Năm học mới đã bắt đầu nhưng những vấn đề đã và đang đặt ra cho ngành giáo dục vẫn chưa có một chiến lược, giải pháp đột phá mới nào được đưa ra. Cũng như lãnh đạo ngành chưa có những câu trả lời dứt khoát cho nhiều câu hỏi đã đặt ra từ các năm học trước.
Những mối bận tâm của học sinh – giáo viên – phụ huynh trong năm học mới quá nhiều. Cụ thể như chủ trương năm nay môn ngoại ngữ có đem ra cân nhắc là môn chính thức hay môn tự chọn trong kỳ thi tốt nghiệp THPT nữa không? Có chủ trương nhập hai kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng hay không? Có thay đổi, chỉnh sửa gì nội dung sách giáo khoa nữa không?
Hay trong kỳ họp vừa rồi Quốc hội ra nghị quyết về thực hiện chính sách pháp luật về thành lập trường, đầu tư và đảm bảo chất lượng giáo dục đại học, sẽ thực hiện ra sao? Lãnh đạo ngành giáo dục cũng nên có những ý kiến về thực trạng chất lượng đào tạo đại học thời gian vừa qua vì sao khiến Quốc hội phải ra một nghị quyết để giám sát? Chủ trương và biện pháp quản lý đào tạo đại học thời gian tới có hướng thay đổi, đột phá nào không?
Nếu tiếp tục “im lặng” và rồi đột ngột ban hành quyết định thì sẽ tái lập hậu quả như những năm qua: người dạy – người học không thể trở tay kịp. Hơn ai hết, những thế hệ học sinh – sinh viên các năm qua luôn trở thành “đối tượng” cho lãnh đạo ngành giáo dục đưa ra thí điểm hàng loạt mô hình, hàng loạt chính sách…
Vì vậy, người dân luôn mong những quyết định, chính sách, điều chỉnh từ lãnh đạo ngành giáo dục được ban hành và ổn định ngay từ đầu năm. Có như thế người dạy – người học mới có thời gian để… đối phó, yên tâm dạy – học. Từ sự ổn định cần thiết này, mới tính đến những giải pháp đột phá nâng cao chất lượng giáo dục trong những năm sau.
NGỌC LỮ / TTO
Bình luận (0)