Chất lượng thực của môn Văn cũng như ở nhiều môn học khác qua các kỳ thi, nhất là các kỳ thi tuyển sinh đại học, đã lộ rõ những khiếm khuyết có thể làm cả xã hội phải lo lắng.
Ảnh: Hoàng Hà |
Ở môn Văn, mỗi mùa phượng nở, chúng ta lại được đọc những đoạn “văn” có thể làm hồn siêu phách lạc! Báo chí sau khi sưu tầm những sản phẩm ấy, lại phải ra công kêu gọi đi tìm nguyên nhân và giải pháp. Là người đã dạy môn này nhiều năm, dù chỉ ở cấp hai như cách gọi trước kia, nhưng tôi cũng có ý thức tìm hiểu cách làm ăn ở cấp trên qua các sách hướng dẫn của các thầy cao hơn, nên cũng mạo muội góp lời định bệnh.
Người ta thường nghĩ đến trình độ, năng lực và cả tinh thần trách nhiệm của giáo viên khi “phân tích” nguyên nhân. Cũng nhiều người tìm nguyên nhân ở thái độ của học sinh, nhất là cái “thực dụng” tính toán ngành nghề…ở đó cái năng lực văn không là cái nhiều ngành nghề ưu tiên ưu đãi. Nhưng có lẽ đã đến lúc đi tìm câu trả lời căn cốt hơn. Phải nghĩ đến những điều sâu xa hơn. Môn “Văn” không được học sinh mặn mà vì sao? Vì sao nó cứ mỗi ngày lại có thêm nhiều phản ứng xã hội hơn về hiệu quả của nó?
Người ta thường nghĩ đến trình độ, năng lực và cả tinh thần trách nhiệm của giáo viên khi “phân tích” nguyên nhân. Cũng nhiều người tìm nguyên nhân ở thái độ của học sinh, nhất là cái “thực dụng” tính toán ngành nghề…ở đó cái năng lực văn không là cái nhiều ngành nghề ưu tiên ưu đãi. Nhưng có lẽ đã đến lúc đi tìm câu trả lời căn cốt hơn. Phải nghĩ đến những điều sâu xa hơn. Môn “Văn” không được học sinh mặn mà vì sao? Vì sao nó cứ mỗi ngày lại có thêm nhiều phản ứng xã hội hơn về hiệu quả của nó?
Cách đây khoảng gần chục năm, một nhà giáo dạy Văn ở cấp đại học đã đặt câu hỏi : “Học Văn để làm gì mà phải học nhiều như môn Toán? Học Toán còn làm được toán, còn học văn có làm được nhà văn, nhà phê bình đâu?” Tất nhiên câu hỏi cũng hơi quá khích, nhưng nếu nghĩ thì cũng thấy ra nhiều điều.
Một thầy Văn có soạn sách giáo khoa đã có câu trả lời trên tờ Văn Nghệ Trẻ: “mục đích của việc dạy Ngữ Văn là giúp học sinh có những kiến thức cơ bản về tác giả, tác phẩm tiêu biểu (được chọn làm văn bản đọc hiểu), biết nhận thức và rung động trước cái hay cái đẹp của văn chương, của ngôn ngữ dân tộc, có kĩ năng trình bày một cách chính xác và rồi hấp dẫn các ý tưởng, cảm xúc của mình” Quả thật nếu học Văn chỉ để có được những thứ đó cần gì học nhiều giờ hơn những môn khác? Khi ra đời làm việc ngành khác ai dùng đến các thư, đó mấy đâu! Cái mục tiêu, mục đích học Văn ở phổ thông xác định như thế làm gì mà không bị nhiều học sinh lạnh nhạt!
Dường như nhiều người không để ý rằng có sự hiểu lầm khi người ta cứ theo nhau nói phải học Văn. và cứ tưởng rằng cụ Khổng và các tiên nho đều dạy trẻ học Văn. Thật ra cái gọi là “Văn” trong “tiên học Lễ hậu học Văn” là thứ Văn – công cụ diễn đạt đủ mọi thứ từ triết (kinh Dịch) đến lịch sử (Kinh Xuân Thu). Các thầy đô, thầy khoá xưa học được cái thứ “Văn sử bất phân” ấy rồi thì biết đọc đủ loại nho y lý số để có thể hành đủ loại nghề “thầy” đó. Thế thì cần xem lại cái quan niệm dạy Văn hiện nay lắm chứ.
