Khi các em nhập học cũng là lúc cha mẹ đau đầu với bài toán tiền trường dưới nhiều tên khác nhau. Còn nhà trường nói thu theo quy định thì không đủ để chi.
Cầu tuột của Trường mầm non Lê Thị Riêng, Q.1,TP.HCM do hội phụ huynh đóng góp – Ảnh: Như Hùng
|
Nhiều phụ huynh nói rằng mùa khai giảng năm học mới cũng chính là “mùa” họp phụ huynh và là “mùa” tiền trường. Họ phải loay hoay với hàng trăm khoản thu ngoài quy định ẩn mình dưới những tên gọi khác nhau.
Ngay những ngày bắt đầu năm học mới, một số phụ huynh Trường mầm non Lê Thị Riêng, Q.1, TP.HCM phản ứng chuyện ban đại diện cha mẹ học sinh trường này đặt họ vào “thế đã rồi” khi mua hai bộ đồ chơi trị giá 70 triệu đồng đặt ở sân trường, sau đó chia bình quân và huy động phụ huynh đóng 200.000 đồng/người để trả nợ.
Cao hơn năm trước
Đuổi học vì chậm đóng học phí
Chiều 9-9, ông Trương Đình Tải, hiệu trưởng Trường THPT tư thục Trần Hưng Đạo – Huế, cho biết sẽ đuổi học 10 học sinh nếu không chịu đóng học phí trước ngày 12-9.
Trước đó, ngày 28-8 trường đã thông báo đình chỉ học tập vì chưa đóng học phí và các khoản thu đầu năm đối với 40 học sinh. 30 trong số 40 học sinh này đã đóng đầy đủ tất cả khoản phí cho nhà trường trong những ngày qua.
Theo ông Tải, vì đây là trường tư, tất cả đều dựa vào các khoản thu của học sinh để bù các khoản chi nên đành phải đuổi học sinh nếu không đóng học phí.
Được biết, mức thu của trường này là 1.520.000 đồng/năm đối với học sinh lớp 10, 1.455.000 đồng/năm đối với học sinh lớp 11 và 1.355.000 đồng/năm đối với học sinh lớp 12. Trong đó ngoài khoản học phí 750.000 đồng (cho ba tháng đầu năm), còn lại là các khoản khác như: quỹ hội phụ huynh, quỹ chữ thập đỏ, vệ sinh, thưởng học tập, ghế nhựa để chào cờ (đối với học sinh lớp 10)…
T.LỘC – Đ.HÙNG
|
Chị Nga, thành viên ban đại diện, kể: “Vì thương các em ở trường mới mà toàn tường vôi, sân ximăng không một bóng cây, thiếu đồ chơi, tan học phải qua chơi nhờ ở trường đối diện nên chúng tôi mới liều mua để phục vụ các em trước đã”.
Trong khi đó bước vào năm học mới, Trường tiểu học Tân Phú B (phường Tân Phú, thị xã Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước) đã đặt ra hàng loạt khoản thu như: quỹ hội, lao công, ghế ngồi, giấy thi…, tổng cộng lên đến hơn 2.700.000 đồng/học sinh.
Một phụ huynh giấu tên cho biết: “Khi họp một số phụ huynh không đồng tình nhưng cuối cùng phải gắng gượng đóng để con được đi học. Một phụ huynh khác than vãn: “Các khoản phí năm nay quá cao. Nhà trường bắt phải đóng một lần nên đã tạo gánh nặng cho nhiều gia đình, nhất là với người làm công ăn lương, các hộ nghèo”.
Bà Hà Thị Thảo, hiệu trưởng nhà trường, cho biết tất cả khoản đóng góp cho năm học mới giáo viên chủ nhiệm đều tổ chức họp phụ huynh học sinh và có sự tham dự của đại diện hội phụ huynh học sinh. Bà khẳng định các khoản thu thực hiện theo chủ trương của Phòng GD-ĐT thị xã Đồng Xoài và Sở GD-ĐT tỉnh Bình Phước, các khoản thu năm nay cao hơn năm học trước.
Tại Hà Nội, chị Ngọc, phụ huynh gửi con ở Trường mầm non Việt Triều, cho biết: “Sau buổi họp phụ huynh đầu năm, tôi được thông báo quỹ phụ huynh là 700.000 đồng/năm, trong khi học phí và các khoản khác hằng tháng đã là 700.000 đồng, chưa kể các khoản thu lặt vặt đầu năm học. Quỹ phụ huynh chủ yếu chỉ dùng vào việc mua quà, phần thưởng vào các dịp lễ tết. Ban đại diện cha mẹ học sinh đã thống nhất, mình không thể không theo”.
