Một tiết học môn văn tại Trường THPT Mạc Đĩnh Chi với phần “làm chủ” của HS (ảnh mang tính minh họa). Ảnh: T.L
|
Ở bậc THPT không thể để xảy ra tình trạng đọc -chép, nhất là ở bộ môn ngữ văn. Bởi học sinh (HS) không còn nhỏ tuổi nên có thể vận dụng tốt thao tác vừa nghe vừa ghi chép. Muốn vậy giáo viên (GV) phải biết “mô hình hóa” các kiến thức cần truyền đạt để HS hiểu bài, từ hiểu bài các em có thể diễn lại nội dung bằng lời văn. Theo đó, GV trình bày các ý quan trọng bằng cách ghi hệ thống đề mục, chép từng từ quan trọng, cốt lõi. Khi giảng văn tác phẩm Tuyên ngôn độc lập, GV ghi tựa bài, sườn bài. Phần tìm hiểu chung nếu cho HS ghi toàn bộ tiểu sử tác giả thì quá dài và đã có trong SGK nên chỉ ghi chọn lọc các chi tiết về Hồ Chí Minh như đặc điểm con người, quê quán, quá trình hoạt động cách mạng, nhất là phong cách sáng tác văn chính luận. Phần hoàn cảnh sáng tác, SGK đã trình bày rõ nên GV chỉ cần khoanh tròn ý hoặc gạch chân dưới những từ quan trọng để HS nắm kiến thức trọng tâm. Các em có thể liên hệ với bài Nguyễn Ái Quốc đã học trước đó. Ở phần mục đích sáng tác, thay vì cho các em ghi ý thì GV nên đặt câu hỏi để HS tìm được 2 mục đích chính. Nếu GV muốn mở rộng thì cho các em ghi bổ sung thêm ý của thầy cô. Đọc hiểu văn bản là một trong những kiến thức của bài giảng văn nên GV yêu cầu cả lớp đọc và xác định luận điểm bằng cách ghi lên bảng. Để gợi mở, GV cho các em nghiên cứu tiếp phần hướng dẫn học bài sau văn bản. Tuy nhiên đây là những câu hỏi lớn nên người dạy phải cụ thể hóa nội dung câu hỏi để gợi cho HS trả lời đúng hướng. Một con đường khác là GV dựa vào phần kết quả cần đạt để hướng HS xoáy vào trọng tâm bài học. Có thể nói đây là phần tiện lợi nhất của SGK mới mà SGK cũ không có được. Cũng không nên đọc cho HS chép ở phần chủ đề mà thông qua phần ghi nhớ các em có thể rút tỉa ra được chủ đề tư tưởng của tác phẩm. Ở cấp độ cao hơn là GV so sánh phần ghi nhớ với kết quả cần đạt vừa để HS nắm kiến thức vừa để các em chốt lại kiến thức trọng tâm.
Phần phân tích văn bản để tránh tình trạng GV đọc nhiều, HS chép nhiều thì chúng ta nên ghi theo dạng sơ đồ. Khi dạy bài Khái quát Văn học Việt Nam ở khối 10, GV vẽ theo sơ đồ nhánh cây: Văn học (VH) dân gian và VH viết. Ở VH dân gian cũng chia theo sơ đồ: Nguồn gốc, thể loại, thành phần… Chi tiết hơn, mục thành phần cũng vẽ các “nhánh cây”: Truyện dân gian, thơ dân gian, ca dao dân gian, kịch dân gian.
Sang phần VH viết, GV cũng đi theo mô hình đó giúp HS hình dung những kiến thức trừu tượng một cách cụ thể hơn. Ba thành phần của VH viết là VH chữ Hán, VH chữ Nôm, VH chữ quốc ngữ. Ngoài ra GV cũng tìm cho được mối quan hệ và tác động qua lại giữa các thời kỳ văn học, giữa các bộ phận VH và thành phần VH.
Một dẫn chứng khác, trong bài thơ Việt Bắc, nếu dạy theo tuần tự kiến thức thì bài rất dài, HS khó nhớ lại càng không thể đọc – chép được. Vì thế GV phải biết tổ chức một sườn bài khoa học, thật cụ thể và rõ ràng. Ví dụ phần đọc – hiểu: “Câu trả lời của người ra đi” phải nêu được không gian, thời gian và hành động của “ta” đối với “mình” và ngược lại. Dựa vào bài thơ, HS sẽ tìm các từ biểu thị tâm trạng của người cán bộ cách mạng trước lúc chia tay: Bồn chồn, bâng khuâng, thiết tha… Các từ đó thể hiện thái độ: Lo âu, buồn, nhớ, lưu luyến, vui… Trên cơ sở đó, GV giải thích cụ thể và nêu lý do từng tâm trạng đó để HS hiểu sâu hơn các cung bậc tình cảm của nhân dân Việt Bắc và người cán bộ cách mạng trong giây phút chia ly. GV đặt câu hỏi và dẫn dắt HS trả lời những nội dung trên để bài giảng luôn sinh động và có thêm nhiều hứng thú.
Lê Kim Mai
(GV Trường THPT Võ Thị Sáu, TP.HCM)
Bình luận (0)