Hôm nay 16.8, học sinh trên cả nước chính thức tựu trường. Năm học này bắt đầu cho một giai đoạn với nhiều kế hoạch, chỉ tiêu và đổi mới.
Các đề án nghìn tỉ
Ít thấy năm học nào lại có nhiều đề án lớn được triển khai như năm nay, trong đó có đề án với kinh phí đầu tư hàng nghìn, thậm chí hàng chục nghìn tỉ đồng.
Học sinh chọn mua sách giáo khoa đầu năm học mới – Ảnh: Đ.N.T
14.600 tỉ đồng cho trẻ 5 tuổi đến trường
Nhằm chuẩn bị tốt cho trẻ vào lớp 1, đề án phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi đã được Chính phủ phê duyệt, dự kiến năm 2012 có 85% tỉnh đạt phổ cập cho trẻ mầm non 5 tuổi và năm 2015 là 100%. Đến năm học 2014 – 2015, nâng lên 95% trẻ 5 tuổi được học 2 buổi/ngày, 100% trẻ trong các cơ sở mầm non được học chương trình giáo dục mầm non mới, 100% giáo viên dạy trẻ mầm non 5 tuổi đạt chuẩn về trình độ đào tạo… Kinh phí thực hiện dự kiến là 14.600 tỉ đồng, bao gồm kinh phí chi cho việc xây dựng trường học, phòng học chức năng; mua sắm thiết bị, đồ chơi; đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và hỗ trợ trẻ em nghèo; xây dựng trường mầm non đạt chuẩn quốc gia. Riêng năm học 2010 – 2011, tổng đầu tư cho việc thực hiện này là 3.312 tỉ đồng.
Trẻ 5 tuổi là con em gia đình chính sách, vùng khó khăn, cha mẹ thuộc diện hộ nghèo theo quy định của Nhà nước được hỗ trợ 120 nghìn đồng/tháng (9 tháng/năm học); trẻ em có hoàn cảnh khó khăn học tại các trường mầm non tư thục được Nhà nước hỗ trợ một phần học phí.
Gần 10.000 tỉ đồng “xóa mù” ngoại ngữ
Năm học 2010 – 2011 là năm đầu tiên khởi động thực hiện đề án dạy ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân đến năm 2020. Đề án này gây sự chú ý đặc biệt của dư luận cả về mục tiêu cũng như mức kinh phí đầu tư. Tổng kinh phí dự toán thực hiện đề án là 9.738 tỉ đồng.
Theo đề án, năm học này sẽ thí điểm dạy và học ngoại ngữ theo chương trình mới cho khoảng 20% học sinh lớp 3. Đến năm học 2015 – 2016 đạt tỷ lệ 70%, vào năm học 2018 – 2019 là 100%. Ông Lê Tiến Thành – Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học (Bộ GD-ĐT) cho biết những trường tiểu học được chọn thí điểm sẽ dạy với thời lượng 4 tiết/tuần theo chương trình tiếng Anh tiểu học mới. Kết quả thí điểm của những trường này sẽ là cơ sở để rút kinh nghiệm cho việc triển khai đại trà.
Hơn 2.300 tỉ đồng phát triển trường chuyên
Đề án phát triển trường THPT chuyên giai đoạn 2010 – 2015 cũng được Bộ GD-ĐT yêu cầu nhanh chóng triển khai từ năm học này. Đề án nhằm xây dựng và phát triển các trường THPT chuyên thành một hệ thống cơ sở giáo dục trung học có chất lượng giáo dục cao, đạt chuẩn quốc gia; có trang thiết bị dạy học đồng bộ, tạo sự chuyển biến cơ bản trong công tác phát hiện và bồi dưỡng học sinh năng khiếu tạo nguồn bồi dưỡng nhân tài cho đất nước. Tổng kinh phí thực hiện đề án khoảng hơn 2.300 tỉ đồng, chia thành 2 giai đoạn: bắt đầu từ năm 2010 đến 2015 và giai đoạn hai từ 2015 đến 2020.
Đề án sẽ dành 1.600 tỉ đồng để tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị dạy học; hơn 600 tỉ đồng phát triển cán bộ quản lý, đội ngũ giáo viên; 72 tỉ đồng sẽ dành nâng cấp hệ thống giáo trình, tài liệu và đánh giá kiểm định chất lượng, hiệu quả giáo dục. Mục tiêu đặt ra là các trường phải đảm bảo ưu tiên mở rộng mặt bằng tối thiểu đạt 15m2/học sinh; đảm bảo đủ phòng học 2 buổi/ngày; xây dựng hội trường, thư viện, nhà tập đa năng. Hệ thống giáo trình, tài liệu phải được nâng cấp, phương pháp dạy và học phải được đổi mới theo hướng hiện đại, có thể tiếp cận với trình độ tiên tiến trong khu vực và trên thế giới.
