Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Loạn sách tham khảo

Tạp Chí Giáo Dục

Ở TPHCM, sách tham khảo cho học sinh từ lớp 6 trở lên đang đua nhau bày bán trong các nhà sách. Nhiều nhất là sách dành cho đối tượng cuối cấp: lớp 9 và lớp 12.


Dù số lượng đầu sách tham khảo rất phong phú nhưng học sinh vẫn khó tìm ra loại vừa ý. Ảnh: TẤN THẠNH
Khó chọn được sách ưng ý
Một vị phụ huynh nhẩm tính nếu cộng tất cả các loại sách tham khảo cơ bản nhất của tất cả các môn cho một học sinh lớp 6, chi phí đã hơn 3 triệu đồng. Đây không phải là số tiền dễ chịu với phần đông học sinh. Tuy nhiên, vị phụ huynh trên cho biết khi lựa sách, điều làm họ băn khoăn không chỉ ở giá tiền mà còn ở nội dung. “Nhiều sách nhưng nội dung không mới. Nhiều cuốn còn mắc những sai sót rất vô lý nên muốn tìm được sách hay cho con phải mất khá nhiều thời gian”- vị phụ huynh này phàn nàn.
Rất nhiều học sinh khi được hỏi đều cho biết rất khó để tìm được một cuốn sách tham khảo ưng ý trong một “rừng” sách hiện nay bởi những nội dung cứ lặp đi lặp lại trong các cuốn sách. “Cùng một dạng bài tập nhưng ở sách này thì đặt ở phần đầu, cuốn kia bố trí ở phần giữa. Đến cách hướng dẫn cũng y như nhau nên chúng em không muốn mua nhiều”- bạn Minh Thái, Trường THPT Marie Curie, cho biết.
Không những nội dung khá giống nhau mà những kiến thức cũ, đơn điệu cũng khiến học sinh ngày càng thờ ơ với sách tham khảo. “Muốn được tìm hiểu sâu hơn, mở rộng hơn một vấn đề, một bài toán nào đó nhưng không có nhiều sách giúp chúng em làm được điều này”- bạn Minh Thái cho biết thêm.
Một nhân viên nhà sách trên đường Nguyễn Thị Minh Khai thừa nhận gần đây rất nhiều loại sách tham khảo của một số nhà xuất bản nằm trong danh mục khó bán vì cả phụ huynh lẫn học sinh đều chê vì “năm nào cũng mấy tác giả đó viết mấy sách đó”. Không khó để nhận thấy sự giống nhau trong nhiều bộ sách tham khảo như: Câu hỏi trắc nghiệm vật lý, bài tập trắc nghiệm vật lý. Những câu hỏi vật lý thường gặp, 100 bài văn hay, những bài làm văn chọn lọc, những bài làm văn mẫu…
Nhận xét về mức độ giống nhau giữa một số cuốn sách, nhiều giáo viên nhận định chỉ cần thay đổi cách trình bày bìa, thay tên gọi là có ngay một đầu sách mới.
Theo ông Nguyễn Viết Đăng Du, tổ trưởng bộ môn lịch sử Trường THPT Lê Quý Đôn, lâu nay học sinh vẫn chuộng những sách được phát hành theo hướng hệ thống thiết bị trường học với những dạng bài tập như trắc nghiệm, điền vào chỗ còn khuyết. “Rất ít giáo viên có đủ thời gian để tìm đọc tất cả các loại sách tham khảo. Nếu muốn đọc thêm thì cả thầy và trò vào thư viện”- ông Du cho biết.
Sai sót quá nhiều
Cũng theo ông Du, những sai sót về ngày, tháng lịch sử ở các sách khá nhiều, giáo viên thì chỉ căn cứ vào sách giáo khoa để hướng dẫn học sinh. “Thời đại của nghe, nhìn nên học sinh không thích những cuốn sách viết nhiều, viết dài. Đáng tiếc, lượng sách đáp ứng nhu cầu này rất hiếm, buộc các em phải tra cứu thêm trên internet. Tuy nhiên, lượng kiến thức trên mạng lại không phải là nguồn chính thống buộc giáo viên phải kiểm chứng lại, vô tình đẩy khó thêm cho giáo viên”- ông Du nhận định.
Nhiều giáo viên cho rằng những cẩu thả, sai sót trong các sách tham khảo như các số liệu bị nhầm, bài giải bị sai sẽ dẫn đến những hệ lụy không nhỏ. “Một học sinh khá giỏi có thể nhận biết được những sai sót như vậy nhưng với học sinh trình độ yếu hơn thì sẽ căn cứ theo gợi ý, đáp án sai mà làm. Cái sai được lặp đi lặp lại thì nguy hiểm vô cùng”- một giáo viên Trường THPT Marie Curie cho biết.
Bà Trương Thị Hữu Nhơn, tổ trưởng tổ sinh Trường THPT Lê Quý Đôn, cho rằng từ khi kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ hằng năm có một số môn thi trắc nghiệm thì những cuốn sách tham khảo vội vã làm theo thời vụ ra đời ngày càng nhiều. Mỗi tác giả khi viết sách đều có những quan điểm khác nhau. Giáo viên buộc phải đứng ở vai trò trung tâm là người nhận định đúng, sai để hướng dẫn học sinh.
Sách chuẩn cũng vênh
Không những có quá nhiều “hạt sạn” trong các sách tham khảo mà ngay cả hai bộ sách giáo khoa và sách chuẩn (sách rút gọn những kiến thức cơ bản từ sách giáo khoa) của Nhà Xuất bản Giáo dục và cùng được sử dụng chính thức trong trường học, cũng có vấn đề.
“Cùng một nhận định về giai cấp công nhân nhưng trong sách giáo khoa viết giai cấp công nhân là giai cấp lãnh đạo cách mạng VN. Trong khi đó, ở bộ sách chuẩn lại ghi giai cấp công nhân cơ bản là động lực của cách mạng VN. Hai cuốn sách cơ bản nhất còn vênh nhau thì nói gì đến sách tham khảo”- một giáo viên nhận xét.
 Bài và ảnh: Đặng Bình An / NLĐ

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)