“Nghệ thuật đã chọn lựa tôi. Cũng chính nghệ thuật đã cho tôi vinh dự với nhiều lần được gặp Bác Hồ, biểu diễn phục vụ Bác. Thời gian và tuổi tác dễ khiến người ta nguôi quên nhiều thứ nhưng với vợ chồng tôi, hình ảnh và lời căn dặn của Bác vẫn theo chúng tôi trong suốt cuộc đời. Đó là niềm hạnh phúc đặc biệt”. Bà Từ Thị Công Lễ, nguyên diễn viên Đoàn Văn công Quân khu 5 bộc bạch.
Bà Từ Thị Công Lễ (thứ 2 từ trái sang) vinh dự được gặp Bác Hồ
5 lần được gặp Bác Hồ
Ngôi nhà nhỏ của vợ chồng chiến sĩ văn công Từ Thị Công Lễ và Lê Tôn Sùng nằm trong con hẻm nhỏ của đường Trường Chinh. Ở tuổi ngoài 80, trông ông bà vẫn khỏe mạnh và minh mẫn. Bà Lễ lật từng tấm ảnh cũ ghi dấu kỷ niệm những lần gặp Bác Hồ. Ký ức tuổi trẻ như chợt ùa về. Câu chuyện về Bác đầy xúc động qua lời kể của bà. “Năm 1954, tròn 14 tuổi, tui được ra Bắc học tập. Hai năm sau đó, với thành tích học tập tốt, tui vinh dự có mặt trong đoàn giáo viên, học sinh được gặp Bác Hồ. Đó là kỷ niệm mà tôi cảm thấy tự hào và nhớ mãi”. Lần đó, cô bé Từ Thị Công Lễ – người đồng bào Hơ Rê đến từ huyện Sơn Hà (tỉnh Quảng Ngãi) đã được Bác chỉ định bắt nhịp bài hát Kết đoàn. Bà Lễ kể: “Khi được gặp Bác, tôi cố chen chân đến gần Bác nhất để ngắm gương mặt của Người. Khi Bác hỏi: “Cháu nào dân tộc thiểu số?” là tôi liền giơ tay. Hôm ấy, khi cả đoàn hát xong, trong lúc chờ Bác cho kẹo và cùng xem phim, tôi đã mạnh dạn tiến đến gần Bác, rồi nói: “Bác ơi, cháu là con em đồng bào thiểu số miền Nam. Hôm nghe tin cháu được gặp Bác, bà con dặn phải nhìn Bác thật kỹ để về kể cho bà con nghe”. Bác nhìn tôi rất lâu rồi mỉm cười gật đầu. Thế là cả buổi, tôi cứ ngắm nhìn Bác mãi. Không như tưởng tượng, Bác Hồ trước mắt tôi là một người thật giản dị, gần gũi và rất ân cần. Chính điều đó làm cho tôi thấy yêu quý Bác hơn”.
Gia đình 5 người lính cụ Hồ của bà Lễ
Tháng 5 năm 1956, Trung đoàn 120 Bộ đội Tây Nguyên tập kết ra Bắc, đóng tại Nghệ An và có chủ trương thành lập đội văn công. Cô bé Từ Thị Công Lễ với đôi mắt rực sáng, gương mặt tươi tắn và giọng nói ấm áp truyền cảm là một trong ba học sinh được lựa chọn. Năm 1957, Bác Hồ về Vinh thăm các đơn vị bộ đội miền Nam tập kết ra Bắc, nữ văn công Từ Thị Công Lễ thêm một lần được gặp Bác. Rồi cuối năm 1961, Bác về thăm quê, Lễ cùng một nữ văn công nữa được chọn ôm hoa ra sân bay đón Bác.
