Năm 2022, học phí của nhiều trường ĐH công lập tự chủ tăng đáng kể, có ngành tăng hơn chục triệu đồng. Cá biệt, có ngành thuộc chương trình chất lượng cao, người học phải đóng 165 triệu đồng/năm học.
Sinh viên Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM) trong một giờ học
Năm 2022 cũng là năm học được Bộ GD-ĐT kiến nghị Chính phủ lùi khung học phí quy định tại Nghị định 81 thêm 1 năm đối với giáo dục ĐH công lập.
Tăng học phí để đầu tư nâng chất lượng
Là một trong 23 trường tự chủ hoàn toàn, Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM có điều chỉnh tăng học phí trong năm học tới. TS. Nguyễn Trung Nhân (Trưởng phòng Đào tạo nhà trường) cho biết, năm học 2022-2023, trường thu học phí từ 25 đến 27 triệu đồng cho hệ đại trà và 35 đến 36 triệu đồng cho hệ chất lượng cao. Mức học phí này có tăng nhưng tăng không đáng kể so với năm 2021, dao động từ 5% đến 10% tùy ngành. “Đặc biệt, ở các lĩnh vực ngành học có sức hút lớn, trường vẫn duy trì lộ trình tăng học phí vừa phải để chia sẻ với sinh viên. Bên cạnh đó, trong quá trình học, sau mỗi năm, học phí của trường cũng chỉ tăng trung bình khoảng 6% (tối đa là 10%) với hệ đại trà và không tăng trong suốt quá trình đào tạo với hệ chất lượng cao”, ông Nhân nói.
Cũng là trường ĐH công lập hoạt động theo cơ chế tự chủ hoàn toàn, Trường ĐH Luật TP.HCM năm học 2022-2023 thu mức học phí từ hơn 31 đến 39 triệu đồng cho hệ đại trà. Học phí chương trình chất lượng cao từ 62,5 đến 74 triệu đồng. Riêng hệ chất lượng cao ngành luật, giảng dạy bằng tiếng Anh, học phí lên đến 165 triệu đồng. Cụ thể, ở hệ đại trà, các ngành luật, Luật Thương mại quốc tế, quản trị kinh doanh sẽ có mức học phí là 31 triệu 250 ngàn đồng; ngành quản trị – luật có học phí ở mức khoảng 37 triệu đồng; ngành ngôn ngữ Anh (chuyên ngành Anh văn pháp lý) có mức học phí là 39 triệu đồng. Như vậy, so với năm học trước đó, hệ đại trà có học phí tăng cao nhất lên đến trên 13 triệu đồng và chương trình chất lượng cao tăng hơn 24,6 triệu đồng. Theo lý giải của nhà trường, do là trường ĐH công lập hoạt động theo cơ chế tự chủ hoàn toàn nên học phí của người học được trường xây dựng theo nguyên tắc từng bước tính đúng, tính đủ chi phí đào tạo. Dựa trên quy định của pháp luật hiện hành, cùng với mục tiêu nhanh chóng đẩy mạnh việc nâng cao chất lượng đào tạo, tiếp cận nền giáo dục ĐH của các nước phát triển trong khu vực, trường đã xây dựng đề án học phí của năm học 2021-2022 và những năm tiếp theo, được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Mức thu học phí đối với sinh viên chính quy trình độ ĐH như trên chính là nhằm đảm bảo đủ nguồn lực để đạt được mục tiêu đó.
