày triều cường, nước ngập lênh láng khắp nơi, rồi kẹt xe. Khi nước rút thì cũng tầm hơn 10 giờ, ai còn mua bánh mì ăn sáng nữa…”, dì Năm tâm tư.
Cùng chung số phận, chị Bé Sáu (bán vé số) buồn bã: “Tôi chịu khó đi nên trung bình mỗi ngày bán được 300 đến 400 tờ, đủ cho 2 mẹ con sống. Những ngày triều cường, hàng quán vắng khách nên vé số ế lắm. Lội nước đi bán cả ngày cũng chỉ được hơn 100 tờ…”.
Nhiều giải pháp đồng bộ ngăn triều cường
Ông Trần Việt Trường – Chủ tịch UBND TP.Cần Thơ – cho biết: “Để đối phó với triều cường, thời gian qua TP đã thực hiện khá tốt phương châm “4 tại chỗ”, duy trì lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn chuyên ngành, huy động lực lượng nhân dân tại cơ sở sẵn sàng cứu hộ, cứu nạn khi có sự cố. Các giải pháp đồng bộ được tổ chức thực hiện đã góp phần giảm thiểu những tác động tiêu cực do ngập lụt, triều cường. Về phương án lâu dài, TP đang triển khai dự án phát triển Cần Thơ và tăng cường khả năng thích ứng của đô thị. Dự án sẽ giúp kiểm soát ngập cho trên 2.657ha vùng lõi các quận Ninh Kiều, Bình Thủy. Phần 1 của dự án sẽ đầu tư hơn 6,1km kè dọc theo tuyến sông Cần Thơ; hơn 3km kè dọc theo tuyến sông Cái Sơn, Mương Khai kết hợp các hạng mục công trình khác của dự án (như các âu thuyền (Cái Khế, Hàng Bàng), cống ngăn triều (rạch Đầu Sấu, rạch Sao, rạch Ranh, rạch Súc, rạch Nước Lạnh, rạch Phó Thọ, rạch Cây Dừa, rạch Bà Lễ, rạch Trần Ngọc Quế, rạch Tham Tướng), van ngăn triều và trạm bơm…) nhằm giảm các nguy cơ liên quan ngập lụt tại khu vực đô thị trung tâm. Bên cạnh đó, TP cũng đang thực hiện cải tạo hệ thống thoát nước khu vực trung tâm Q.Ninh Kiều với 32 tuyến đường và các trạm bơm”…
Ngày 31-10 vừa qua, các tuyến đường Trần Hưng Đạo, Huỳnh Cương, Võ Văn Kiệt, Mậu Thân… (thuộc địa bàn quận Ninh Kiều, Bình Thủy) đều khô ráo dù triều cường trên sông Hậu đạt 2,15m, vượt báo động 3 là 0,15m. Đây cũng là mực nước thường khiến cho nội đô Cần Thơ ngập lênh láng vào các đợt triều cường trước đó. Nguyên nhân là do chiều 30-10 và ngày 31-10, Ban quản lý dự án ODA Cần Thơ đã cho vận hành thử hệ thống cửa van của âu thuyền Cái Khế và hệ thống cống, van ngăn triều bảo vệ đô thị trung tâm Q.Ninh Kiều cùng một phần Q.Bình Thủy.
Ông Bùi Thái Thượng – Giám đốc Ban quản lý dự án ODA Cần Thơ – cho biết, dù chỉ thử nghiệm nhưng hệ thống ngăn triều đã phát huy tác dụng tức thời, đảm bảo mục tiêu chống ngập và bảo vệ vùng lõi của đô thị trung tâm Q.Ninh Kiều. Hệ thống có tổng cộng 9 cống nhỏ (4 cống trên đường Cách Mạng Tháng Tám, 2 cống nằm trên kè rạch Cái Sơn – Mương Khai, 3 cống nằm trên kè sông Cần Thơ) và 3 cống lớn (cống Đầu Sấu, cống Hàng Bàng và cống Cái Khế).
“Đến nay tất cả các cống trên đã hoàn thành và vận hành thử, trừ cống Cái Khế đã thử nghiệm trước cho 2 cửa, còn 1 cửa dự kiến lắp trong tháng 11 này. Khi hoàn thành, 9 cống nhỏ và 3 cống lớn sẽ tạo thành hệ thống khép kín chủ động thích ứng với nước lũ dâng cao. Nếu đóng đồng bộ 9 cống nhỏ và 3 cống lớn, dự án hoàn toàn chủ động kiểm soát được mực nước lên xuống”, ông Thượng khẳng định.
Hiện nay việc không còn ngập sâu trên nhiều tuyến đường chính đã giúp sinh hoạt của người dân ở một số khu vực trung tâm Cần Thơ thoát cảnh xáo trộn sau những ngày triều cường liên tiếp. Giao thông đi lại ở nhiều tuyến đường giờ cao điểm cũng trở nên dễ dàng; hoạt động kinh doanh, mua bán của người dân diễn ra ổn định..
Tuy nhiên nội đô Cần Thơ vẫn còn một số vị trí bị ảnh hưởng của triều cường. Xung yếu nhất là đường dẫn qua cầu Cồn Khương, nước sẽ tràn qua đường dẫn trên về đường Cách Mạng Tháng Tám và một phần đường Nguyễn Văn Cừ, Trần Việt Châu; sau đó tràn về Công viên Hùng Vương gây ngập cục bộ. Điểm xung yếu thứ hai là kè Ninh Kiều (khu vực bến Ninh Kiều), khi triều cường đạt đỉnh, nước sẽ dâng qua kè và tràn vào tuyến đường Hai Bà Trưng, một phần đường Ngô Quyền, Ngô Gia Tự gây ngập cục bộ.
Ông Thượng cho biết, Ban quản lý ODA đã đề xuất TP xúc tiến sớm việc nâng cấp kè Ninh Kiều đồng bộ với kè sông Cần Thơ và kè cầu đi bộ, hạn chế nước tràn từ sông Cần Thơ. Cùng với đó là nâng cấp đường Cách Mạng Tháng Tám, nhằm hạn chế tối đa nước tràn qua đường vào khu vực trung tâm.
Đan Phượng
Bình luận (0)