Vấn nạn đăng bài trên tập san dỏm ngày càng ăn sâu vào giới học thuật Việt Nam. Không ít người vì để làm dày lý lịch khoa học nhằm đạt mục tiêu nào đó đã không ngần ngại thực hiện những hành vi phi đạo đức khoa học. Báo Tiền Phong đã từng có loạt bài phản ánh vấn nạn này.
Cách đây một số năm, giới khoa học của Việt Nam cũng như thế giới đều cho rằng Trung Quốc là "công xưởng sản xuất bài dởm". Tuy nhiên có lẽ đã quá chủ quan để bây giờ công xưởng đó đã được di dời sang các nước khác, trong đó có Việt Nam.
Trung Quốc đã có những biện pháp mạnh để chấn chỉnh, làm sạch nghiên cứu khoa học.
Trong đó, TS Dương Tú có nhắc đến Thông báo “Một số ý kiến chỉ đạo tăng cường hơn nữa việc xây dựng liêm chính khoa học” được ban hành đồng thời bởi hai cơ quan quyền lực bên phía Đảng và Chính phủ Trung Quốc năm 2018.
TS Dương Tú cho rằng Thông báo trên thể hiện nhận thức và viễn kiến rất đáng khâm phục của lãnh đạo nước này trong việc xây dựng một nền khoa học liêm chính, đưa Trung Quốc trở thành cường quốc khoa học và công nghệ.
Hiển nhiên, đằng sau Thông báo là đội ngũ chuyên gia tư vấn rất giỏi, không chỉ am hiểu sâu sắc thực trạng, văn hóa khoa học Trung Quốc mà còn cập nhật đầy đủ, kịp thời xu hướng khoa học thế giới.
Từ Thông báo này, các cơ quan quản lý liên quan, đặc biệt là Bộ Khoa học và Công nghệ, và Bộ Giáo dục Trung Quốc đã ban hành nhiều văn bản, tổ chức hàng loạt hoạt động đưa liêm chính khoa học trở thành một phần thiết yếu hàng ngày của hoạt động nghiên cứu tại nước này.
Với bối cảnh hiện nay, có thể sẽ phải chờ 5, 10 hay 15 năm nữa để nhìn thấy những văn bản tương tự về liêm chính khoa học từ các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam, nghĩa là có khả năng sẽ đi sau Trung Quốc một thế hệ trong việc xây dựng nền khoa học liêm chính.
Mặt khác, TS Dương Tú cũng chỉ ra bên cạnh sự gia tăng nhanh chóng số lượng công bố quốc tế những năm gần đây, Trung Quốc đang phải đối mặt với vấn nạn gian lận khoa học nghiêm trọng, thể hiện qua tỷ lệ bài báo từ quốc gia này bị các tạp chí rút bỏ do hành vi sai trái (misconduct) tăng vọt từ 14,4% (năm 2011) lên 53,2% (năm 2020) tổng số bài báo bị gỡ bỏ trên toàn cầu.
Kể từ năm 2017, Bộ Khoa học và Công nghệ Trung Quốc đã phối hợp với nhiều cơ quan điều tra và xử lý mạnh tay các hành vi gian lận khoa học. Từ tháng 6/2021, Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc bắt đầu thông báo công khai kết quả điều tra và hình phạt đối với các trường hợp vi phạm liêm chính nghiên cứu trên trang web của cơ quan này.
Sang đến 2018, Tổng Văn phòng Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc và Văn phòng Quốc vụ viện Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa ban hành chỉ thị mang tên “Một số ý kiến chỉ đạo tăng cường hơn nữa việc xây dựng liêm chính khoa học” ("Several Opinions on Further Strengthening the Construction of Scientific Research Integrity") với khuyến cáo các cơ quan chức năng cần lập danh sách tạp chí có vấn đề để các nhà nghiên cứu Trung Quốc tránh đăng bài.