Thay đổi mức học phí
Năm học 2010 – 2011 cũng là năm bắt đầu thực hiện nghị định của Chính phủ về cơ chế thu, sử dụng học phí mới.
Ông Huỳnh Công Minh – Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM khẳng định: “Hiện nay có khá nhiều ý kiến khác nhau về học phí nên Sở GD-ĐT đang thu thập thông tin. Chỉ khi nào có sự đồng thuận cao của toàn xã hội thì việc thay đổi mức học phí mới được thực hiện. Vì vậy, năm học 2010- 2011, TP.HCM vẫn giữ nguyên mức học phí cùng các khoản thu khác như năm học trước. Sở sẽ có văn bản hướng dẫn thu chi cụ thể xuống các quận, huyện và kết hợp chặt chẽ với lực lượng thanh tra để kiểm tra việc lạm thu ở các trường…”.
Tại Đà Nẵng, lãnh đạo Sở GD-ĐT cho biết đề án về mức thu học phí mới đối với học sinh các cấp học, ngành học trên địa bàn TP Đà Nẵng đã được HĐND TP thông qua, đang tiếp tục chờ ý kiến từ phía UBND TP xem xét, ban hành. Cùng với việc thay đổi mức học phí, năm học này, Sở GD-ĐT còn đề nghị UBND TP xem xét ban hành mức trần vận động quỹ Ban đại diện cha mẹ học sinh. Từ quyết định của UBND TP, Sở sẽ có thông báo hướng dẫn các trường học thực hiện việc thu học phí mới và hướng dẫn Ban đại diện cha mẹ học sinh các trường thực hiện việc vận động quỹ vào đầu năm học.
Trong khi đó tại Cà Mau, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tiến Hải cho biết năm nay mức học phí mới có tăng nhưng không nhiều, do tỉnh áp dụng khung thấp nhất theo quy định của Chính phủ. Việc miễn, giảm học phí được nhân rộng ra nhiều đối tượng, vì thế phụ huynh và học sinh không phải lo lắng nhiều.
Còn ông Trần Trọng Khiếm – quyền Giám đốc Sở GD-ĐT Cần Thơ cho biết áp dụng mức thu học phí hằng tháng đối với học sinh nhà trẻ, mẫu giáo từ 30.000 – 130.000 đồng/trẻ, học sinh THCS từ 20.000 – 40.000 đồng, học sinh THPT từ 30.000 – 50.000 đồng, học sinh GDTX từ 40.000 – 60.000 đồng…
Tỉnh Hậu Giang dự kiến áp dụng mức thu học phí tại khu vực thành thị (các phường thuộc thị xã) từ 40.000 – 60.000 đồng/học sinh/tháng; khu vực nông thôn (xã, thị trấn) từ 20.000 – 45.000 đồng/học sinh/tháng. Học sinh hệ trung cấp nghề thì thu 80.000đ/tháng.
Tỉnh Đồng Tháp cũng áp dụng mức học phí mới. Đặc biệt, năm nay tỉnh quyết định miễn 100% học phí đối với những học sinh là bí thư Đoàn trường, chủ tịch Hội LHTN trường, liên đội trưởng.
Không tăng giá SGK
Đại diện Nhà xuất bản Giáo dục cho biết đã chuẩn bị khoảng 90 triệu bản sách giáo khoa (SGK) từ lớp 1 – lớp 12 cho năm học 2010-2011; và đến thời điểm này đã phát hành hơn 80 triệu bản đến các tỉnh, thành trong cả nước. Với số lượng sách mới phát hành năm nay và hơn 45% sách cũ của các năm trước được sử dụng lại có thể đảm bảo đủ nhu cầu SGK cho năm học mới. SGK, sách tái bản và một số loại sách tham khảo vẫn giữ theo giá năm 2009, giảm 10% cho học sinh khi mua sách trong tháng phát hành sách phục vụ khai giảng năm học mới (đến 20.8).
Công ty sách – thiết bị và xây dựng trường học Hà Nội cho hay đã phát hành 10 triệu bản SGK và sách bổ trợ, 1 triệu bản sách tham khảo, bộ thiết bị đồ dùng học tập.
