Tại sao chúng ta cứ loay hoay câu chuyện thi cử, kiểm tra, dạy thêm – học thêm; tại sao chúng ta cứ khổ sở trong tuyển sinh ĐH nhiều năm nay và mãi vẫn không được như các nước phát triển? Đơn giản là vì chúng ta chưa thật sự trung thực ngay trong giáo dục.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam phát biểu tại hội nghị
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã nhận định điều này tại Hội nghị tổng kết năm học 2021-2022, triển khai nhiệm vụ năm học 2022-2023 do Bộ GD-ĐT vừa tổ chức.
Cần nhìn thẳng vào những bất cập
Đánh giá năm học 2021-2022 tiếp tục là “năm học vượt khó”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam ghi nhận nhiều kết quả tích cực ngành giáo dục đã làm được, đồng thời bày tỏ trân trọng nỗ lực của toàn thể giáo viên, sinh viên, học sinh. Phó Thủ tướng cũng chia sẻ những khó khăn mà ngành giáo dục đang gặp phải.
Theo Phó Thủ tướng, ngành giáo dục ở thế khó khăn khi không quyết định được điều kiện đảm bảo giáo dục, đó là trường lớp và biên chế. Mặc dù ngành giáo dục bao giờ cũng đề ra yêu cầu phải có đủ giáo viên, đủ trường lớp cho học sinh nhưng giải quyết yêu cầu này thì Bộ trưởng Bộ GD-ĐT không quyết được. Phó Thủ tướng nhìn nhận, chúng ta cũng thông cảm với khó khăn của ngành ở việc yêu cầu của xã hội đối với giáo dục rất cao. Trong khi đó, giáo dục hay bất kỳ ngành nào cũng đều gắn với điều kiện hay đúng hơn là trình độ phát triển kinh tế của đất nước. Về kinh tế, nước ta đang ở mức thu nhập trung bình thấp nhưng mong muốn, nguyện vọng là giáo dục phải như các nước phát triển.
Một điểm nữa, giáo dục luôn được xã hội quan tâm, đây là điều may mắn nhưng đi kèm đó là áp lực mà toàn ngành phải chịu. Tức là ai cũng quan tâm đến giáo dục, ai cũng có thực tiễn giáo dục của bản thân, ai cũng tưởng chừng mình là chuyên gia giáo dục, ý kiến của mình nếu không được tiếp thu hoàn toàn thì rất bức xúc.
Ngoài những điều mà ngành giáo dục muốn được xã hội cảm thông, Phó Thủ tướng cũng cho rằng ngành này cũng cần nhìn thẳng hơn vào những bất cập, yếu kém do chủ quan, để từ đó cải thiện tốt hơn. Ví dụ, tuy không được tự chủ về biên chế, trường lớp nhưng ngành giáo dục có thể tự chủ về chuyên môn như chương trình, sách giáo khoa… Phó Thủ tướng nêu ra một ví dụ mà ông cho rằng “có đau cũng phải nói”: “Tại sao chúng ta cứ loay hoay câu chuyện thi cử, kiểm tra, dạy thêm – học thêm và hệ lụy nữa là sách tham khảo? Bởi vì rất đơn giản, chúng ta chưa thật sự trung thực ngay trong giáo dục. Tại sao chúng ta cứ khổ sở trong tuyển sinh ĐH nhiều năm nay và dù bây giờ đã nhẹ đi rất nhiều nhưng mãi vẫn không được như các nước phát triển? Ở các nước phát triển, phần lớn các trường ĐH tự do đầu vào vì bên trong đó họ rất khách quan, trung thực; nếu người học không đáp ứng được việc học tập sẽ lưu ban hoặc bị đào thải. Còn chúng ta chưa làm được như vậy, bản chất vấn đề là chúng ta chưa trung thực” – Phó Thủ tướng nói.
Đẩy mạnh việc dạy, học thực chất
Theo Phó Thủ tướng, thời gian tới, bên cạnh tiếp tục bám sát Nghị quyết 29, đổi mới căn bản, toàn diện, tất cả các khâu thì ngành giáo dục cần làm mạnh hơn việc thực hiện thực chất dạy và học để phát triển toàn diện đức – trí – thể – mỹ. Đồng thời, cần thực hiện quyết liệt đổi mới quản lý Nhà nước. Làm sao cho Bộ GD-ĐT lo đúng vấn đề chuyên môn của mình; huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, của toàn xã hội để những điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục được nâng lên nhanh hơn, bền vững hơn. Tinh thần của đổi mới là phải đảm bảo dân chủ trường học; huy động được chính quyền, cộng đồng tham gia cùng xây dựng một môi trường thực sự văn hóa, dân chủ trong trường học.
