Tạp Chí Giáo Dục TP.Hồ Chí Minh
Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Diễn đàn Đổi mới phương pháp dạy học “Làm sao tránh đọc – Chép?”: Tại sao phải đọc – chép?

Tạp Chí Giáo Dục

Sử dụng phương pháp dạy đọc – chép sẽ làm giảm tính năng động và không phát huy được khả năng trình bày, diễn đạt của HS trong các kỳ thi (ảnh minh họa). Ảnh: T.L

Ở lứa tuổi chúng tôi – những học sinh (HS) trung học hơn 30 năm về trước thì cách dạy đọc – chép gần như không có ở thầy và trò.
Thật vậy, khi lên lớp 6 trường cấp II (THCS bây giờ) ngay những tiết học đầu tiên, thầy cô đã hướng dẫn chúng tôi cách ghi bài khi nghe thầy cô giảng. Thầy thì nhấn nhá ý trọng tâm nhiều lần, cô thì gạch những vạch đầu dòng và ghi những ý cơ bản trên bảng… Mỗi thầy cô hướng dẫn một cách, chúng tôi ghi bài theo một kiểu. Bạn viết nhanh thì ghi bài thành câu đầy đủ, bạn khác thì ghi ý chính sau mỗi gạch đầu dòng, có bạn thì chỉ mũi tên như sơ đồ. Thời gian đầu chúng tôi cũng khó khăn rồi về sau cũng quen dần với cách học mới đó.
Ở những môn học như địa lý thì thầy cô bắt HS vẽ bản đồ rồi ghi chú. Dạy chúng tôi vẽ phóng to hoặc thu nhỏ bản đồ từ sách giáo khoa ra vở bằng cách kẻ bản đồ trong sách thành từng ô vuông nhỏ, rồi dựa vào đó chúng tôi vẽ lại vào vở của mình theo tỉ lệ giáo viên yêu cầu. (Ngày nay, hiếm thấy học sinh tự vẽ bản đồ). Môn sinh vật cũng vậy, chúng tôi thường vẽ hình tế bào, lá, hoa, con vật được cắt lớp ngang, dọc… rồi ghi chú những điều được học trên hình vẽ. Lịch sử cũng vạch ghi ý theo hình rẽ quạt để ghi tiểu sử nhân vật lịch sử, thời gian, diễn biến sự kiện lịch sử (bây giờ gọi là sơ đồ mạng). Môn văn thì ở bài Giảng văn (nay là Tìm hiểu văn bản) chúng tôi chia trang vở ra làm đôi: phần bên trái là bài soạn và bên phải là bài thầy cô giảng. Bài soạn làm sẵn ở nhà. Đến lớp nghe giảng, ý hay – mới chúng tôi ghi thêm vào phần bài giảng. Những ý trong bài soạn sai, chúng tôi dùng bút chì gạch bỏ… Môn nào cũng có cách ghi bài riêng khi nghe giảng ở lớp.
Với cách dạy, cách học tự ghi bài khi nghe giảng như thế đã đem lại nhiều lợi ích cho cả thầy và trò. Giờ học, bắt buộc chúng tôi phải hết sức tập trung khi nghe giảng, phải nhanh nhẹn trong tư duy nếu lơ là, trò chuyện riêng trong giờ học thì sẽ không ghi bài đúng và đủ. Chính cách ghi bài như thế nên khi làm kiểm tra chúng tôi phải vận dụng khả năng nhớ – hiểu bài học mình đã ghi, diễn đạt bằng từ ngữ của mình để trả lời đúng, trôi chảy mạch lạc mới được điểm cao. (Các bạn giỏi văn luôn có lợi thế ở điểm này). Đặc biệt là cùng một câu hỏi, cùng học một thầy nhưng bài làm không bao giờ hoàn toàn giống nhau từng câu từng chữ vì mỗi người dựa vào bài ghi của riêng mình và diễn đạt theo cách hành văn của mình (chính vì vậy, giáo viên rất dễ phát hiện học sinh copy bài nhau mà trừ điểm).
Hơn 30 năm về trước phương tiện dạy học thiếu thốn, chưa hiện đại như ngày nay mà các thầy cô đã rất tuyệt vời dạy chúng tôi cách học chủ động và cả sáng tạo như thế? Chưa kể đến cái lợi của thầy và trò có được mà tôi đã nêu trên. Bây giờ tại sao lại phải đọc chép? Phải chăng chương trình quá nặng nề, giáo viên phải chạy bài cho kịp chương trình? Phải chăng do nội dung kiến thức trong sách giáo khoa quá ôm đồm, nhiều chi tiết mà đáp án các kì thi thì thí sinh phải đầy đủ mới đạt điểm tối đa? Hãy thử nhìn tài liệu ôn thi sử – địa THPT vừa qua sẽ thấy thật kinh khủng các số liệu và ý chi tiết quá nhiều dẫn đến học sinh chỉ có học thuộc lòng mới nhớ!
Với trình độ giáo viên hiện nay đa số là đạt chuẩn và trên chuẩn (nhất là ở TP.HCM) cộng với thiết bị dạy học khá đầy đủ và hiện đại hơn trước đây nhiều lần, tôi tin rằng với lòng yêu nghề, với óc sáng tạo các thầy cô giáo sẽ vượt qua được các trở ngại để xóa cách dạy đọc – chép đang phổ biến ở các trường trung học hiện nay nhằm giúp các em tự tin, chủ động, sáng tạo, nhanh nhẹn hơn trong học tập.
Lê Phương Trí (Q.4)
Thầy giáo nên đứng vai trò gợi mở, hướng dẫn

