Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Hình thành thói quen ứng xử văn minh, thân thiện với môi trường

Tạp Chí Giáo Dục

 

Tại hội thảo về phương pháp giảng dạy tích hợp giáo dục bảo vệ môi trường (BVMT) vào các môn học ở bậc tiểu học do Sở GD-ĐT TP.HCM vừa tổ chức, ông Lê Ngọc Điệp, Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học chỉ đạo: “Giáo viên không soạn lại giáo án mới nhưng phải linh hoạt trong việc phát hiện ra các phần, mục bài có nội dung cần tích hợp giảng dạy BVMT, từ đó chắt lọc, đánh dấu nội dung cần giảng dạy”.
Chương trình giảng dạy tích hợp giáo dục BVMT vào các môn học ở tiểu học nhằm giúp học sinh (HS) hiểu rõ việc cần thiết phải bảo vệ môi trường. Từ đó hình thành và phát triển ở các em thói quen, hành vi ứng xử văn minh lịch sự, thân thiện với môi trường. Theo đó, việc giảng dạy sẽ được trải rộng ở các môn tiếng Việt, đạo đức, tự nhiên và xã hội, khoa học lịch sử, địa lí, mĩ thuật và hoạt động ngoại khóa… Cụ thể, việc giáo dục BVMT cho HS tiểu học sẽ thông qua 4 vấn đề: Bảo vệ môi trường; Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; Kỹ năng sống; Sử dụng tiết kiệm năng lượng. Tuy nhiên, theo ông Lê Ngọc Điệp, do đối tượng tiếp nhận là HS bậc tiểu học nên giáo viên cần nhấn mạnh về kỹ năng sống, bằng cách đưa những nội dung tích hợp phù hợp với tâm sinh lý HS như những hình ảnh, ví dụ thực tế dễ hiểu từ môi trường sống xung quanh vào bài học (đất, nước, ánh sáng, động thực vật, hiện tượng ô nhiễm môi trường…). Việc tích hợp, lồng ghép chương trình giảng dạy có 3 mức độ. Mức độ toàn phần với mục tiêu, nội dung của bài giảng phù hợp hoàn toàn với mục tiêu, nội dung của giáo dục BVMT. Mức độ bộ phận sẽ mang đến một bộ phận bài học có mục tiêu, nội dung phù hợp với chương trình. Ở mức độ liên hệ, mục tiêu và nội dung của bài giảng có điều kiện liên hệ một cách logic với nội dung của phương thức giáo dục BVMT. Ví dụ như trong chương trình sách giáo khoa môn khoa học lớp 5, chủ đề Môi trường và tài nguyên thiên nhiên có thể giảng dạy với mức độ tích hợp toàn phần. Hay khi nói đến mức độ liên hệ thì trong bài 22 (nói về tre, mây, song), trong quá trình giới thiệu về “chất” và “công dụng” của tre, mây, song, GV có thể liên hệ khai thác hợp lí nguồn tài nguyên này để bảo vệ tài nguyên rừng… Tuy nhiên, để đạt được mục đích, người dạy phải biết cách gợi mở vấn đề, linh động trong việc chọn lựa nội dung cần lồng ghép, không nên lan man, gượng ép mà phải mang tính giáo dục. Muốn làm tốt điều này, các thầy cô giáo nên đánh dấu ngay dưới từng phần, bộ phận, bài có nội dung cần tích hợp.
NGỌC TRINH

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)