Học phí cao cũng lạm thu!
Đặc biệt, phụ huynh có con học tại Trường Academy – Hà Nội bức xúc: “Có rất nhiều khoản thu lạ mà nhà trường không thể giải thích được. Khi đăng ký vào học tại trường này, phụ huynh đã phải nộp một khoản trọn gói 5.000-6.000 USD/năm. Đây là số tiền để học sinh được hưởng chương trình dạy học song ngữ. Nhưng khi vào học trường tiếp tục thu một khoản tiền gọi là “tiền bản quyền chương trình”.
Ngoài ra, phụ huynh phải nộp 50 USD/năm phí sử dụng sách giáo khoa quốc tế, phí quản lý sách giáo khoa (trả công cho người đi mua sách), nộp 2 triệu đồng tiền học phẩm (đổ đầu học sinh từ lớp 1-10)…
Nhiều phụ huynh chịu không nổi đã cho con chuyển trường, những người có hoàn cảnh kinh tế tốt hơn băn khoăn về việc mập mờ trong việc thu chi và sự tương xứng giữa chi phí phải trả và chất lượng được hưởng.
Trong khi đó, nhiều phụ huynh có con học trái tuyến các trường điểm tại Hà Nội cho biết năm nay tiền “tự nguyện” nộp cho quỹ khuyến học của nhà trường cao gấp 2-3 lần so với các năm trước. Phụ huynh có thể nộp các mức khác nhau nhưng đều được… gợi ý mức sàn. Mức này khoảng 1 triệu đồng/học sinh, nhưng có trường thu đến 5 triệu đồng/học sinh.
Theo phản ảnh của một số phụ huynh, “nặng” và phổ biến nhất vẫn là các khoản tiền được gợi ý thu để gắn máy điều hòa trong phòng học, lắp máy chiếu, máy tính trong lớp… Một phụ huynh có con học Trường tiểu học Trung Tự nói: “Lớp đã thu khoảng 40 triệu đồng để mua máy trình chiếu. Lớp này có mà lớp kia không có cũng gây áp lực khiến phụ huynh phải đóng tiền”.
Đại diện ban giám hiệu Trường tiểu học Trung Tự giải thích: “Mặc dù chịu áp lực phải đổi mới phương pháp dạy học, sử dụng thiết bị trình chiếu để tăng hiệu quả việc dạy học… nhưng chúng tôi không được đầu tư. Cách duy nhất để trang bị phương tiện dạy học hiện đại là xã hội hóa. Nhà trường không ép buộc phụ huynh và cố gắng tìm sự đồng thuận cao nhất về việc này”.
Cấm lạm thu, vẫn “xé rào”
Trước ngày khai giảng, UBND TP Đà Nẵng đã ban hành hai quyết định quy định cụ thể các khoản được phép thu trong trường học. Trong đó, nghiêm cấm việc các tổ chức, cá nhân vận động thu trong phụ huynh học sinh để tạo quỹ hội phụ huynh lớp, trường.
Thế nhưng ở Trường tiểu học Trần Văn Ơn (Q.Hải Châu), chi hội khuyến học nhà trường đã vận động phụ huynh ủng hộ quỹ khuyến học số tiền hơn 87 triệu đồng của 99 phụ huynh ủng hộ vào đầu năm học.
Ông Nguyễn Công Tấn – hiệu phó kiêm chi hội trưởng chi hội khuyến học nhà trường – cho biết đây là khoản tiền phụ huynh tự nguyện đóng góp cho chi hội khuyến học nhà trường dành để giúp đỡ học sinh nghèo, tổ chức phát thưởng học sinh cuối năm học, trong đó ba người ủng hộ nhiều nhất với số tiền 1,5 triệu đồng/người, người ít nhất 200.000 đồng.
Sau khi sự việc được phản ảnh, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Trần Văn Minh đã có văn bản phê bình ban giám hiệu nhà trường, yêu cầu UBND Q.Hải Châu có hình thức kiểm điểm đối với các cá nhân liên quan và phải trả ngay tiền thu trái quy định.
Ngày 9-9, ông Nguyễn Công Tấn cho biết hiện nhà trường đang thực hiện việc hoàn trả số tiền trên, việc hoàn tiền cho phụ huynh hoàn thành trước ngày 15-9.
Tương tự, tại Trường tiểu học Huỳnh Ngọc Huệ (Q.Thanh Khê), hồi đầu năm học có một lớp 1 vận động mỗi phụ huynh đóng 500.000 đồng góp quỹ hoạt động của hội phụ huynh học sinh cho năm học. Nhiều phụ huynh bức xúc phản ảnh việc đóng góp trái quy định này khiến Phòng GD-ĐT quận Thanh Khê tiến hành thanh tra, xác minh.
