Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Trung tâm học tập cộng đồng TPHCM: “Lượng” rộng, “chất” hẹp

Tạp Chí Giáo Dục

Trung tâm học tập cộng đồng (TTHTCĐ) là loại thiết chế giáo dục thường xuyên được tổ chức trên địa bàn xã, phường và thị trấn, đặc biệt hữu ích với những lao động không có điều kiện tới trường chính quy; những người nghèo rất ít có cơ hội học tập. Tuy nhiên, hoạt động của TTHTCĐ hiện nay tại TPHCM, nơi sớm có mô hình độc đáo này cũng mới phát triển về mặt số lượng…
Thiếu sự quan tâm
Theo thống kê, hiện tại TPHCM có tổng cộng 250 TTHTCĐ trên tổng số 322 phường, xã. Ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM, cho biết: “Tỷ trọng phủ sóng TTHTCĐ chỉ đạt 79%, trong khi đó mục tiêu năm 2010 phải phủ kín 322 phường xã của TP”.

Một lớp học về kỹ năng làm cha mẹ của phụ huynh.

Ông Nguyễn Văn Hanh, Chủ tịch Hội Khuyến học TP, nhận định: “Thực tế toàn thành phố mới chỉ xây dựng được 250 TTHTCĐ trên tổng số 322 phường xã, thị trấn. Số trung tâm có cơ sở vật chất riêng chỉ chiếm 1/10, nội dung hoạt động còn nghèo nàn, hiệu quả chưa cao. Một số trung tâm chỉ thành lập cho có rồi bỏ đó vì không có người đến sinh hoạt”.

TS Hồ Thiệu Hùng, Viện Nghiên cứu giáo dục TP, phân tích: Hoạt động của TTHTCĐ nằm trong hoạt động giáo dục thường xuyên (GDTX), nhưng hiện nay chưa có mục chi ngân sách riêng cho GDTX (sau khi chi ngân sách cho THPT, phần dư ra mới chi cho GDTX). Kinh phí ban đầu được chi cho TTHTCĐ (từ năm 2003) là 30 triệu đồng/năm, hỗ trợ 2 triệu đồng/năm kinh phí hoạt động thường xuyên của trung tâm. Với mức “đầu tư” như thế, TTHTCĐ khó hoạt động hiệu quả và đem đến cho người dân các cơ hội học tập phong phú.
Thiếu cơ hội học tập
Hiện nay, TPHCM có hàng ngàn trường học và trung tâm văn hóa ngoài giờ với nhiều phương tiện hiện đại, nội dung học tập phong phú, nhưng trên thực tế cơ hội học tập cho người dân rất ít, đặc biệt là 3/4 dân số trưởng thành. Theo khảo sát của Hội Khuyến học TPHCM trong đề tài “Xây dựng xã hội học tập tại TPHCM”, cứ 100 người có 35 người không được học; 100 người trong tuổi lao động có đến 40 người mù chữ. Đặc biệt, nhiều người 35 tuổi, vẫn còn trong diện lao động lại nằm ngoài diện xóa mù chữ. TS Hồ Thiệu Hùng nêu lên một thực trạng gây trở ngại trong việc xây dựng xã hội học tập tại TPHCM là trường phổ thông lại “đóng cổng” với người lớn tuổi.
TS Hùng nói: “Trường phổ thông có khả năng chứa hàng chục lớp học, hàng trăm ngàn chỗ học nhưng chỉ mở cửa ban ngày, làm việc ban ngày, còn đêm đến dành cho các trung tâm văn hóa ngoài giờ để có thêm khoản thu bù thu chi. Người học phải bỏ chi phí mới được đi học. Những lao động không có điều kiện tới trường chính quy; những người nghèo, những người trong các nhóm yếu thế rất ít có cơ hội học tập. Tìm đến TTHTCĐ thì cơ sở vật chất thiếu thốn, chương trình học tập không có.
Trước đây, năm 2004, TPHCM triển khai dự án thí điểm chuyển đổi trường học thành TTHTCĐ và huyện Cần Giờ đã chọn 2 trường THPT Bình Khánh và Cần Thạnh làm thí điểm. Trường Bình Khánh nằm ngay bến phà, tức đầu huyện; còn Trường Cần Thạnh nằm phía cuối huyện. Hai đầu mối này sẽ dễ dàng lan tỏa đi những trường và xã khác thuộc huyện. Mô hình “2 trong 1” này không những không làm thay đổi hệ thống trường lớp hiện có, mà còn tận dụng mọi điều kiện hiện có để phục vụ các đối tượng đông hơn với những nhu cầu học tập đa dạng hơn. Việc kết hợp này mang rất nhiều ý nghĩa, làm cho học sinh chính quy thấy được đối tượng học tập còn là những người xung quanh mình, là cha mẹ, anh em…, từ đó các em có động lực học tập nhiều hơn. Đáng tiếc mô hình này chưa được nhân rộng ở nhiều địa phương.