Năm học này không có chương trình thay sách, nên việc sử dụng sách tái bản giúp Công ty sách – thiết bị trường học TP Đà Nẵng đảm bảo đủ số lượng sách phục vụ học sinh các cấp. Sở GD-ĐT Đà Nẵng còn tích cực vận động học sinh các cấp tự nguyện đóng góp SGK cũ để tặng cho những học sinh có hoàn cảnh khó khăn của TP và cả học sinh miền núi của tỉnh Nghệ An.
Còn ông Lê Kế Đức, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần sách và thiết bị trường học TP.HCM, cho biết đã có 10 triệu bản SGK và sách bổ trợ được đưa ra thị trường TP.HCM nhằm phục vụ nhu cầu trong năm học mới. Ngày 4.8, Sở Công thương TP.HCM cũng đã niêm yết danh sách 305 điểm bán bình ổn thị trường các mặt hàng phục vụ năm học mới tại 24 quận, huyện. Theo đó, các doanh nghiệp sẽ cung cấp 10 triệu quyển tập, 400.000 cặp, túi xách, ba lô và 300.000 bộ đồng phục học sinh với giá giảm 15% so với giá thị trường từ nay đến hết ngày 31.10.
Để trẻ vào lớp 1 nhẹ nhàng
Đa số phụ huynh có con mới vào lớp 1 chỉ lo nghĩ trẻ phải làm gì mà quên điều quan trọng nhất là trẻ mong muốn gì để hòa nhập với môi trường mới.
Kết quả nghiên cứu tâm lý trẻ em cho thấy, trẻ tham gia lớp mẫu giáo đã làm quen với chữ cái và số đều có khả năng học thành công chương trình lớp 1. Chuyên gia tâm lý, PGS-TS Nguyễn Công Khanh (ĐH Quốc gia Hà Nội) khẳng định hầu hết trẻ em bình thường về trí tuệ đến tuổi vào lớp 1 đều hứng thú đi học. Tuy nhiên, nuôi dưỡng hứng thú này thế nào để trẻ ham học, tự giác học là cả một vấn đề. Trẻ từ mẫu giáo vào lớp 1 là một quá trình chuyển từ hoạt động chơi sang học là chủ đạo nên việc tuân thủ các yêu cầu của việc học lớp 1 là khó khăn với bé.
Ông Phạm Xuân Tiến, Trưởng phòng Giáo dục tiểu học (Sở GD-ĐT Hà Nội) tư vấn: ”Để chuẩn bị cho trẻ vào học lớp 1, phụ huynh cần quan tâm đến tâm sinh lý của các cháu vì lớp mầm non khác hẳn với các lớp tiểu học. Khi vào tiểu học, các cháu có những hành vi, cử chỉ, lời nói… chuẩn mực hơn”. Chính vì vậy, theo ông Tiến, phụ huynh phải chú ý đến những thói quen cho trẻ như đi học, ăn, nghỉ đúng giờ; tự sắp xếp sách vở…
Cầm bút đúng quan trọng hơn viết chữ đẹp
Tập cho trẻ làm quen môi trường mới
Chúng tôi đã làm một cuộc kiểm tra nho nhỏ khi hỏi trẻ mẫu giáo 5 tuổi rằng: “Các con thích vào lớp 1 hay học tiếp ở trường mầm non?”, thì 100% trẻ đều thích vào lớp 1. Những trở ngại, lo lắng, sợ sệt khiến trẻ không muốn tiếp tục đến trường đều là do trẻ “vấp” phải sau khi đối diện với những tình huống chưa được chuẩn bị tâm thế từ trước. Phụ huynh hãy yêu cầu con mình tự làm những việc như vệ sinh cá nhân, tự mặc quần áo… Khoán thời gian phù hợp để yêu cầu trẻ phải hoàn thành một công việc cụ thể. Có như vậy trẻ mới quen với môi trường học tập ở bậc tiểu học.
TS Phan Hạnh Mai
|
Đề tài nghiên cứu “Lo âu học đường ở học sinh lớp 1” do nhóm nghiên cứu của TS Nguyễn Thị Minh Hằng – Chủ nhiệm bộ môn Tâm lý học lâm sàng, khoa Tâm lý học trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn Hà Nội, thực hiện có kết quả như sau: 26,65% học sinh tham gia nghiên cứu cho biết rất lo lắng trong các tình huống như kiểm tra bài cũ, bài tập về nhà, làm bài thi, bài kiểm tra, phát biểu trước lớp, giải bài tập trên bảng… Đặc biệt, 2/3 trẻ được hỏi có biểu hiện lo âu liên quan đến mối quan hệ với giáo viên; 1/3 trẻ xem thành tích học tập là áp lực lớn.
