Kỳ tuyển sinh năm 2010, những trường còn chỉ tiêu tuyển nguyện vọng 3 chủ yếu là các trường ngoài công lập và các trường ở địa phương. Trong đó có những ngành “hot” cũng tuyển không đủ chỉ tiêu. Vậy nguyên nhân từ đâu?
Rất đông thí sinh chờ nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển nguyện vọng 2 vào Trường ĐH Tôn Đức Thắng, đa số đều chọn khối ngành kinh tế – Ảnh: Như Hùng |
Nhìn lại thực tế tuyển sinh trong những năm qua, nhiều người phải giật mình với tốc độ mở ngành nhanh đến chóng mặt.
Số liệu thống kê sơ bộ cho thấy kỳ tuyển sinh năm 2009, cả nước có 423 cơ sở đào tạo ĐH, CĐ với hơn 4.300 ngành học. Bước sang kỳ tuyển sinh 2010, số cơ sở đào tạo ĐH, CĐ tăng lên khoảng 488 với hơn 4.500 ngành học. Chỉ sau một năm, số ngành học ở các trường ĐH, CĐ đã tăng lên gần 200 ngành.
Chạy theo số đông
Trong đó mười ngành học có nhiều cơ sở đào tạo nhất là: quản trị kinh doanh, kế toán – kiểm toán, nhóm ngành công nghệ thông tin, nhóm ngành ngoại ngữ, tài chính – ngân hàng, công nghệ kỹ thuật điện – điện tử, cơ khí, Việt Nam học, sư phạm giáo dục mầm non, sư phạm giáo dục tiểu học. Nếu dẫn thêm số liệu những năm trước đó sẽ thấy quá trình “tăng trưởng” số lượng ngành diễn ra một cách đều đặn và có dấu hiệu ngày càng nhanh hơn.
Tuy nhiên, điều đáng ngại là việc mở ngành một cách ồ ạt có vẻ đang chạy theo đáp ứng thị hiếu chọn ngành của thí sinh hơn là đáp ứng nhu cầu nhân lực cho xã hội.
Thực tế chọn ngành của thí sinh những năm qua cho thấy dù công tác hướng nghiệp đã có tác động nhiều đến động cơ chọn ngành thi của thí sinh, nhưng cũng còn nhiều thí sinh chọn những ngành dễ học hoặc chọn những trường, ngành năm trước có điểm chuẩn thấp hay tỉ lệ thí sinh đăng ký dự thi trên chỉ tiêu thấp hoặc những ngành học mới để hi vọng cơ hội trúng tuyển cao hơn.
Trong đó, năm nhóm ngành thu hút thí sinh là kinh doanh 10,8%, đào tạo giáo viên 9,3%, kế toán – kiểm toán 8,4%, tài chính – ngân hàng – bảo hiểm 7,5%, ngôn ngữ và văn hóa nước ngoài 4,3%. Nhóm ngành kinh doanh gồm quản trị kinh doanh, marketing, kinh doanh quốc tế, kinh doanh/thương mại. Trong đó chỉ riêng ngành quản trị kinh doanh chiếm tỉ lệ 9,94%.
Phải chăng việc quy hoạch, quản lý và mở ngành đào tạo đang bị bỏ ngỏ, mạnh trường nào trường nấy làm, không cần tính đến nhu cầu, xu hướng phát triển? Theo quy trình, điều kiện và hồ sơ đăng ký mở ngành đào tạo trình độ ĐH, CĐ của Bộ GD-ĐT, ngoài quy định về đội ngũ giảng viên cơ hữu, về chương trình đào tạo, về cơ sở vật chất thì cơ sở đăng ký phải phân tích, chứng minh cơ sở khoa học về nhu cầu nguồn nhân lực này đối với xã hội và quy mô đào tạo trong từng giai đoạn.
Như vậy, căn cứ điều kiện thực tế, các đơn vị đăng ký mở ngành đã cam kết và dự báo được khả năng cung cầu về ngành nghề mà mình đăng ký. Nhưng thực tế, nhiều ngành đã tuyển không đủ chỉ tiêu. Thậm chí trong tuyển sinh vài năm gần đây, danh sách này còn có cả nhiều trường công lập. Và nguyên nhân được nêu ra lại là: nhu cầu xã hội, trình độ của người học hoặc dự báo của trường chưa sát với thực tế.
10 ngành đang được đào tạo nhiều nhất
Tên ngành
|
Số trường ÐH, CÐ đào tạo
|
Xếp hạng
|
Quản trị kinh doanh
|
360
|
1
|
Kế toán
|
298
|
2
|
Công nghệ thông tin
|
297
|
3
|
Ngoại ngữ
|
269
|
4
|
Tài chính – ngân hàng
|
193
|
5
|
Công nghệ kỹ thuật điện – điện tử
|
144
|
6
|
Cơ khí
|
108
|
7
|
Việt Nam học
|
87
|
8
|
SP giáo dục mầm non
|
82
|
9
|
SP giáo dục tiểu học
|
78
|
10
|
Gắn kiểm định với mở ngành
Để hạn chế đến mức tối thiểu tình trạng ngành mở ra nhưng không có người học, một trong những yêu cầu đầu tiên cần thực hiện là gắn việc kiểm định chất lượng với đăng ký mở ngành. Công tác này đã được triển khai tại ĐHQG TP.HCM những năm qua và đã mang lại kết quả khả quan.
Gần đây, các tiêu chí kiểm định được đưa vào điều kiện đăng ký đào tạo. Trong đó ngoài việc chứng minh về đội ngũ, nội dung, chương trình, cơ sở vật chất, cơ sở phải chứng minh được nhu cầu đào tạo, nhu cầu nguồn nhân lực, khả năng thu hút người học. Các tiêu chí này được dùng để xác định chỉ tiêu tuyển sinh của từng đơn vị, từng ngành học được giao nhiệm vụ đào tạo. Đối với các ngành khoa học cơ bản, chỉ tiêu được xây dựng theo nhu cầu thực tế và ĐHQG TP.HCM đầu tư để thu hút người tài vào học các ngành học cơ bản này.
Bên cạnh đó, nhiều trường đã áp dụng những giải pháp như điểm chuẩn chung theo khối thi, theo nhóm ngành. Giải pháp này đã giúp các trường vừa giải quyết được bài toán chỉ tiêu, vừa thu hút người học có năng lực và yêu thích ngành đã chọn. Bằng nhiều giải pháp, hiện nay số sinh viên trúng tuyển làm thủ tục nhập học tại các trường thành viên ĐHQG TP.HCM đạt 102% so với chỉ tiêu.
Ngoài ra, việc quy hoạch đào tạo, cân đối ngành nghề giữa các vùng miền, giao chỉ tiêu, đào tạo cần được quan tâm xuyên suốt ở nhiều cấp. Để thực hiện việc này, vai trò của địa phương rất quan trọng trong việc đưa ra các dự báo, phê duyệt cơ cấu ngành nghề trên địa bàn mình, gắn với các văn bản chỉ đạo về quy hoạch và phát triển nguồn nhân lực trên một số lĩnh vực và quy hoạch các vùng kinh tế trọng điểm, phát huy vai trò của các trung tâm dự báo nguồn nhân lực.
TS LÊ THỊ THANH MAI (ĐHQG TP.HCM)
Tuổi Trẻ
Bình luận (0)