Dẫn lại việc cách đây nhiều năm khi đi khảo sát, có hiện tượng mất dân chủ ở các cơ sở giáo dục, Phó Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, lãnh đạo địa phương đặc biệt quan tâm đến vấn đề này. Ví dụ, nếu trường phổ thông khi tuyển giáo viên mà tiếng nói của tập thể trường đó có tính quyết định hơn tiếng nói của chủ tịch quận, huyện thì lúc đó mới là dân chủ. Theo Phó Thủ tướng, thiếu dân chủ cũng là nguyên nhân dẫn đến thừa, thiếu cục bộ giáo viên bấy lâu nay.
Một nội dung khác mà Phó Thủ tướng đề cập là ngành giáo dục phải rà soát lại và chủ động đề xuất các cơ chế về học phí, về “thực hiện tự chủ” để có thể lo được lương cho giáo viên nhằm giảm số biên chế hưởng lương từ ngân sách Nhà nước, lấy các biên chế đó cho những vùng nông thôn. Phải làm sao đủ giáo viên, đủ trường lớp để học sinh học ngày 2 buổi thuận lợi; đảm bảo sĩ số không còn là 60 học sinh/lớp mà phải đúng theo hướng dẫn của Bộ GD-ĐT. Tiếp tục rà soát thực chất các quy định về dạy thêm, học thêm, kiểm tra, sử dụng sách tham khảo để đảm bảo không còn cách này cách khác dẫn đến việc học sinh “phải tự nguyện xin được học thêm”… Điều này đã được chấn chỉnh tốt nhưng cá biệt vẫn còn, cần kiên quyết rà soát.
Tập trung nhiều nhiệm vụ cho năm học mới
Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn đã nêu những phương hướng thực hiện cho năm học mới. Cụ thể, năm học 2022-2023, ngành giáo dục sẽ tiếp tục tập trung thực hiện nhiệm vụ được giao; tiếp tục đẩy nhanh việc đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT. Mục tiêu hướng đến nâng cao chất lượng GD-ĐT, trong đó trọng tâm là tổ chức triển khai hiệu quả chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới; phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của đất nước.
Để thực hiện thành công mục tiêu này, bộ xác định việc hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách là khâu đột phá, là việc ưu tiên trước hết. Trong đó, triển khai rà soát các quy định theo hướng đẩy mạnh phân cấp, tháo gỡ khó khăn vướng mắc chồng chéo, ban hành thêm cơ chế chính sách nhằm mở đường, tạo điều kiện cho tự chủ và đổi mới sáng tạo. Coi củng cố và phát triển đội ngũ giáo viên là yếu tố quyết định. Lấy việc hiện đại hóa hạ tầng giáo dục, chuyển đổi số, tăng cường tự chủ trong giáo dục, tăng cường dân chủ trong môi trường học đường và thu hút các nguồn lực cho giáo dục là những giải pháp cần đẩy mạnh.
Được biết, năm học 2021-2022 là năm học thứ hai ngành giáo dục triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Tuy nhiên, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nặng nề đến các hoạt động của ngành. Lần đầu tiên khai giảng năm học phải tổ chức theo hình thức trực tuyến. Kế hoạch năm học bị gián đoạn, chương trình và nội dung giáo dục phải thay đổi theo hướng chỉ còn phần cốt lõi. Gần 20 triệu học sinh, sinh viên phải tạm dừng đến trường, chuyển sang học trực tuyến trong nhiều tháng liên tiếp. Trên 70.000 sinh viên không thể ra trường đúng hạn. Nhiều nhiệm vụ quan trọng của ngành giáo dục không thể tiến hành theo đúng kế hoạch.
Trước tình hình đó, ngành giáo dục đã linh hoạt ứng phó, chuyển trạng thái hoạt động, triển khai nhiều nhiệm vụ, giải pháp; kiên trì hoàn thành mục tiêu kép: Vừa phòng chống dịch Covid-19 vừa ra sức khắc phục khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ năm học, đáp ứng yêu cầu đổi mới và bảo đảm chất lượng GD-ĐT.
Mê Tâm
Bình luận (0)