Khoản chi ngân sách của bậc tiểu học mỗi nơi mỗi kiểu và bị rơi rụng khi đến tay học sinh; nhiều khoản thu từ cha mẹ học sinh cũng cao quá quy định. Xem ra việc chi tiêu công ở bậc tiểu học vẫn còn lắm… rắc rối.
Đây là những thông tin từ bản “Khảo sát chi tiêu công dành cho giáo dục tiểu học ở Việt Nam” do Bộ Tài chính, Bộ GD-ĐT, Công ty Tư vấn Mê Kông Việt Nam, Tập đoàn tư vấn Nordic Na-Uy thực hiện và công bố tại Hà Nội ngày 13/10.
Mỗi nơi, mỗi kiểu
Bản khảo sát cho thấy 72% chi tiêu công bậc tiểu học đã tới các trường. Tuy nhiên, mức độ phân bổ nguồn ngân sách nhà nước lại có sự chênh lệch giữa các địa phương. Hơn nữa, số tiền này “rót” đến cập huyện rồi rơi rụng dần khi đến cấp trường. Chẳng hạn, tỉnh Đồng Nai, ở cấp huyện, trung bình mỗi học sinh được 1.486.012 đồng nhưng đến cấp trường còn là 1.036.818 đồng. Ở tỉnh Lào Cai, mỗi học sinh cấp huyện là 2.706.993 đồng nhưng khi xuống đến cấp trường chỉ còn 2.253.212 đồng. Tính trung bình hiện nay, chi tiêu ngân sách nhà nước dành cho học sinh tiểu học cấp huyện là 1.994.397 đồng về đến cấp trường còn 1.606.076 đồng.
Các khoản phí do cha mẹ học sinh đóng góp cũng chệnh lệch giữa các địa phương. Hiện nay, phí theo quy định ở nông thôn khoảng 5.000 – 50.000 đồng, khu vực thành thị 28.000 – 70.000 đồng, còn các trường ở miền núi không thu phí. Tuy nhiên, việc thu phí dưới hình thứ tự nguyện đóng góp khiến đầu năm các bậc phu huynh phải đóng khá nhiều khoản. Việc xây dựng và duy trì cơ sở vật chất có mức cơ bản từ 70.000 – 180.000 đồng, nhưng nhiều trường thu 270.000 – 600.000 đồng.
Bản khảo sát cũng cho thấy, lương là chi phí thường xuyên cơ bản trong chi tiêu công. Tuy nhiên tỷ lệ % trên tổng mức chi cơ bản giữa các tỉnh cũng khác nhau. Chẳng hạn Đồng Tháp là 65%; Đồng Nai 67%; Gia Lai 78%; Lào Cai 67%; Quảng Ngãi 77%, trong khi Hải Phòng chỉ có 59%.
Việc thu chi ở bậc tiểu học còn chưa công khai. (Ảnh chỉ mang tính minh họa). Ảnh: Như Ý
|
Có nên coi “lạm thu” là tham nhũng?
Đồng ý việc nhiều khoản thu trong nhà trường không theo quy định, tuy nhiên ông Bùi Hồng Quang, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính, Bộ GD-ĐT vẫn đưa ra câu hỏi: “Chúng ta có nên xem đó có phải là tham nhũng hay không, vì phải xem chi vào đâu? Thầy cô chia nhau hay dùng tiền mua trang thiết bị, sửa nhà vệ sinh cho các cháu thụ hưởng?”.
Trong khi đó, một đại diện thuộc ngành giáo dục TP HCM, cho biết nhiều phụ huynh sẵn sàng đóng góp để trường lớp khang trang, hiện đại hơn. Tuy nhiên, do chính sách hiện hành của Bộ GD-ĐT “đánh đồng” các trường khiến nhà trường bị xã hội cho là thu sai chính sách.
Bà Trần Thị Thắm, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học, Bộ GD-ĐT lại khẳng định, Bộ GD-ĐT rất quan tâm đến các khoản thu ngoài quy định của Nhà nước và đã đề nghị các trường phải công khai từ nguồn ngân sách được cấp, chi tiêu cho những nội dung gì, thu của phụ huynh bao nhiêu và chi vào đâu? “Ngay đầu năm học, Bộ đã có hai công văn chỉ đạo các khoản thu từ cha mẹ học sinh. Vừa rồi Bộ đi kiểm tra 11 tỉnh và đã kịp thời chấn chỉnh những địa phương có biểu hiện chưa tốt”, bà Thắm nói.
Bình luận (0)