Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Kim – Kiều trao kỷ vật và thêm một nỗi đợi chờ của chàng Kim

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Đoạn thơ Kim Trọng – Thúy Kiều trao kỷ vật có hai điều đáng chú ý:
1. Việc Kiều nhận lễ vật (mà Kim Trọng đã: Vội về thêm lấy của nhà/ Xuyến vàng đôi chiếc khăn là một vuông) là trước hay sau câu hứa hẹn của Thúy Kiều (đá vàng thủy chung)?
2. Lễ vật của Kim Trọng là gì? Lễ vật của Thúy Kiều là gì?
Vấn đề thứ nhất chúng tôi nêu ra để một lần nữa chúng ta thấy cái tinh ý của cụ Nguyễn. Ví như Kim giở xuyến vàng đôi chiếc… tặng Thúy Kiều, Thúy Kiều mới nhận lời tỏ tình và hứa hẹn, người đời có thể nghi ngờ Kiều vì lễ lộc mà xiêu lòng! Nhưng không, cụ Nguyễn cho Thúy Kiều vì quá xúc động trước tấm lòng và lời nói của Kim Trọng, Kiều nhận lời, sau đấy mới là cuộc trao lễ vật.
Trong nguyên truyện, Thanh Tâm Tài Nhân (TTTN) cũng cho Thúy Kiều nhận lời Kim Trọng trước sau đấy mới trao kỷ vật. Nhưng đọc kỹ, TTTN không quan tâm đến điều tế nhị là lời hứa của Thúy Kiều có bị kỷ vật vàng, bạc này nọ ràng buộc hay vì tấm lòng của chàng Kim? Với Nguyễn Du, kỷ vật là trân trọng, quý giá nhưng không nặng nề, chi li. TTTN lại thống kê kỷ vật quá kỹ. Kim Trọng “liền trở về phòng, lấy thêm một đôi vòng bạc, năm lạng bạc trắng, một dải khăn là…” (Nhân hồi phòng trung, thủ ngân xuyến nhất song, bạc ngân ngũ lượng, hãn cân nhất điều)… Việc thống kê các tặng vật quá kỹ càng mất đi cái tình đáng trọng của đôi trai gái mới yêu nhau. Rồi khi trao kỷ vật, Thúy Kiều chỉ nhận lại cành kim thoa và từ chối các thứ của quý khác. Kim Trọng phải năn nỉ Thúy Kiều mới nhận…
Chuyện thứ hai: chung quanh chuyện trao lễ vật. Có ba vấn đề: sẵn tay bã quạt hoa quỳ, quạt quỳ là quạt như thế nào? Chiếc quạt này đang ở trong tay ai? Chuyện thứ hai là Kim có lấy xuyến vàng đôi chiếc nhưng sao lúc trao kỷ vật cho Thúy Kiều không thấy nhắc đến? Thứ ba là sau khi trao, ai là người giữ cành kim thoa?
Chuyện thứ nhất và thứ ba, SGK, cụ Đào Duy Anh và ông Nguyễn Quảng Tuân chưa thống nhất. Vì phạm vi bài viết và bị giới hạn số câu chữ, chúng tôi xin không bàn ở đây. Chỉ xin lưu ý một điều: mỗi người một kiến giải, mỗi người có lập luận khác nhau không nên quá đồng ý với ý kiến này mà hạ thấp ý kiến khác. Ví như sự chi li, kỹ lưỡng là cần thiết nhưng có cần đến mức xem xét cái quạt ấy có phải làm bằng lá bồ quỳ (lá cọ) hay không? Hay ta dừng ở mức độ cái quạt ấy đang ở trong tay Thúy Kiều, vật mà Thúy Kiều vẫn đem theo bên mình nay Thúy Kiều tặng Kim Trọng.
Còn chuyện chàng Kim có về nhà lấy xuyến vàng đôi chiếc sao khi trao kỷ vật cho Thúy Kiều không thấy cụ Nguyễn nhắc đến? Hay đây cũng là nét tế nhị của Nguyễn tiên sinh? Cái tình yêu đẹp đẽ, kỳ diệu như thế, khi trao kỷ vật không nên nhắc đến chuyện xuyến vàng, xuyến bạc. Nhưng để tỏ sự tha thiết, trân trọng mối tình cụ Nguyễn khéo léo giới thiệu trước đấy.
Sau khi Thúy Kiều nhận lời tỏ tình của Kim Trọng và hứa hẹn thủy chung, chàng Kim lại càng ngẩn ngơ chờ đợi. Nguyễn Du viết: Sông Tương một dải nông sờ/ Bên trông đầu nọ, bên chờ cuối kia. Chi tiết bên trông đầu nọ, bên chờ cuối kia các nhà nghiên cứu hầu như thống nhất ý này, Nguyễn Du dựa vào chuyện tình của Lý Sinh và Lương Ý: Chàng ở đầu sông Tương, thiếp cuối sông Tương, nhớ nhau mà không thấy, cùng uống nước sông Tương (Quân tại Tương giang đầu/ Thiếp tại Tương giang vĩ/ Tương tư bất tương kiến/ Đồng ẩm Tương giang thủy). Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu lấy ý thơ ấy viết: “Chàng đầu sông, em cuối sông. Uống chung dòng nước Vàm Cỏ Đông”.
Nhưng câu thơ Sông Tương một dải nông sờ, chưa thấy nhà nghiên cứu nào giải thích cặn kẽ. Sông Tương là con sông sâu bậc nhất, bậc nhì ở Trung Quốc sao cụ Nguyễn lại bảo nông sờ (nước cạn thấy đáy nước sờ sờ ra đó – ĐDA)?
Hai chữ nông sờ này, Nguyễn Du lấy từ ý bốn câu thơ: “Người ta bảo sông Tương sâu, sâu sao bằng lòng thương nhớ. Sông sâu còn có đáy, lòng thương nhớ thì vô bờ!” (Nhân đạo Tương giang thâm/ Vị để tương tư bạn/ Giang thâm chung hữu để/ Tương tư vô biên ngạn).
Bốn câu thơ này là đoạn một của bài thơ: Quân tại Tương giang đầu
Thế mới biết Nguyễn Du từ hai mươi chữ thơ người, thành hai chữ cho Truyện Kiều. Chắt lọc đến thế, cô đúc đến thế, nhiều chỗ như vậy ta chỉ thấy trong Truyện Kiều.
Lê Xuân Lít

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)