Hẳn là cần nói rõ ra rằng cái mà người phổ thông làm mọi ngành nghề cần đến là một thứ khác mà lẽ ra môn gọi là Văn lâu nay phải đáp ứng. Đó là món Ngôn ngữ, là Tiếng Việt với tư cách tiếng mẹ đẻ của mọi người Việt. Họ cần để có thể suy nghĩ (nói chữ là “tư duy”) và có thể giao tiếp. Đó mới là thứ ai cũng cần. Nếu không có được những hiểu biết tử tế và khả năng sử dụng tử tế thì sẽ gặp khó khăn ngay. Ngay đến chuyện kiếm việc làm tử tế bây giờ, lớp trẻ cũng thấy mình cần phải có năng lực ngôn ngữ giao tiếp. Dạy để họ có thể nói năng viết lách tốt, được các cơ quan doanh nghiệp nhận vào làm thì càng thực dụng họ càng không quay lưng với môn Văn! Rất tiếc là cái món ngôn ngữ này người ta cần nó để sử dụng nó trong cuộc sống như thế, nhưng nhà trường khi thì dạy nó như dạy cho người nghiên cứu các cấu trúc ngôn ngữ kiểu dạy Ngữ pháp một thời, khi thì chỉ coi nó như thứ phụ trợ cho hai cái trục chính trong dạy và học môn này – trục “Đọc Văn “ (văn chương) và trục “Làm Văn” (cũng văn chương). Cái nhu cầu cơ bản không được đáp ứng, cái năng lực cần có không thể có được tử tế khi học thì sao mà người ta có động lực để học tốt! Trách thầy cô, người ta cũng chủ yếu trách họ không dạy “văn ra văn”. Đến dạy bọn trẻ cấp tiểu học người ta cũng đòi phải tiếp nhận đến cả “cấp độ tư tưởng của tác giả”, đòi trẻ mươi tuổi phải biết miêu tả được “màu sắc bên trong” làm rõ được cái thứ “vạn vật hữu linh” trong đối tượng!
Nhận thức được nhu cầu của cá nhân và xã hội với trẻ học môn Ngữ văn này như thế, cần có sự “nhận đường”. Không chỉ với những thầy cô giáo dạy Văn mà với cả xã hội, mà trước hết là các “cơ quan chức năng” bao gồm cả cơ quan cao nhất đến thấp nhất, cơ quan lãnh đạo đến cơ quan chỉ đạo. Xã hội phải biết “đặt hàng” cho đúng với nhu cầu xã hội. Hãy bớt đi những ý tưởng lãng mạn và làm sang (kể cả khoe mẽ). Yêu cầu của xã hội phải sát với thực tế vùng miền, phù hợp với những điều kiện thực thi. Chúng ta cần đáp ứng cái khả năng sử dụng ngôn ngữ thông thường tương xứng khi đọc sách báo, khi nói hay viết ra ý nghĩ của chính mình cho đủ sáng rõ của số học sinh đại trà, những con người phổ thông tương lai, những bạn đọc mới chỉ là “bình dân” trong xã hội hay cứ chạy theo cái việc đào tạo năng lực văn chương kiểu các nhà nghệ sĩ, các nhà phê bình?
Đương nhiên nhiều vấn đề về chương trình, về nội dung, phương pháp phải được rà soát lại. Phổ thông làm cái việc của phổ thông. Việc đào tạo các chuyên gia là của đại học, mà có chuẩn bị cho đại học chuyên ngành thì có các trường năng khiếu, các môn tự chọn (*). Cái đích hướng tới là “phổ thông ra phổ thông” – nó không là “đại học cóp nhặt”, cũng không là thứ đào tạo loại “dở dang” học không hay mà cày cũng kém, thua cả những anh không được học. Học thế nào để có được cái nền năng lực ngôn ngữ và có cơ sở để nghe ra cái “Văn”, để có thể nhớ được, vận dụng được cái Văn khi cần.
(*) Ngay với đối tượng này cũng nên nhắc lại ý của John Dewey: “…nội dung (các môn học) của học sinh không phải và không thể giống hệt với nội dung được thể thức hoá, kết tinh hoá và hệ thống hoá của người trưởng thành (…) Nội dung của người trưởng thành làn những khả năng có thể xảy ra (J.D nhấn mạnh) của nội dung của người trẻ tuổi (…) Nó phù hợp trực tiếp với hoạt động của người đã thành thạo chuyên môn và nhà sư phạm chứ không hợp với người mới bắt đầu, tức học sinh”.
(*) Ngay với đối tượng này cũng nên nhắc lại ý của John Dewey: “…nội dung (các môn học) của học sinh không phải và không thể giống hệt với nội dung được thể thức hoá, kết tinh hoá và hệ thống hoá của người trưởng thành (…) Nội dung của người trưởng thành làn những khả năng có thể xảy ra (J.D nhấn mạnh) của nội dung của người trẻ tuổi (…) Nó phù hợp trực tiếp với hoạt động của người đã thành thạo chuyên môn và nhà sư phạm chứ không hợp với người mới bắt đầu, tức học sinh”.
Lê Xuân Mậu / Lao Động
Bình luận (0)