Đồng tình với kết quả nghiên cứu này, trao đổi với PV Thanh Niên, TS Phan Hạnh Mai – Phó trưởng khoa Giáo dục tiểu học trường ĐH Sư phạm Hà Nội, cho rằng: “Tôi luôn nhắc nhở sinh viên của mình khi trở thành cô giáo cấp tiểu học rằng phải cười thật nhiều với học sinh, phải có những cử chỉ thân thiện với trẻ, giờ ra chơi hãy chơi cùng trẻ để chúng không cảm thấy khoảng cách giữa cô và trò quá xa”.
Để giải tỏa tâm lý lo lắng cho trẻ mới vào lớp 1, PGS-TS Nguyễn Công Khanh khuyên phụ huynh: “Tập viết, viết đúng mẫu, chữ đẹp là nhiệm vụ khó với trẻ vào lớp 1, nên đừng kỳ vọng cần luyện chữ đẹp ngay ở học kỳ đầu để rồi cố “gò trẻ”, làm trẻ sợ học. Một số trẻ có thể gặp khó khăn khi viết chữ trong những tháng đầu đi học, chỉ cần giáo viên không chê bai, không cho điểm kém, kiên trì động viên, hỗ trợ thì dần dần trẻ sẽ vượt qua”. Ông Khanh cũng lưu ý: phụ huynh và giáo viên không nên đặt nặng nhiệm vụ giữ vở sạch, rèn chữ đẹp ngay học kỳ đầu. Cũng không nên bắt trẻ về nhà phải làm nhiều bài tập tô chữ, viết chữ. Điều quan trọng là người lớn hãy giúp trẻ biết cách cầm bút đúng, ngồi đúng tư thế, giữ khoảng cách phù hợp giữa vở và mắt. Trẻ cần được tham gia nhiều hoạt động đòi hỏi sự vận động, các trò chơi khám phá đòi hỏi khả năng suy nghĩ, sáng tạo…
Chuyện cũ mà vẫn mới: Thiếu giáo viên
Năm nào, Sở GD-ĐT TP.HCM cũng phải nhiều lần thông báo tuyển dụng giáo viên, mở rộng điều kiện… nhưng vẫn không tuyển đủ.
Nghịch lý thừa – thiếu
Tốt nghiệp ĐH Sư phạm TP.HCM từ năm 2003, L.T.Lệ Chi (Lâm Đồng) cứ nấn ná ở lại TP.HCM dạy hợp đồng hết trường dân lập này đến trường dân lập khác. Đến năm 2009, nhờ được người thân bảo lãnh để làm KT3 thì Lệ Chi mới chính thức vào dạy tại một trường công lập.
Đang dạy hợp đồng cho một trường tiểu học tại Q.Tân Phú và được ban giám hiệu nhà trường quan tâm, động viên rất nhiều nhưng kết thúc năm học 2009-2010, Nguyễn Hoàng Anh (quê ở Đắk Lắk) đành chia tay với trường để ra dạy tại một trường dân lập quốc tế ở Q.3. Hoàng Anh tâm sự: “Cứ dạy hợp đồng mãi, mình cũng lo thu nhập không ổn định ảnh hưởng đến cuộc sống gia đình…”. Còn T.T.N, tốt nghiệp khoa Toán – Lý trường ĐH Sư phạm TP.HCM năm 2008, có hộ khẩu TP, xin về dạy ở huyện Củ Chi cũng chẳng được vì ở đó không cần giáo viên cho môn học này nữa. Phải một năm sau, T.N mới được nhận vào làm giám thị kiêm công tác Đoàn – Đội của một trường THCS tại Q.5 với hy vọng: “Ráng chờ khi nào có giáo viên về hưu thì có thể được đứng lớp”…
Trong khi đó mỗi năm, từ tháng 3, Sở GD-ĐT TP.HCM đã có thông báo tuyển dụng giáo viên với chỉ tiêu khoảng 3.000 cho tất cả các bậc học. Vậy mà năm nào cũng phải thông báo tuyển dụng lần 2, lần 3 rồi gia hạn thời hạn nộp hồ sơ, nới rộng quy định về thuyên chuyển giáo viên ngoại tỉnh… nhưng nơi thiếu vẫn hoàn thiếu. Ông Tạ Tân – Trưởng phòng GD-ĐT Q.Tân Phú cho biết: “Hiện nay căng thẳng nhất vẫn là giáo viên tiểu học. Mỗi năm, Sở chỉ có thể đáp ứng khoảng 2/3 nhu cầu mà thôi”. Năm nay, Q.Tân Phú cần 62 giáo viên tiểu học nhưng mới có được hơn 20 hồ sơ tuyển dụng. Tương tự, Q.Thủ Đức xin 80 chỉ tiêu nhưng chỉ có được 29, Q.9 cần 44 người thì chỉ có 23, Bình Chánh cần hơn 100 giáo viên thì chỉ nhận được khoảng 30 người…
Chỉ vì hộ khẩu!