HỌC PHÍ NGÀNH SỨC KHỎE TĂNG HƠN CHỤC TRIỆU ĐỒNG Năm học trước, học phí của Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch từ 28 đến 32 triệu đồng/năm. Trong đó, mức cao nhất cho các ngành y khoa, dược học, răng – hàm – mặt là 32 triệu đồng/năm; các ngành điều dưỡng, dinh dưỡng, kỹ thuật xét nghiệm y học, kỹ thuật hình ảnh y học, khúc xạ nhãn khoa, y tế công cộng là 28 triệu đồng/năm. Theo đề án tuyển sinh của nhà trường, năm học mới này, trường dự kiến thu học phí mức từ 41 đến hơn 44 triệu đồng. Cụ thể, mức cao nhất cho các ngành y khoa, dược học, răng – hàm – mặt là hơn 44 triệu đồng/năm, tăng hơn 12 triệu đồng so với năm trước. Mức cao nhất cho các ngành còn lại là 41 triệu đồng/năm, tăng 13 triệu đồng. Theo lý giải của nhà trường, đơn giá học phí này nhằm đáp ứng nhu cầu cao về chất lượng nhân lực y tế khi tốt nghiệp ĐH; trường tiếp tục đầu tư về cơ sở vật chất; tăng cường các chương trình hợp tác nâng cao chất lượng đào tạo, năng lực thực hành tại các cơ sở y tế, năng lực ngoại ngữ phục vụ sự phát triển nghề nghiệp của người học. Đơn giá học phí các năm sau có thể được điều chỉnh trượt giá theo quy định. |
Cũng là một trong số 23 trường tự chủ hoàn toàn, Trường ĐH Mở TP.HCM thu học phí hệ chính quy chương trình đại trà năm học 2022-2023 theo ngành học, từ 20 đến 25 triệu đồng/năm/cho 3 học kỳ. Học phí chương trình chất lượng cao từ 39 đến 40,5 triệu đồng/năm/3 học kỳ. Theo nhà trường, lộ trình tăng học phí sẽ không quá 10% hằng năm.
Tìm các chính sách hỗ trợ sinh viên
Từ năm học 2022-2023, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM) thực hiện cơ chế tự chủ, theo đó, mức học phí có sự thay đổi so với năm học trước. Theo phương án học phí mới, nhóm ngành khoa học xã hội và nhân văn có mức học phí từ 16-20 triệu đồng/năm học. Cụ thể, học phí 16 triệu đồng/năm học áp dụng cho 6 ngành: Triết học, tôn giáo học, lịch sử, địa lý, thông tin – thư viện, lưu trữ học. Tuy nhiên, trong năm học 2022-2023, sinh viên các ngành này sẽ được ĐH Quốc gia TP.HCM hỗ trợ 35% học phí. Tương tự, ĐH Quốc gia TP.HCM cũng hỗ trợ 35% học phí đối với 3 ngành là ngôn ngữ Italia, ngôn ngữ Tây Ban Nha và ngôn ngữ Nga, mức thu sẽ còn 15,6 triệu đồng trong năm học 2022-2023. Mức học phí 18 triệu đồng/năm học sẽ được trường áp dụng cho 14 ngành gồm: Giáo dục học, ngôn ngữ học, văn học, văn hóa học, xã hội học, nhân học, Đông phương học, Việt Nam học, quản trị văn phòng, công tác xã hội, quản lý giáo dục, tâm lý học giáo dục, quản lý thông tin, đô thị học. Bốn ngành quan hệ quốc tế, tâm lý học, báo chí, truyền thông đa phương tiện có mức học phí 20 triệu đồng/năm học. Nhóm ngành ngôn ngữ có mức học phí cao hơn, trong đó ngành ngôn ngữ Pháp và ngôn ngữ Đức cùng có mức học phí 21,6 triệu đồng/năm học. Còn các ngành ngôn ngữ Anh, ngôn ngữ Trung Quốc, Nhật Bản học, Hàn Quốc học, quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành có mức học phí là 24 triệu đồng/năm học. Riêng các ngành học thuộc hệ chất lượng cao sẽ có mức học phí vượt trội là 60 triệu đồng/năm học, gồm: Quan hệ quốc tế, báo chí, ngôn ngữ Anh, ngôn ngữ Trung Quốc, Nhật Bản học, ngôn ngữ Đức, quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành. ThS. Trần Nam (Trưởng phòng Truyền thông và Quan hệ doanh nghiệp nhà trường) chia sẻ, trong giai đoạn trường tự chủ, bên cạnh việc ĐH Quốc gia TP.HCM hỗ trợ 35% học phí cho sinh viên thuộc 9 ngành nói trên, còn có nhiều chính sách khác hỗ trợ sinh viên như: Chương trình hỗ trợ sinh viên vay vốn không lãi suất được thực hiện bởi Quỹ Phát triển ĐH Quốc gia TP.HCM; triển khai nhiều học bổng hỗ trợ khuyến học khuyến tài, học bổng của các tổ chức – doanh nghiệp, của cựu sinh viên lẫn các chương trình miễn giảm học phí, trợ cấp xã hội… Được biết, các học bổng, chương trình hỗ trợ tài chính có tổng kinh phí hơn 15 tỉ đồng với mục tiêu giúp tân sinh viên an tâm học tập, không bị gián đoạn việc đến trường.
Thục Trân
Bình luận (0)