10 năm về trước, tôi nhận thấy HS tiếp thu kiến thức một cách thụ động. Chủ yếu các em ngồi nghe giảng và sau đó, thầy đọc từng câu, từng chữ cho các em viết vào vở để ghi nhớ nội dung bài học. Cách học đó có thể phù hợp với điều kiện về phương tiện, dụng cụ học tập còn thiếu thốn, chưa đầy đủ lúc bấy giờ. Nhưng, nếu áp dụng phương pháp đó vào thời điểm hiện nay, khi phương tiện và thiết bị dạy học được cung ứng đầy đủ cho thầy và trò thì phương pháp dạy thầy đọc – trò chép không còn phù hợp nữa đối với tâm sinh lý lứa tuổi và cách nhận thức của các em. Dễ hiểu một điều, HS ngày nay nhạy bén và nhanh hơn HS cách đây 10 năm. Các em được tiếp cận luồng kiến thức không chỉ do thầy cô trong trường đọc – chép để ghi nhớ như ngày xưa, mà ngược lại, các em còn tiếp cận kiến thức từ rất nhiều nguồn: do bố mẹ, anh chị truyền dạy, do phương tiện công nghệ thông tin (mạng internet), học từ bạn bè, hay qua sách báo… Chính lý do đó, nếu vào lớp, các em phải ngồi khoanh tay nghe thầy đọc rồi chép lại vào vở để ghi nhớ thì e rằng, các em sẽ nhàm chán vì không phát huy được tính tích cực, chủ động để tiếp nhận kiến thức. Lớp học sẽ không phát huy được hiệu quả, HS không được tiếp cận kiến thức thông qua kỹ năng thực hành. Một điều không hợp lý nữa là việc đọc – chép như vậy sẽ mất nhiều thời gian của tiết học, mà hiệu quả lại không đạt bao nhiêu.
Ở một khía cạnh khác, việc đọc – chép làm giảm tính năng động của HS. Ngày nay, HS Việt Nam rất năng động, các em có thể tranh luận về một vấn đề được thầy giáo cung cấp khá sôi nổi từ nhiều nguồn tư liệu khác nhau mà các em có được, để khi đến lớp, các em trình bày cho thầy cô cùng các bạn biết. Đó là phương pháp học tích cực. Thầy giáo chỉ đóng vai trò gợi mở, hướng dẫn và kích thích hoạt động của cá nhân hay tổ chức cho các em làm việc theo nhóm để cùng nhau tìm ra kiến thức. Việc đọc – chép không còn “chỗ đứng” trong việc giúp các em tiếp thu kiến thức nữa. Và nếu áp dụng phương pháp dạy đọc – chép trong các tiết học thì sẽ làm giảm tính năng động của các em, không phát huy được khả năng trình bày, diễn đạt của mỗi cá nhân.
Minh Duy (GV Trường Quốc tế Việt Úc)
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)