Ký ức bà Lễ dừng lại ở một buổi biểu diễn văn nghệ cho Bác Hồ xem vào năm 1967. “Đó là lần đoàn Văn công Quân khu 5 được ra Phủ Chủ tịch biểu diễn phục vụ Bác. Hôm đó, sau vở diễn “Tổng ngốc sa lầy” nhằm đả kích Tổng thống Hoa Kỳ Ních – Xơn bị sa lầy trong cuộc chiến ở Việt Nam thì đến lượt tôi múa vở “Du kích bên bờ biển” cho Bác xem. Khi bắt đầu diễn, tôi quên búi tóc, ông xã đứng bên kia ra hiệu bằng hai tay kèm khẩu hình miệng nói tóc, tóc… Tôi vội vã quấn tóc rồi tiếp tục tiến ra múa. Sau buổi diễn, Bác khen chúng tôi diễn tốt rồi cùng chúng tôi chụp ảnh làm kỷ niệm và đãi cả đoàn một bữa phở rất ngon”.
Sống theo tấm gương của Bác
Bà Lễ bảo, ngày khăn gói ra miền Bắc, tôi ước mơ mình học giỏi để trở thành giáo viên hoặc bác sĩ. Tôi chưa hề hình dung gì về khái niệm văn công, văn nghệ. Ngày được chọn vào Đoàn văn công của Trung đoàn 120, tôi vẫn cứ đeo mãi chiếc khăn quàng đỏ từ Hà Nội vào đến Nghệ An. Trưởng đoàn bảo cất khăn quàng nhưng tôi nhất định đeo mãi. Nhưng chính những lạ lẫm ban đầu sau đó đã gắn bó đời tôi với văn công. Sau này, tôi nhận ra, chính nghề văn công đã cho tôi vinh dự được gặp Bác nhiều lần. Tự nhiên thấy yêu hơn nghề đã chọn mình.
Bà Lễ xúc động cho biết: “Mỗi tháng 5 về là tôi nhớ Bác vô cùng, nhớ nhất sự ân cần dành cho con em miền Nam như chúng tôi. Bác gần gũi như người cha, thương lắm”. |
Cũng chính trên sân khấu biểu diễn, bà Lễ đã gặp và nên duyên cùng ông Sùng. “Năm 1965 chúng tôi cưới nhau. Đám cưới vỏn vẹn có 3 mâm cơm, ở cùng nhau một đêm rồi hai vợ chồng vác ba lô về đơn vị nhận nhiệm vụ. Mãi đến 4 năm sau, chúng tôi mới có đứa con đầu lòng”, bà Lễ kể lại. Năm 1968, bà Lễ được phân công về làm giáo viên giảng dạy tại Trường Nghệ thuật quân đội, còn ông Lễ công tác ở Đoàn văn công Quân khu 5. Hòa Bình, bà về công tác chung đơn vị của ông. Năm 1982 bà nghỉ hưu, 8 năm sau ông cũng nghỉ. Ở tuổi xưa nay hiếm, ông bà vẫn giữ nếp sống của những người lính. Sáng ông đèo bà ra chợ, chiều lại đi tập thể dục, đánh bóng bàn. Tích cực tham gia các hoạt động của phường, quận. Đặc biệt, ông bà còn tham gia làm diễn viên, biên đạo múa của CLB Thái Phiên Đà Nẵng. “Mỗi khi dàn dựng hay biểu diễn các tiết mục hát múa về Bác Hồ, tôi luôn dâng trào cảm xúc và nỗi nhớ Bác”, bà Lễ nói.
Bà Lễ dẫn tôi tham quan một vòng quanh nhà, giới thiệu về lai lịch từng bức ảnh ghi lại những năm tháng tham gia văn công, biểu diễn phục vụ quân đội và bà con nhân dân. Dừng lại ở căn phòng khách, bà đưa tay chỉ lên khoảng không gian trang trọng nhất của ngôi nhà – nơi bà dành để treo ảnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp, bà nói: “Có Bác, có Đảng, chúng tôi mới có cuộc sống hạnh phúc ngày hôm nay. Vợ chồng tôi luôn nhắc nhở cháu con về điều đó”. Phía dưới hai bức ảnh là tấm khung ghim các huy chương chiến công mà hai vợ chồng được tặng trong suốt cuộc đời cống hiến. Đôi tay bà dừng lại ở tấm ảnh gia đình: “Đây chính là niềm tự hào của tôi – gia đình có 5 người lính cụ Hồ gồm vợ chồng tôi, hai con trai và con dâu út”, bà Lễ chia sẻ.
Phan Lệ
Bình luận (0)