Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Bộ sách “Chào lớp Một” không phải là sách giáo khoa

Tạp Chí Giáo Dục

GS Nguyễn Minh Thuyết, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đã chỉ ra những vấn đề quanh bộ sách “Chào lớp Một” rất sâu sắc, phóng viên xin trân trọng gửi đến độc giả bài viết của GS. 


“Đưa sách vào trường chưa qua thẩm định không khác gì cho trẻ uống hoặc tiêm thuốc chưa qua thẩm định của Bộ Y tế”. (Ảnh minh họa)
Tôi hoan nghênh nhiệt tâm của nhóm tác giả “Cánh buồm” đã trình làng bộ sách giới thiệu một cách dạy học riêng ở tiểu học. Tuy nhiên, cần nói ngay rằng bộ sách “Chào lớp Một” không phải là sách giáo khoa. Mặc dù các tác giả đã đưa sách vào dạy thử nghiệm nhưng trong bộ sách không có chỗ nào khẳng định đây là sách giáo khoa. Việc gọi nhầm “sách giáo khoa” là do một số tờ báo. Điều 29 Luật Giáo dục (2005, sửa đổi, bổ sung năm 2009) quy định về sách giáo khoa như sau: “Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành chương trình giáo dục phổ thông; duyệt và quyết định chọn sách giáo khoa để sử dụng chính thức, ổn định, thống nhất trong giảng dạy, học tập ở các cơ sở giáo dục phổ thông… trên cơ sở thẩm định của Hội đồng quốc gia thẩm định chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa”. Để thực hiện đúng luật, việc đưa bộ sách “Chào lớp Một” vào trường học, kể cả dạy thử nghiệm, cần phải có chủ trương, kế hoạch của Bộ GD&ĐT trên cơ sở ý kiến của một hội đồng thẩm định cấp quốc gia. 
Về mặt nội dung, bộ sách “Chào lớp Một” thiếu một môn quan trọng là Toán. Tôi không rõ vì sao các tác giả xuất thân từ Trung tâm Công nghệ giáo dục (Viện Khoa học giáo dục Việt Nam) lại bỏ lỡ cơ hội giới thiệu môn học quan trọng nhất của mình như vậy ? Phải chăng vì môn Toán của Trung tâm quá nặng, không áp dụng đại trà được ?
Ở góc độ chuyên môn của mình, tôi chỉ có thể nhận xét về ba quyển “Sách học tiếng Anh lớp 1”, “Sách học tiếng Việt lớp 1” và “Sách học văn lớp 1”.
Ngay từ mấy trang đầu, quyển sách Tiếng Việt lớp 1 đã dạy những nội dung quá cao xa và không thiết thực như thế này: “Đại cương: Phương pháp học ngôn ngữ.” “Áp dụng phương pháp nghiên cứu ngôn ngữ”, “Vật vô tri không có hoạt động ngôn ngữ”, “Em làm cách gì để biết chắc: Hòn đá không có hoạt động ngôn ngữ?” / Cái cây không có hoạt động ngôn ngữ? / Con vật không có hoạt động ngôn ngữ? / Con người có hoạt động ngôn ngữ? / Các dân tộc có ngôn ngữ khác nhau? / Người trên thế giới có ngôn ngữ khác nhau?”. Gần như toàn bộ 29 chữ cái tiếng Việt và cả một số chữ ghép 2, 3 chữ cái như ch, kh, ph, gh, ngh được giới thiệu trong một bài, mỗi trang sách dạy từ 5 đến 6 chữ, không hiểu học sinh làm thế nào để tiếp thu được, rồi tập viết thế nào. Sách có quá nhiều từ ngữ khó, ví dụ : húy kị, quản lí, quản trị, khủng hoảng, co- ran (kinh co-ran), ba- dan… Bài cuối năm yêu cầu học trò lớp một phải tự đặt một bài đồng dao hay viết một bức thư. Điều này quá khó đối với trẻ em lớp một.
Đường lối dạy tiếng Anh của nhóm “Cánh buồm” cũng tương tự tiếng Việt. Sách không mở đầu bằng một tình huống giao tiếp nào, không tập trung phát triển các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết cho học sinh như sách dạy ngoại ngữ bây giờ, mà trình bày những sự khác nhau giữa tiếng Anh với tiếng Việt, trong khi học sinh không biết tiếng Anh, thậm chí còn chưa đọc được tiếng Việt. Thời trẻ, tôi đã từng học những quyển sách tiếng Nga, tiếng Anh hướng dẫn rất kĩ về cách phát âm từng âm, về danh từ, động từ, mẫu câu v.v… Kết quả, tôi biết khá nhiều kiến thức nhưng không nghe, nói được. Cách dạy như vậy gọi là dạy theo quan điểm cấu trúc, đã bị loại bỏ từ cách đây nửa thế kỷ. Hầu hết sách dạy ngoại ngữ bây giờ đều dạy theo quan điểm giao tiếp, nhằm phát triển 4 kỹ năng nghe, nói, đọc, viết cho học sinh.
Như vậy, có thể nói đường lối dạy ngoại ngữ (tiếng Anh) và tiếng mẹ đẻ (tiếng Việt) của nhóm “Cánh buồm” rất lạc hậu.
So với hai quyển trên, sách dạy Văn có khá hơn. Sách áp dụng trò chơi đóng vai như SGK Tiếng Việt hiện hành. Nhưng vẫn có những yêu cầu cao quá như đòi hỏi trẻ phải vào vai để hiểu chiến tranh, vào vai để hiểu tranh dân gian, hiểu chú Tễu v.v…
Đến nay, bộ sách "Chào lớp Một" đã được đưa vào dạy ở một trường tiểu học ở Hà Nội nhưng Bộ GD&ĐT vẫn chưa có ý kiến gì. Trách nhiệm quản lý nhà nước đòi hỏi Bộ GD&ĐT phải tổ chức thẩm định để chỉ đạo việc sử dụng bộ sách, vì đưa sách vào trường chưa qua thẩm định không khác gì cho trẻ uống hoặc tiêm thuốc chưa qua thẩm định của Bộ Y tế. Thẩm định cũng là một cách giúp nhóm Cánh buồm hoàn thiện bộ sách của mình.
GS Nguyễn Minh Thuyết / Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa,
Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội

Dân Trí

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)