Vấn đề khúc mắc ở đây chính là thủ tục hành chính của quy định tuyển dụng. Bà Lê Thị Minh Loan – Trưởng phòng GD-ĐT Q.9 giải thích: “Văn bằng, chứng chỉ của các ứng viên đều đạt yêu cầu nhưng các em này lại thiếu hộ khẩu thường trú tại TP.HCM”. Ông Tạ Tân còn dự báo: “Mỗi năm số lượng học sinh đều tăng cao, số trường lớp thì phát triển, nếu cứ đà này, học sinh học cuốn chiếu dần lên thì vài năm nữa sẽ xảy ra tình trạng thiếu giáo viên THCS trầm trọng”.
Tình hình càng nghiêm trọng hơn khi trường CĐ Sư phạm TP.HCM trước đây sáp nhập cùng một số trường khác thành trường ĐH Sài Gòn có quy mô đào tạo đa ngành. Và trường này đã không còn thuộc sự quản lý của Sở
GD-ĐT nên Sở cũng không thể giao chỉ tiêu đào tạo được. Ngoài ra, có một thực tế: học sinh của TP.HCM không hứng thú với ngành sư phạm, đặc biệt là học sinh giỏi. Do đó nếu việc tuyển dụng cứ bị ràng buộc với hộ khẩu mãi thì tình trạng thiếu giáo viên vẫn không thể chấm dứt.
Học sinh Hà Nội học về nếp sống thanh lịch
Ông Nguyễn Hiệp Thống, Chánh văn phòng Sở GD-ĐT Hà Nội, cho hay ngay trong tiết học đầu tiên của năm học mới, học sinh Hà Nội sẽ được học về nếp sống văn minh, thanh lịch của người Tràng An. Năm học này, TP có 2.455 trường và cơ sở giáo dục (tăng hơn 60 trường so với năm học trước), gần 1,4 triệu học sinh, 98 nghìn cán bộ quản lý, GV, nhân viên. 70,3% trong tổng số hơn 442 nghìn học sinh tiểu học được học 2 buổi/ngày.
Tuệ Nguyễn
Nghiêm cấm tổ chức thu tiền phụ huynh
Đà Nẵng kiên quyết nghiêm cấm việc tổ chức thu tiền phụ huynh học sinh để gắn máy điều hòa nhiệt độ, trang bị máy tính, các thiết bị riêng tại lớp học; yêu cầu các trường thực hiện nghiêm túc việc thu, quản lý, sử dụng các nguồn thu tại các trường học theo đúng quy định. Theo đó, ngoài đồng phục đi học, trang phục thể dục thể thao, các trường không được bắt buộc học sinh mặc các loại lễ phục khác.
D.Hiền
Triển khai dạy chương trình của ĐH Cambridge
Ngoài chương trình của Bộ GD-ĐT, 6 trường học đầu tiên của TP.HCM bao gồm Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, Lê Ngọc Hân, Trần Hưng Đạo, THCS Nguyễn Du, Lê Quý Đôn, THPT Trí Đức sẽ giảng dạy song song chương trình của ĐH Cambridge tùy theo bậc học. Với chương trình này, học sinh sẽ được học môn Toán, Khoa học và môn bổ trợ: Công nghệ thông tin hoàn toàn bằng tiếng Anh. Kết thúc mỗi bậc học, học sinh sẽ nhận được chứng chỉ tốt nghiệp của ĐH Cambridge cấp.
B.Thanh – P.Loan
Không còn phòng học tre lá
Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải cho biết bước vào năm học mới, cầu thông đường thoáng, kinh phí vận động xã hội hóa phục vụ việc đưa rước học sinh sẽ chuyển sang mua xe đạp hỗ trợ học sinh nghèo. Một tin vui nữa là nhờ chương trình kiên cố hóa trường lớp được triển khai nhanh nên hiện nay ở những xã khó khăn thuộc vùng U Minh, phòng học tre lá gần như không còn.
Q.M.Nhật
|
Theo Thanh Nien
Bình luận (0)