Hướng đến xã hội học tập: không dễ

Hiện TPHCM đã hoàn thành phổ cập giáo dục. Tuy nhiên, theo đánh giá của Hội Khuyến học TP trong đề tài “Xây dựng xã hội học tập tại TPHCM, thực trạng-mô hình-giải pháp”; xây dựng xã hội học tập (XHHT) khó gấp nhiều lần phổ cập giáo dục. Theo TS Hồ Thiệu Hùng: “Xây dựng một XHHT giống như chúng ta vươn tới đỉnh Everest, còn việc hoàn thành phổ cập giáo dục chỉ mới ở chân đỉnh mà thôi”.
Tại TPHCM, vừa qua Sở KH-CN TPHCM đã nghiệm thu đề tài nghiên cứu khoa học “Xây dựng xã hội học tập tại TPHCM, thực trạng-mô hình-giải pháp”. TS Hồ Thiệu Hùng, cố vấn đề tài này, cho biết: “Đề tài được viết theo đơn đặt hàng của Thành ủy TPHCM. Kết quả đề tài nghiên cứu đã được Sở KH-CN đánh giá xuất sắc. Đề tài đã được báo cáo trước Hội Cựu giáo chức TPHCM và dự kiến sắp tới sẽ báo cáo lên Thành ủy và HĐND TP”.
Từ thực trạng của việc xây dựng XHHT hiện nay tại TPHCM, nhóm tác giả nghiên cứu đề tài khoa học “Xây dựng xã hội học tập tại TPHCM” của Hội Khuyến học TP đã đưa ra giải pháp: TPHCM cần tổ chức bộ máy điều hành xây dựng XHHT từ cấp ủy đến cấp ngành, mà trong đó vai trò của ban chỉ đạo xây dựng XHHT đóng vai trò “nhạc trưởng”. Đặc biệt, kiến nghị đến Thành ủy, UBND TPHCM về việc tăng cường đầu tư ngân sách cho sự phát triển của TTGDTX, dạy nghề, TTHTCĐ ở các phường, xã, thị trấn và hỗ trợ kinh phí cho Hội khuyến học cấp phường xã.
Trước nhu cầu phát triển hướng đến xã hội hóa học tập, trong năm học 2010 – 2011, Bộ GD-ĐT sẽ tổ chức thí điểm “Lễ hội học tập suốt đời” và “Thành phố học tập” nhằm tiếp tục phát huy kết hợp giữa văn hóa – học nghề, thu hút và tạo điều kiện cho mọi người đều có thể tham gia mô hình xã hội hóa giáo dục. Từ đó rút ngắn khoảng cách phân hóa kiến thức trong xã hội. Đây là một trong những giải pháp cấp thiết thực hiện Chỉ thị 11 (ngày 30-4-2007) của Chính phủ và đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2011-2015” do Bộ GD-ĐT triển khai. Mục đích, mô hình sẽ được phát triển nhân rộng tới các tỉnh thành trên toàn quốc, hướng tới một XHHT toàn diện, góp phần thúc đẩy công cuộc xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế chung của đất nước.

NGUYỄN THỦ / SGGP

 

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)