Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Diễn đàn Đổi mới phương pháp dạy học: “Làm sao tránh đọc – chép?”: Tiết học cần có không gian gần gũi

Tạp Chí Giáo Dục

Giáo viên phải luôn khuyến khích HS phát biểu để tiết học thêm sinh động, hào hứng (ảnh minh họa). Ảnh: T.Tri

Theo tôi, trong giờ học giáo viên không để học sinh (HS) ghi chép nhiều vì vừa mất thời gian vừa không giúp cho các em tự hiểu bài và khó vận dụng kiến thức đã học từ thầy cô. Trong giờ học cần tạo tinh thần thoải mái cho cả lớp và dành cho HS một không gian thân thuộc, gần gũi để các em đắm mình trong tiết học. Làm sao từ vừa học vừa chơi, các em có cảm tình và “bén duyên” với bộ môn, không còn sợ và ngán mà lúc nào cũng chờ đến tiết học. Khi học xong lại có cảm giác thèm thuồng, nuối tiếc vì thấy bài học quá ngắn và đi qua quá nhanh. Ở tiết học trước, ngay từ khâu chuẩn bị giáo viên có thể cung cấp một vài thông tin cho HS bằng cách hướng dẫn các em tìm kiếm thông tin từ internet, sách báo nói chung… là những tư liệu ngoài bài học. Điều này tuy đơn giản nhưng lại có tác dụng lớn trong việc khuyến khích HS yêu thích môn học, không chỉ bổ sung kiến thức trong nhà trường mà còn biết ứng dụng kiến thức trong cuộc sống. Những bài học ấy sẽ có lực hấp dẫn làm cho HS thêm hứng thú và tránh tình trạng các em lúc nào cũng cứ chăm chăm lo ghi chép như một cái máy. HS bậc THCS thường thích vui chơi, hiếu động nên giáo viên phải thiết kế giờ học cho phù hợp tâm lý lứa tuổi để hạn chế từng nhược điểm và phát huy tất cả ưu điểm của các em. Ngược lại, nếu giáo viên hướng dẫn không phù hợp thì các em dễ bị ức chế, sợ học rồi kéo theo các tâm lý khác như không thích phát biểu, không chịu tham gia vào tiết học.
Khi tạo “sân chơi” trong tiết học, giáo viên phải biết sắp xếp thời lượng vừa đủ, không lạm dụng thái quá. Nếu không biết dừng đúng lúc để các em vui quá sẽ gây mất trật tự và dễ cháy giáo án, biến giờ học thành giờ chơi thì không chấp nhận được. Những tiết học theo kiểu kể chuyện có minh họa, sân khấu hóa luôn mê hoặc các em như tiểu phẩm Sọ Dừa, Tấm Cám, Con Rồng cháu Tiên ở khối 6 và 7; truyện ngắn Chiếc lược ngà ở khối 8 và 9. Hoạt cảnh cha con ông Sáu và bé Thu chia tay thường được các em dàn dựng công phu, sinh động và có cảm xúc.
Có thể xây dựng bài giảng bằng cách động viên HS chăm phát biểu giúp các em tiếp thu bài nhanh chứ không thụ động ngồi ghi chép, thầy nói gì trò ghi nấy. Tạo cho các em ham thích sưu tầm tư liệu cũng là một cách tự học. Và khi sở trường được phát huy thì các em học bài phấn khích, nhớ bài dai, mau hiểu. Ngoài ra, giáo viên khi nhận xét nên nói giảm nói tránh bằng câu: “Em trả lời chưa đúng” chứ không nói: “Em trả lời sai” thường làm cho các em bị “quê”. Khi giáo viên ra câu hỏi mà trong lớp không có ai giơ tay thì có thể khuyến khích: “Các em cứ phát biểu sai cũng không sao, có gì thầy cô sửa” và cần thiết thì gợi ý cho điểm cộng. Phần ghi băng thật khoa học và ngắn gọn, kiến thức nào có trong SGK như phần đọc-chú thích, đọc-hiểu văn bản thì mở ngoặc lưu ý SGK. Giáo viên vừa giảng vừa tạo thuận lợi cho cả lớp ghi vào tập như ghi tóm tắt trên bảng, HS tự ghi theo gợi ý của thầy kết hợp với nghe giảng.
Khi thảo luận thì chia theo tổ với 2 câu hỏi để HS làm việc trên giấy, sau đó mời đại diện lên thuyết trình. Thảo luận cũng là cách ghi chép trong đầu nhưng sinh động hơn, nhớ lâu hơn.
Dư Thị Phượng
(GV Trường THCS Bình Quới Tây, Bình Thạnh)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)