Nhiều trường mầm non từng đạt chuẩn quốc gia không muốn đề xuất kiểm tra và công nhận lại vì sĩ số lớp học đã vượt chuẩn.
Đến nay chỉ có 65 trong gần 800 trường mầm non tại TP.HCM được công nhận chuẩn quốc gia và trong giai đoạn sắp tới con số này khó có khả năng mở rộng. Bà Trần Thị Lệ, chuyên viên Phòng GD mầm non, Sở GD-ĐT cho biết: “Hiện nay, các trường đều đã vượt qua khó khăn về trình độ giáo viên. Nhưng trở ngại duy nhất và vô cùng khó thực hiện đó là diện tích và sĩ số lớp học”.
Trường Mầm non Bến Thành (Q.1, TP.HCM) luôn quá tải từ nhiều năm nay – Ảnh: B.Thanh
Ngay trong Q.1, nơi được xem là nơi có nhiều trường tốt của TP nhưng các cấp lãnh đạo vẫn không đủ tự tin có thêm trường đạt chuẩn. Bà Lê Thị Lan, Phó phòng GD quận tâm tư: “Tính đến nay quận mới chỉ có 3/24 trường đạt chuẩn quốc gia. Thực tế cho thấy sắp tới cũng khó có trường nào
“Với tình hình sĩ số như hiện nay, xét theo đúng quy trình thì các trường sẽ bị rút công nhận hết”
Bà Tôn Nữ Kim Anh, |
đạt được danh hiệu này. Năm học mới quận xây dựng và cải tạo 6 trường mầm non nhưng cũng chỉ nhằm mục đích gánh bớt sĩ số cho các trường lân cận mà thôi. Còn chuẩn quốc gia thì chắc không dám nghĩ tới vì diện tích đất không thể mở rộng được nữa”.
Sĩ số giờ đây trở thành áp lực không chỉ riêng của trường mầm non nào. Qua khảo sát, nếu áp dụng theo đúng tiêu chí đánh giá chuẩn về sĩ số (30 – 35 học sinh/lớp) thì may ra trong số 65 trường đã được công nhận có khoảng 2/3 trường đạt yêu cầu. Số còn lại dù đã đạt chuẩn nhưng vẫn phải gánh sĩ số vì “nếu không nhận thì trẻ phải ra nhóm ngoài công lập học sẽ nguy hiểm, mất an toàn cho các con”, một hiệu trưởng lý giải.
Tình trạng này càng căng thẳng ở những trường đạt chuẩn có tên tuổi. Điển hình là trường Mầm non Bến Thành (Q.1), một trong các trường đạt danh hiệu chuẩn đầu tiên của TP. Trải qua gần 10 năm, sĩ số mỗi ngày một tăng, năm nay lên đến 55 học sinh/lớp. Bà Tôn Nữ Kim Anh, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Đành phải phá chuẩn thôi vì nhu cầu theo học quá cao, nhà trường chẳng đành mới ôm khư khư cái danh hiệu đó trong khi các cháu không có chỗ học”. Hay như trường Mầm non Q.11, bà Trương Thị Việt Liên, Hiệu trưởng cho biết: “Nhà trường đạt chuẩn từ năm học 2004 – 2005 nhưng hiện nay chẳng thể giữ chuẩn sĩ số được nữa”…
Quy chế công nhận trường mầm non đạt chuẩn quốc gia có ghi rõ sau 5 năm, kể từ ngày ký quyết định công nhận, nhà trường phải tự đánh giá, làm hồ sơ trình các cấp có thẩm quyền để được kiểm tra và công nhận lại. Thế nhưng ở thời điểm này, trong số các trường đã vượt quá thời hạn công nhận chẳng trường nào dám xin công nhận lại. Bà Kim Anh tâm sự: “Với tình hình sĩ số như hiện nay, xét theo đúng quy trình thì các trường sẽ bị rút công nhận hết. Chi bằng cứ để vậy cho có dư âm…”.
Còn bà Nguyễn Thị Kim Thanh, Trưởng phòng GD mầm non – Sở GD-ĐT TP.HCM thẳng thắn: “Chuẩn quốc gia tuy phù hợp với xu thế phát triển nhưng trong điều kiện kinh tế hiện nay, đầu tư khá tốn kém”. Bà Thanh giải thích: “Ngân sách đầu tư cho các trường trong giới hạn, nếu đầu tư trọng điểm vào một trường để đạt chuẩn thì sẽ phải tạm dừng hoặc giảm đầu tư cho nhiều trường khác. Như vậy sẽ dẫn đến sự mất cân đối và tạo sự bất công cho trẻ em. Những bé nào học trường chuẩn quốc gia được thụ hưởng môi trường học tập tốt, có giáo viên giỏi, đồ dùng và trang thiết bị hiện đại trong khi những bé ở trường khác thiếu nhiều điều kiện sinh hoạt và học tập”. Từ đó bà Kim Thanh khẳng định: “Chuẩn không phải là đồ trang sức mà nó phải thật sự mang lại cho trẻ điều kiện tối ưu, giúp trẻ phát triển thành con người tốt nhất khi còn rất nhỏ”.
Bích Thanh / TNO
Bình luận (0)