Những buổi sinh hoạt văn hóa văn nghệ (như trong ảnh) không nhất thiết phải do hiệu trưởng chỉ đạo. Ảnh: T.L |
Tiêu chuẩn cụ thể về mẫu người hiệu trưởng toàn năng? Theo tôi, mỗi người quản lý đều có thế mạnh và sở trường của mình, cũng như những mặt còn hạn chế, người quản lý giỏi phải là người biết cầu toàn, lắng nghe ý kiến đóng góp của tập thể, đồng nghiệp… để luôn hoàn thiện bản thân, cũng như hoàn thành thuận lợi công việc của mình.
Theo tôi thì trong quản lý, để vừa hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình và được sự đồng thuận của tập thể, của mọi người thì người lãnh đạo nên dung hòa tính cách của cả hai vị hiệu trưởng A và B như trong đề thi đã nêu.
1. Với cách làm việc của người hiệu trưởng A, mọi người thấy rằng ông là một hiệu trưởng nhiệt tình, tích cực và năng động, là người rất lo lắng đến công việc, luôn quan tâm tới mọi hoạt động của cơ quan. Chúng ta cần lắm một vị hiệu trưởng xăng xái như thế. Cũng do quá nhiệt tình mà ông không ngần ngại tham gia trực tiếp trong mọi công việc. Có lẽ do ông sợ người khác không làm được nên tự mình “xắn tay áo ra làm” cho xong mọi việc và xem ra ông cũng có nhiều năng lực.
Nhưng nếu cứ ôm đồm nhiều việc như thế thì liệu đến lúc nào đó ông có kiệt sức không? Ông đã bộc lộ cái tài năng, cái nhiệt tình ấy quá mức, đôi khi là không cần thiết, nên đã vô tình “chiếm” việc của mọi người, quên đi rằng sự thành công của một tập thể không thể chỉ xuất phát từ một hay một vài cá nhân. Hoạt động dạy và học trong nhà trường thường giao cho phó hiệu trưởng phụ trách chuyên môn, việc hiệu trưởng thường xuyên đi dự giờ góp ý cho giáo viên là tốt nhưng tránh dự giờ quá nhiều, có khi còn tạo nên “áp lực” cho nhiều giáo viên, đôi khi còn làm vai trò của phó hiệu trưởng phụ trách chuyên môn sẽ bị “lu mờ”.
Mọi người nhìn ông tích cực hăng hái, cho ông là người hiệu trưởng toàn năng (có khi ông tự nghĩ vậy?). Theo tôi, đã là cán bộ quản lý, hiệu trưởng phải biết chỉ đạo tầm xa, phân cấp công việc rõ ràng cho từng người, từng bộ phận để các cá nhân tự chịu trách nhiệm công việc của mình. Quan trọng là người thủ trưởng phải biết điều phối guồng máy trong cơ quan để lúc nào công việc cũng được giải quyết trôi chảy và trọn vẹn. Tuy nhiên, không phải cấp dưới nào cũng biết làm việc nên có khi hiệu trưởng còn phải “cầm tay chỉ việc” để anh em quen dần. Phải biết tin tưởng cấp dưới và phân công đúng việc, đúng sở trường của họ. Đừng mang tâm lý ngại giao việc cho anh em mà phải để cho họ trải nghiệm vì qua đó con người ta mới thành thạo và có thêm nhiều kinh nghiệm.
Chưa hết, với cách làm việc của ông sẽ dẫn đến thói ỷ lại trong đội ngũ cán bộ. Nếu ai cũng suy nghĩ rằng “việc ấy đã có hiệu trưởng lo” thì khó mà phát triển được một tập thể sư phạm tốt và vững mạnh. Người lãnh đạo phải biết đâu là việc cần làm và không nên làm, dù mình có thể làm được. Chúng ta có thể làm hết mọi công việc ở nhà vì đó là chuyện trong gia đình nhưng đến cơ quan lại khác, nhất là đối với cán bộ quản lý. Vì ở cơ quan có rất nhiều con mắt dòm ngó, trong đó có cán bộ, giáo viên, công nhân viên thuộc cấp của mình. Nên chăng, ông dành nhiều thời gian để hướng dẫn, động viên, lắng nghe và tạo mọi điều kiện để giáo viên hoàn thành công việc thì nhất định ông sẽ thành công với vai trò là “đầu tàu” của nhà trường.
2. Trái với cách làm việc theo lối ôm đồm ở trên còn nhiều tồn tại, thì phong cách của hiệu trưởng B cũng có nhiều điều cần bàn luận. Mặt mạnh của ông là biết phân định rõ công việc và trách nhiệm cho đội ngũ cấp dưới khiến họ tự chịu trách nhiệm với công việc, ông quản lý bằng kế hoạch, ngay việc chào cờ đầu tuần giao cho phụ trách Đội quán xuyến, công việc trong nhà trường diễn ra nhẹ nhàng, phát huy được tính chủ động của mọi người. Có điều ông chỉ biết nghe báo cáo của từng bộ phận mà quên mất công tác đôn đốc, kiểm tra – vốn là vai trò của người hiệu trưởng. Từ đó, ta có thể dễ dàng thấy rằng với cách làm việc của ông B thì chẳng bao lâu tập thể sư phạm sẽ đi vào lối mòn, trì trệ, thiếu sáng tạo trong mọi hoạt động. Quả là một cách làm quan liêu trong một thế giới đầy năng động như hiện nay.
Thêm một chi tiết góp phần “làm xấu” hình tượng của ông trước toàn trường “Giờ chào cờ đầu tuần ông cứ ung dung ngồi trong phòng uống nước. Tổng phụ trách cho học sinh xếp hàng đâu ra đấy, rồi trịnh trọng giới thiệu danh xưng của mình, ông mới thủng thẳng bước ra…”. Ngoài căn bệnh quan liêu, ông còn mang thêm căn bệnh hình thức, lễ nghi không cần thiết khi phải xuất hiện bất ngờ như một vị khách lạ giữa tràng pháo tay của người quen. Ông đã vô tình quên mất vai trò gương mẫu của mình, lẽ ra ông là người đến sớm nhất nhưng hóa ra ông lại là người trễ nhất. Trong thực tế, có nhiều hiệu trưởng suốt ngày chỉ ngồi uống nước trà, dự tiệc và lo công tác đối ngoại còn mọi việc tại trường đều phó mặc cho các thành viên khác trong ban giám hiệu. Có người còn nói đùa, hình như các hiệu trưởng này chỉ có mỗi một việc là… ký duyệt các loại giấy tờ.
Theo tôi, hiệu trưởng B cần hòa đồng với mọi người hơn và nhạy bén trong công tác đôn đốc, kiểm tra, biết lắng nghe, thấu hiểu ý kiến anh em thì hiệu quả công việc sẽ cao hơn.
Thực hiện chủ đề “Đổi mới công tác quản lý, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện”, vai trò của người hiệu trưởng càng được chú trọng nhiều hơn. Một người hiệu trưởng trong giai đoạn mới sẽ phải tự tìm cho mình cách ứng xử phù hợp để góp phần nâng cao chất lượng dạy và học trong nhà trường, người hiệu trưởng phải biết tổ chức, sắp xếp các hoạt động trong nhà trường, mạnh dạn giao việc cho các bộ phận và thường xuyên kiểm tra xem họ có gặp khó khăn, trở ngại nào cần giúp đỡ, giúp họ hoàn thành công việc một cách hiệu quả.
Lương Vân Yến
(GV Trường THCS Nguyễn Du, Gò Vấp)
Bình luận (0)