Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Thúy Kiều sang nhà trọ của Kim Trọng lần thứ nhất

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

(Tiếp theo)
Cả nhà đi vắng, Thúy Kiều nghĩ đến gặp chàng Kim. Trước khi gót chân thoăn thoắt, Thúy Kiều đã chuẩn bị và bày ra bàn những thức ăn quý (chắc ý định mời Kim Trọng sang uống rượu và tâm sự). Nhưng Thúy Kiều ra gặp Kim Trọng và không thấy Nguyễn Du nhắc đến chuyện thì trân thức thức sẵn bày. Nhà thơ Tản Đà và cụ Bùi Kỷ đều tỏ ý nghi ngờ chuyện này. Tản Đà cho rằng: một là vì cô Kiều quá mê, hai là tự tác giả sơ ý.
Mấy chục năm sau, ông Nguyễn Quảng Tuân lại giải thích khác: “Sự thực thì Thúy Kiều có sắp các thức ăn đương mùa (thì trân – L.X.L chú) để mang sang nhà Kim Trọng nhưng Nguyễn Du vì phải hiệp vần đã dùng chữ “sẵn bày” nên người đọc hiểu ngay rằng Thúy Kiều bày các thức ăn ra bàn để mời Kim Trọng sang nhà chơi. Thế nhưng Thúy Kiều sau đó đã xếp thức ăn ấy vào một cái xách tay để mang sang nhà Kim Trọng. Câu 388 đã nói rõ cho chúng ta biết điều đó (…). Hai chữ gọi chút có nghĩa là gọi có một chút thức ăn đương mùa…”.
Câu 388 là: Lấy lòng gọi chút ra đây tạ lòng. Ông Nguyễn Quảng Tuân dựa vào hai chữ gọi chút mà suy một điều không thấy cụ Nguyễn Du viết: Thúy Kiều sau đó đã xếp các thức ăn ấy vào một cái xách tay… Như vậy, liệu có suy diễn không? Và, nếu để tạ lỗi, cái lỗi hờ hững với người bạn tình mà đem ít thức ăn để xin lỗi và tạ lòng, nếu đúng như vậy, chi tiết này có hạ thấp mối tình cao đẹp của hai người? Cái chàng cần đây là tấm lòng. Kim Trọng trách lòng hờ hững với lòng, Thúy Kiều đối lại bằng tấm lòng thương yêu của cô gái. Thúy Kiều đã tự động đến với Kim. Và Kiều đem cả tấm lòng thương yêu ra tạ lỗi cùng chàng. Vì vậy, Kiều nói: Lấy lòng gọi chút ra đây tạ lòng. Chúng tôi cho rằng cụ Nguyễn chẳng sơ ý mà là cố ý. Cụ cho Thúy Kiều say đắm với tình yêu quá mức nên quên việc đã bày sẵn thức ăn ở nhà. Mà vừa mới gặp, chàng Kim đã trách, tất nhiên Thúy Kiều phải thanh minh và tiếp theo là gặp gỡ, tiếp xúc. Mỗi chi tiết như những thỏi nam châm cuốn hút Thúy Kiều trong say đắm gặp người yêu.
Chúng tôi cũng bạo gan góp ý kiến, chẳng dám bác bỏ ý kiến này nọ.
Tại phòng riêng của Kim Trọng, điều gì đã xảy ra? Một chi tiết đúng với quy luật giao tiếp, Thúy Kiều vừa mới đến thư hiên của chàng Kim đã thấy bức tranh của Kim Trọng vẽ và Kiều khen nét bút càng nhìn càng tươi. Nếu không có tài năng thưởng ngoạn hội họa, chắc Kiều không dám có lời khen ấy. Cũng chỉ cần Kim Trọng ngỏ lời muốn Thúy Kiều có một vài lời cho tranh thêm đẹp thì ngay lập tức: tay tiên gió táp mưa sa, một bài thơ bốn câu, chẳng thua gì tài hoa của nàng Ban, ả Tạ (hai người nổi tiếng học giỏi thời Đông Hán).
Nhưng có lẽ điều đáng chú ý nhất ở cuộc gặp gỡ này là sự mừng rỡ, kính trọng nhau. Kim Trọng đọc thơ Thúy Kiều liền nghĩ đến phúc đức được gặp một người yêu đáng trọng. Thúy Kiều lại lo cho thân phận mình: Trông người lại nghĩ đến ta/ Một dày một mỏng biết là có nên (có thành vợ chồng)? Trong niềm vui đã chen lẫn mùi chua chát. Trong dịp gần nhau đã sợ có lúc phải xa nhau! Tất cả vẫn là bút pháp của Nguyễn Du: vừa tả thực vừa ngầm ý chuẩn bị cho sự diễn biến câu chuyện về sau.
Lê Xuân Lít

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)