Gần 860 tỉ đồng đã được chi để đào tạo hơn 2.000 sinh viên theo học các chương trình tiên tiến trong vòng 5 năm qua.
Tại hội nghị sơ kết triển khai đào tạo theo chương trình tiên tiến (CTTT) tổ chức ngày 19-10 tại Hà Nội, Bộ GD-ĐT cho biết các ngành thuộc khối kinh tế có số lượng sinh viên (SV) tuyển vào học khá cao (từ 60 – 80 SV/khóa), các ngành thuộc khối kỹ thuật có số lượng SV ở mức trung bình (khoảng 30 – 45 SV /khóa). Một số ngành SV theo học CTTT thấp, như ngành vật lý của Trường ĐH Huế (chỉ có 22 SV) hoặc khoa học vật liệu của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, ngành hệ thống năng lượng của Trường ĐH Bách khoa TPHCM…
Sinh viên Khoa Xây dựng Trường ĐH Bách khoa TPHCM trong một giờ thực hành. Ảnh: TẤN THẠNH
Càng về sau càng teo tóp
CTTT là chương trình do các trường ĐH xây dựng trên cơ sở chương trình đào tạo của các trường ĐH tiên tiến trên thế giới (chương trình gốc) với nguyên tắc bám sát nội dung đào tạo, phương pháp giảng dạy, tổ chức quản lý đào tạo… Việc đào tạo theo CTTT được triển khai thí điểm từ năm 2006, được phê duyệt chính thức năm 2008, đến nay cả nước đã có 23 trường ĐH của VN hợp tác với 22 trường ĐH trên thế giới để triển khai thực hiện 35 CTTT.
Trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm thuộc ĐH Huế cho biết càng về sau, số lượng SV đăng ký theo học CTTT càng giảm. Lý do thì nhiều nhưng rõ nhất là vì giảng dạy bằng tiếng Anh, mà học bằng tiếng Anh thì SV dự tuyển phải có ngoại ngữ. Thực tế, tiếng Anh của SV không tốt, trường phải dạy tới 600 tiết tiếng Anh, các em mới có đủ trình độ theo học. Trong khi đó, cơ hội tiếp cận học sau ĐH tại nước ngoài không có nên không thu hút được SV. Lý giải về việc ngành khoa học vật liệu không thu hút được SV, ông Nguyễn Cảnh Lương, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, cho biết ngành này khó tuyển vì không hấp dẫn thí sinh, ngay cả nếu tuyển đại trà thì đây cũng là một ngành có ít thí sinh nộp đơn.
Thiếu tiền mời giáo sư nước ngoài
Không chỉ có SV “chê” CTTT mà chính lãnh đạo các trường cũng băn khoăn với chương trình này. Theo ông Trương Chí Hiền, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa TPHCM, khi xây dựng CTTT, các trường đều muốn có thương hiệu mạnh, tức là phải có đội ngũ giáo viên mạnh và người học phải có trình độ nhất định.
Mục tiêu của CTTT là bảo đảm những khóa đầu 100% các môn học do giảng viên nước ngoài tham gia giảng dạy, tuy nhiên thực tế không phải trường nào cũng mời được 100% giáo sư nước ngoài. Nguyên nhân, theo các trường, là do trường đối tác đòi hỏi kinh phí quá cao hoặc các giáo sư nước ngoài không sắp xếp được thời gian. Hiện nay, số lượng giảng viên nước ngoài tham gia giảng dạy CTTT khóa tuyển sinh 2006 chỉ đạt trên 50% so với kế hoạch của các trường.
Lãnh đạo Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng cho biết mỗi đợt mời giáo sư nước ngoài phải tốn 120-180 triệu đồng, với kinh phí này, trường không có nổi để liên tục mời. Trước khó khăn này, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội chỉ mời được 9 lượt giảng viên cho 2 CTTT trong 3 khóa; ĐH Cần Thơ 2 khóa mời được 16 lượt giảng viên; nhiều trường chỉ mời được 30%-40% giảng viên nước ngoài tham gia giảng dạy theo kế hoạch…
Cần đồng hướng lợi ích
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận cho rằng CTTT bước đầu còn non yếu, mới mẻ, cần vừa làm vừa học nên phải có sự đỡ đầu, đầu tư thích đáng. Cũng theo ông Luận, không thể có CTTT xuất sắc ngay lập tức nhưng cũng không nên kéo dài sự non yếu mãi mà lâu dài phải sống được, sống tốt, thậm chí thành nhân tố đầu tàu để kéo những toa tàu khác. Ông Luận yêu cầu CTTT cần phải có khả năng nhân rộng, từ 35 chương trình này nhân rộng ra các chương trình khác, ra các trường khác…
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cũng nhất trí cao với quan điểm này. Tuy nhiên, Phó Thủ tướng nhấn mạnh rằng vấn đề rất quan trọng của CTTT là tạo được sự đồng hướng lợi ích. Đổi mới mà không tạo được đồng hướng lợi ích của giáo viên, nhà trường, SV, xã hội thì không bền vững, không duy trì được. Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cũng đưa ra những gợi ý cho các trường trong việc triển khai CTTT, trong đó nhấn mạnh đến việc quảng bá rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng về CTTT, lên chiến lược thu hút SV nước ngoài để thu hút SV vào học, công nhận tín chỉ lẫn nhau để trao đổi SV với các trường nước ngoài, nâng cao trình độ tiếng Anh cho SV lẫn giảng viên VN…
Tồn tại được đã là may!
Lãnh đạo bộ mong muốn như vậy nhưng lãnh đạo các trường không phải ai cũng mặn mà với việc nhân rộng mô hình này. Ông Ngô Đắc Chính, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm thuộc ĐH Huế, cho rằng nếu kinh phí Nhà nước không được nhiều mà rải đều ra các trường thì sức lan tỏa chậm, không hiệu quả, vì vậy tốt nhất trường nào đã làm rồi thì nên tập trung đầu tư tiếp 2, 3 CTTT.
Ông Nguyễn Đức Nghĩa, Phó Giám đốc ĐH Quốc gia TPHCM, cũng cho rằng muốn làm cho lan tỏa mà cứ chờ tiền từ bộ thì không thể lan tỏa được, tồn tại là may rồi. Muốn lan tỏa được, các trường phải tự vận động.
|
Yến Anh / NLĐ
Bình luận (0)