Kết quả, phòng đã yêu cầu ngừng việc thu tiền quyên góp quỹ hội phụ huynh học sinh tại trường và hoàn trả số tiền thu vượt mức quy định.
Không “tự nguyện”, được không?
Tình trạng thu thêm các khoản tiền trường ngoài quy định dưới danh nghĩa “tiền tự nguyện” hay “quỹ hội phụ huynh” ngày càng phổ biến và nặng nề hơn. Theo nhiều trường, điều này xuất phát từ việc những khoản thu theo quy định không đủ đảm bảo các khoản chi cần thiết và không còn phù hợp thời giá.
Thực tế từ nhiều năm nay, các trường trên địa bàn TP.HCM đã không thể trông cậy vào khoản tiền tổ chức phục vụ và quản lý bán trú (từ 20.000-30.000 đồng/học sinh/tháng) theo quy định (khung quy định này được áp dụng lần đầu từ năm 1998).
Cô T. – thành viên ban giám hiệu một trường tiểu học tại Q.Gò Vấp, TP.HCM – phản ảnh: “Để lo công tác bán trú, phải trả lương từ anh bảo vệ đến các bộ phận giáo viên, bảo mẫu, nhà bếp, nhân viên vệ sinh… Nhẩm tính sẽ thấy phụ huynh chỉ phải trả 1.000 đồng/ngày cho việc giữ con, chăm con vào buổi trưa”.
Riêng tiền cơ sở vật chất, một hiệu trưởng làm việc lâu năm tại Q.10, TP.HCM tính toán: “Tiền cơ sở vật chất thu theo quy định nhiều khi chỉ đủ để… sửa một công trình vệ sinh. Nhà trường phải nhờ cậy ở ban đại diện phụ huynh học sinh để có thể làm các công trình khác như mái che, cây xanh, ốp tường hay mua loa máy…”.
Dè dặt trong vấn đề “tiền trường”, ông Phạm Trung Dũng – hiệu trưởng Trường THPT Thăng Long, Hà Nội – nói: “Ngân sách và khoản trích từ học phí đã chi đến 60% cho lương giáo viên, tất cả hoạt động khác trông vào 40% còn lại”.
Bà Tú Anh – hiệu trưởng Trường tiểu học Thịnh Hào – Hà Nội, một trường gần như không có các khoản thu “tự nguyện” – cho biết: “Chúng tôi mua một máy photocopy nhưng đã bảy năm rồi chưa trả hết nợ. Tiền thu học hai buổi/ngày tại Hà Nội hiện vẫn áp dụng mức đã quy định từ mười năm trước, rất bất cập”.
Về vấn đề lạm thu, ông Huỳnh Công Minh, giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, khẳng định: “Sở đã nhắc nhở ban giám hiệu, giáo viên chủ nhiệm các trường tuyệt đối không được tham gia thu các khoản tiền ngoài quy định. Nếu phụ huynh không đóng góp, Nhà nước vẫn đầu tư cho nhà trường ở mức tối thiểu và trường vẫn có thể hoạt động bình thường. Đừng vì muốn giải quyết sớm những nhu cầu trước mắt mà gây khó khăn cho phụ huynh và làm ảnh hưởng uy tín của ngành giáo dục”.
Trong khi đó, bà Phạm Thị Hồng Nga, phó giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, cho biết: “Trong đề án học phí đang chỉnh sửa để trình HĐND, chúng tôi cũng tính toán đến mức thu để có thể quy về một mối, tránh lạm thu nhưng sẽ có lộ trình hợp lý và mức thu được tính phù hợp hơn với các đối tượng”.
Đi học phải mặc áo dài tay
Ngày 9-9, ông Văn Đức Thảo, hiệu trưởng Trường THPT Kon Tum, khẳng định ban giám hiệu nhà trường không ra quy định học sinh phải mặc áo dài tay khi đến trường nhưng một số giáo viên chủ nhiệm đã tự đặt ra quy định trên.
Ban giám hiệu sẽ tiến hành kiểm tra và kịp thời chấn chỉnh.
Trước đó, rất nhiều phụ huynh Trường THPT Kon Tum đã bức xúc phản ảnh việc con họ được yêu cầu phải mặc áo dài tay khi đến trường.
Theo phụ huynh, quy định trên gây khó khăn và tốn kém vì phải bỏ những chiếc áo sơmi ngắn tay để may mới áo sơmi dài tay cho con.
|
Theo Tuoi Tre
Bình luận (0)