Không một tiếng động, các học viên chăm chú xem thầy giáo dùng tay, khuôn mặt để diễn giải rồi học… đánh vần tiếng Việt.
Một câu lạc bộ ở Hà Nội chuyên dạy người bình thường cách diễn đạt ngôn ngữ bằng tay để học viên tiếp cận, giúp đỡ những người khiếm thính.
Đây là Câu lạc bộ (CLB) Ngôn ngữ kí hiệu được thành lập năm 2006 do Lã Thúy Quỳnh – cựu sinh viên ĐH Phương Đông và Viện ĐH Mở làm Chủ tịch CLB và liên tục mở lớp tại trường THCS Nguyễn Du và ĐH KHXH và NV (ĐH Quốc gia Hà Nội).
Ngôn ngữ giàu cảm xúc
Ngôn ngữ giàu cảm xúc
Buổi học đầu tiên khóa A27 ở CLB ngôn ngữ kí hiệu do thầy Đỗ Hoàng Thái Anh, Phó chủ tịch Chi hội người điếc Hà Nội trực tiếp giảng dạy. Trong căn phòng khoảng 20m2, thầy Thái Anh cùng 10 học trò đang cố gắng rút ngắn khoảng cách giữa người bình thường và người khiếm thính. Không một tiếng động nào, các học viên chăm chú xem thầy giáo dùng tay, khuôn mặt để diễn giải từng từ. Gương mặt các bạn trẻ bộc lộ sự tò mò, háo hức.
Thầy Thái Anh hướng dẫn chữ K bằng ngôn ngữ kí hiệu. |
Một lát sau, lớp học xôn xao tiếng cười khi thầy Thái Anh vẽ lên bảng các động tác mà học viên làm chưa đúng. Với dấu ngã nếu làm theo động tác của một số bạn sẽ trở thành hình xoắn ốc. Để kiểm tra bài, thầy Thái Anh hỏi nhanh một học viên cách diễn đạt số 6. Bất ngờ, học viên tên Hoa giơ luôn 6 ngón tay làm cả lớp cười nghiêng ngả. Trong khi phải giơ ngón cái và ngón út trên một bàn tay mới là đáp án đúng.
Cứ thế, lớp học ngôn ngữ kí hiệu trở thành lớp học đánh vần tiếng Việt. Giờ giải lao, các học viên í ới hỏi nhau cách hỏi tên, tuổi… Học viên Lưu Thị Hoa (ĐH Kinh tế quốc dân) thích thú nhận xét cách diễn đạt lời nói bằng hành động khá sinh động và truyền được nhiều cảm xúc.
Gắn giới trẻ với người khiếm thính
Gắn giới trẻ với người khiếm thính
Hiện CLB thu hút hơn 500 học viên và liên tục mở lớp vào các ngày thứ 2, 4 ở THCS Nguyễn Du, thứ 3 và 5 tại ĐH KHXH và NV (ĐH Quốc gia Hà Nội). “Mục đích của CLB là phổ cập ngôn ngữ kí hiệu ra cộng đồng, giúp sinh viên làm công tác xã hội và thành lập được những nhóm tình nguyện viên giúp đỡ người khuyết tật”, Thúy Quỳnh – Chủ tịch CLB cho biết.
Lê Thanh Hoa (1988, sinh viên ĐH Kinh tế quốc dân, Phó chủ tịch CLB) tâm sự, khi mới ra trường Hoa không xác định làm công việc này bởi ngành học là Kế toán, nhưng sau khi tham gia CLB và tiếp xúc với người khiếm thính, bỗng nhiên thấy mến và bị sức hút của ngôn ngữ ký hiệu nên tiếp tục tham gia. Hoa cho biết, CLB gần như là mái nhà thứ 2 và là nơi đào tạo kĩ năng cho những sinh viên muốn gắn kết với người khiếm thính.
Tuyết Nga/ Đất Việt
Bình luận (0)