Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Kỷ niệm 65 năm bình dân học vụ (1945-2010) Kỳ tích xã hội hoá giáo dục

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Ngay sau khi nước nhà giành được độc lập, tại phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời ngày 3.9.1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề ra 6 nhiệm vụ cấp bách cần giải quyết, trong đó nhiệm vụ chống nạn mù chữ được xếp thứ hai sau nhiệm vụ chống giặc đói. Tại phiên họp này, Người đề nghị mở một chiến dịch chống nạn mù chữ.

Một năm, hơn 2,5 triệu người được xoá mù chữ
Ngày 8.9.1945, Chính phủ ban hành sắc lệnh thành lập Nha Bình dân học vụ (BDHV) quyết định thành lập cho nông dân và thợ thuyền những lớp học bình dân buổi tối. Việc học chữ quốc ngữ bắt buộc và không mất tiền cho tất cả mọi người. Hạn trong một năm, toàn thể dân chúng Việt nam trên 8 tuổi phải biết đọc, biết viết chữ quốc ngữ.
Có thấy Nha Học chính Đông Pháp ghi: 95% dân chúng Việt Nam không biết một thứ chữ gì” (năm 1938), mới thấm thía lời nói của Bác: “ Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu. Vì vậy, tôi đề nghị mở một chiến dịch chống nạn mù chữ”. Đầu tháng 10 năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra “Lời kêu gọi chống nạn thất học”.
Bác Hồ thăm lớp học bình dân học vụ. Ảnh: T.L
Lời kêu gọi của Bác về nhiệm vụ chống giặc dốt đã nhanh chóng thấm sâu vào tâm trí của mọi người dân, làm thức dậy lòng tự tôn dân tộc và thấy rõ trách nhiệm của mình là chỉ trong vòng một năm, ai ai cũng phải biết đọc, biết viết chữ quốc ngữ. Nhưng để thực hiện nó là cả một ẩn số rất lớn. Tiền đâu ra, kinh phí hoạt động không có. Nhưng từ cán bộ đến mọi tầng lớp nhân dân cùng bàn bạc, giải quyết. Những nhà có nhà ở rộng rãi mở lớp học tư gia cho bà con xóm giềng, nhiều hoà thượng, linh mục cho mượn chùa, nhà thờ để làm lớp. Dùng cánh cửa, chiếu trải xuống đất cho học viên ngồi… 
Các nhà hảo tâm ủng hộ những khoản tiền lớn để in sách vần quốc ngữ, mua cả một khối lượng lớn phấn, giấy, mực… Những lớp học buổi tối ở nông thôn gặp nhiều khó khăn nhất. Mọi loại đèn sẵn có đều được tận dụng như dầu lạc, dầu nhựa trám, hạt bưởi… Những người biết chữ dạy người chưa biết chữ. Những giáo viên truyền bá quốc ngữ cũ, thanh niên, học sinh, sinh viên, công chức, hướng đạo sinh đều ghi tên dạy và làm tuyên truyền viên.
Lớp học khắp nơi, học trưa, học chiều, học tối. Lớp đông giáo viên, lớp một thầy một trò. Chữ viết sẵn trên bảng, treo trên khóm tre, bụi chuối, bờ ao để bà con học tập. Để tăng cường và đẩy mạnh việc học, việc hỏi chữ được thiết lập. Những người nào đọc được các chữ viết trên các bảng đen dựng bên các bến đò, cổng làng, cổng chợ… thì được đi qua cổng trang trí đẹp gọi là “Cổng vinh quang” để đi vào chợ, sang sông, về làng…
Chỉ sau một năm hoạt động BDHV (8.9.1945/8.9.1946) đã có 2.520.678 người thoát nạn mù chữ (dân số lúc đó là 22 triệu người). Thật là một kỳ tích của nền giáo dục non trẻ!
Mốc son trong lịch sử giáo dục
Toàn quốc kháng chiến bùng nổ ngày 19.12.1946. Tại chiến khu Việt Bắc, Bác nói: “Diệt giặc dốt như diệt giặc Pháp, dốt nát cũng là tên địch. Địch dốt nát giúp cho địch ngoại xâm”(Báo Công Dân-LKIII-1948), và thế là phong trào BDHV tiếp nối kinh nghiệm quý báu trong năm đầu hoạt động. Các lớp học đi theo đồng bào tản cư kháng chiến, đi theo các đoàn dân công tiếp vận.
Kháng chiến chống Pháp thắng lợi, sau kế hoạch 3 năm (1956-1958), tổng kết lại phong trào BDHV. Bác thay mặt Đảng và Nhà nước trao cho thủ đô nhiệm vụ bổ túc văn hoá cho 6 vạn người. Bác phân tích: “Thủ đô đã căn bản hoàn thành nhiệm vụ xoá mù chữ, nhưng căn bản nghĩa là chưa hoàn toàn. Cho nên phải làm nốt việc xoá nạn mù chữ, rồi tiến lên bổ túc văn hoá cho mọi người…”.
Với khí thế “Học BTVH để chống Mỹ cứu nước”, phong trào rầm rộ khắp nơi. Ở Liên khu 4, nơi chiến tranh ác liệt nhất, có khẩu hiệu “Đội bom đi học”. Ngày 30.4.1975, miền Nam được hoàn toàn giải phóng. Lễ phát động chiến dịch XMC gắn với sự kiện trọng đại, biết bao khó khăn, gian khổ nhưng Ban Tuyên giáo Trung ương thay mặt Đảng và Ủy ban Quốc gia chống mù chữ – phổ cập giáo dục tiểu học đã tổ chức nhiều cuộc họp, cuộc hội thảo vận dụng các bài học về vận động quần chúng trong năm đầu BDHV để quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ kế hoạch XMC-PCGDTH trong cả nước theo chuẩn quốc gia (6 đến 35 tuổi ở vùng đồng bằng và 25 tuổi ở vùng khó khăn, miền núi) và cũng là để thực hiện tầm nhìn của Tuyên ngôn thế giới về giáo dục cho mọi người (Giômchiên-1990) được hỗ trợ bởi Tuyên ngôn tổng quát về quyền con người và Công ước về quyền trẻ em.
Đến ngày 28.12.2000, Nhà nước ta đã tuyên bố với nhân dân cả nước và với thế giới thực hiện xong việc xoá nạn mù chữ và phổ cập giáo dục tiểu học trong cả nước theo chuẩn quốc gia. Lúc này, đất nước ta đã có hơn 82 triệu người. Đó là một mốc son trong lịch sử giáo dục nước nhà.
Nguyễn Thìn Xuân
(Chủ tịch CLB UNÉSCO; “Chiến sĩ diệt dốt” Nguyễn Văn Tố)
Lao Động

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)