Tạp chí Q1, Q2 đều có tên trong danh sách
Cuối năm 2020, Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc công bố phiên bản đầu tiên của danh sách tạp chí quốc tế thuộc diện cảnh báo sớm (Early Warning List of International Journals) bao gồm 65 tạp chí, tất cả đều nằm trong danh mục ISI/WoS: 16 tạp chí thuộc nhóm Q1, 27 tạp chí Q2, 13 tạp chí Q3 và 7 tạp chí Q4.
Nhà xuất bản MDPI đứng đầu danh sách với 22 tạp chí bị cảnh báo. Các nhà xuất bản quen thuộc như Wiley (5), Elsevier (3), Springer (3), Hindawi (3), Taylor & Francis (2) và SAGE (2) đều góp mặt.
Trong danh sách này còn có đại tạp chí đa ngành (megajournal) IEEE Access của nhà xuất bản IEEE. Ngay sau khi danh sách cảnh báo ra đời, IEEE Access đã chứng kiến sự sụt giảm tức thì số lượng công bố với mức giảm 24% trong Quý I năm 2021 so với quý ngay trước đó.
Đúng một năm sau, ngày 31/12/2021, Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc công bố danh sách cập nhật gồm 35 tạp chí thuộc diện cảnh báo. Đa số tạp chí nằm trong danh sách năm 2020 được loại khỏi danh sách năm 2021.
MDPI vẫn đứng đầu danh sách 2021 với 7 tạp chí, theo sau là các nhà xuất bản Hindawi (5), Wiley (3), Frontiers (3) và Dove Medical Press (3). Phần lớn tạp chí trong danh sách cảnh báo năm 2021 của Trung Quốc đều thuộc nhóm Q1 và Q2 theo danh mục ISI/WoS.
Theo Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc, danh sách tạp chí ISI thuộc diện cảnh báo được công bố để nhắc các nhà nghiên cứu Trung Quốc thận trọng khi lựa chọn tạp chí đăng bài cũng như thúc đẩy các nhà xuất bản tăng cường kiểm soát chất lượng các bài báo.
Những tạp chí nằm trong danh sách cảnh báo được các chuyên gia của Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc lựa chọn dựa trên nhiều tiêu chí như việc đăng bài của những công xưởng sản xuất bài báo (paper mills), mức độ ảnh hưởng của các công trình, phí đăng bài, tỷ lệ từ chối bản thảo, tốc độ tăng số lượng bài, tỷ lệ tự trích dẫn… Tuy nhiên, chi tiết về các tiêu chí và quy trình lập danh sách tạp chí đáng ngờ chưa được công khai.
Các tạp chí được xếp theo 3 mức độ cảnh báo: cao, trung bình và thấp. Mức cảnh báo cao dành cho những tạp chí đăng bài từ các công xưởng sản xuất bài báo. Mức trung bình để chỉ các tạp chí có tỷ lệ quốc tế hóa thấp về tác giả và độc giả, phí đăng bài cao bất hợp lý. Mức thấp dành cho các tạp chí có số lượng công bố tăng đột biến và có nguy cơ giảm mạnh mức độ ảnh hưởng.
"Việc Trung Quốc công bố danh sách tạp chí ISI thuộc diện cảnh báo cho thấy nước này đã vượt qua giai đoạn sùng bái, lệ thuộc và lạm dụng ISI/Scopus", TS Dương Tú nhận định.
Trong bảng phân loại của SCImago các tạp chí được phân chia thành 4 loại về chỉ số Impact factor (IF) hay Journal impact factor (JIF) (số lượng trích dẫn (citation) trung bình theo năm của các bài báo khoa học (article) được xuất bản gần đây trên tạp chí đó): Q1: gồm các tạp chí chiếm vị trí cao nhất (thuộc top 25%); Q2: gồm các tạp chí chiếm vị trí trung bình cao (từ top 25% đến top 50%); Q3 gồm các tạp chí chiếm vị trí trung bình thấp (từ top 50% đến top 75%); Q4 gồm các tạp chí đứng ở vị trí thấp còn lại (bottom 25%).
Theo Nghiêm Huê/TPO
Bình luận (0)