“Thực tế cho thấy tai nạn trong trường mầm non thường xảy ra vào thời điểm nhận trẻ đầu năm học và với những trẻ mới đi học”.
Trường mầm non 19-5 TP.HCM có sĩ số học sinh/lớp rất cao, có lớp hơn 50 học sinh. Trường phải thực hiện giảm cường độ lao động cho giáo viên cùng một số biện pháp giúp học sinh dễ thích nghi với môi trường – Ảnh: H.HG. |
ThS Nguyễn Thị Kim Thanh – trưởng phòng giáo dục mầm non Sở GD-ĐT TP.HCM – đã khẳng định như thế tại hội thảo “Các giải pháp giúp trẻ thích nghi trường mầm non” do Sở GD-ĐT TP tổ chức sáng 5-11 với sự tham dự của hơn 100 cán bộ quản lý, giáo viên mầm non và bác sĩ tâm lý.
Dễ bị tai nạn
“Từ ngày đọc báo về vụ học sinh 4 tuổi bị cô giáo nhốt trong thang máy đến nay, chúng tôi rất lo lắng” – bà Trần Thị Kim Thoa, hiệu trưởng Trường Mầm non 11, Q.Tân Bình, phát biểu.
Bà nói: “Ở trường mầm non, tai nạn rất dễ xảy ra. Tôi đã nhiều lần chạy bỏ cả dép để kịp giữ cháu lại khi cháu trèo lên lan can gọi bạn ở tầng dưới. Những tai nạn xảy ra gần đây hầu hết đều rơi vào các nhóm trẻ tư thục khiến tôi nghĩ cần phải đào tạo bài bản hơn hoặc tập huấn, bồi dưỡng nhiều hơn cho cán bộ quản lý cũng như giáo viên, bảo mẫu tại các nhóm lớp tư thục về kỹ năng chăm sóc – giáo dục trẻ”.
Giới thiệu kỹ năng chăm sóc trẻ
Những kỹ năng chăm sóc trẻ của cha mẹ sẽ được giới thiệu tại hội thảo khoa học “Chăm sóc trẻ từ 0-5 tuổi” do Công ty TNHH Bạn Của Bé tổ chức tại hội trường dinh Thống Nhất, TP.HCM ngày 6-11.
Bốn chuyên đề được các bác sĩ, chuyên gia đến từ Hoa Kỳ trình bày tại hội thảo bao gồm: cách chăm sóc trẻ hiệu quả, chăm sóc trẻ tự kỷ, cách chăm sóc trẻ khuyết tật và bệnh nan y, trẻ em và quá trình phát triển ngôn ngữ.
H.B.
|
Tại hội thảo, đa số ý kiến đều cho rằng cường độ lao động, trách nhiệm của giáo viên mầm non hiện nay quá cao, sự rủi ro cũng quá lớn bởi học sinh mầm non rất dễ bị tai nạn và người lãnh hậu quả không ai khác là cô giáo. “
Tám năm làm hiệu trưởng, tôi thường xuyên phải năn nỉ phụ huynh bởi cứ thỉnh thoảng lại có cháu bị trầy xước. Bây giờ làm việc ở phòng GD-ĐT, tôi cũng rất sợ những cuộc điện thoại hớt hải gọi từ trường mầm non” – những lời tâm sự rất thật của bà Đỗ Thị Giang, phó trưởng Phòng GD-ĐT Q.Bình Tân, khiến cả hội trường vỗ tay tán thưởng.
Theo bà Giang, ngoài những tai nạn do cô giáo thiếu hiểu biết gây ra, có cô giáo mười năm liền đạt danh hiệu giáo viên giỏi, chỉ vì một phút mệt mỏi không kiềm chế đã đánh cháu. Nói các cô không yêu nghề, không yêu trẻ là không đúng nhưng trong hoàn cảnh quá áp lực, cô giáo rất dễ bột phát những hành vi không tốt đối với trẻ.
Hãy giúp đỡ giáo viên
Phát biểu tại hội thảo, các đại biểu cùng thống nhất: khi trẻ dễ dàng thích nghi với trường mầm non sẽ là giải pháp quan trọng giúp giảm stress cho giáo viên cũng như giảm tai nạn xảy ra đối với học sinh.
Bà Vũ Thị Xuân Liên – hiệu trưởng Trường mầm non Vàng Anh, Q.5 – chia sẻ: “Trường chúng tôi tổ chức họp phụ huynh có trẻ mới đi học, đồng thời đề nghị họ hợp tác thực hiện những việc sau: tập cho trẻ sinh hoạt ở nhà giống với lịch sinh hoạt của lớp; cho trẻ đến chơi trong trường, làm quen với cô giáo trước khi đi học chính thức; trò chuyện với trẻ về không khí vui mừng chuẩn bị đi học. Đặc biệt phải làm công tác tư tưởng cho phụ huynh…”.
Trong khi đó, ban giám hiệu Trường Mầm non 19-5 TP thường phân công những giáo viên nhiều kinh nghiệm dạy lớp nhà trẻ. Hằng năm giáo viên đều được bồi dưỡng về các biện pháp làm việc với phụ huynh, học sinh trong những ngày trẻ mới đi học.
“Ngoài ra, ban giám hiệu trường phải sâu sát với tình hình cháu mới và hỗ trợ giáo viên kịp thời khi họ gặp khó khăn” – bà Trần Thu Hằng, phó hiệu trưởng Trường Mầm non 19-5 TP, góp ý kiến.
Bác sĩ Nguyễn Lệ Bình – bộ môn sức khỏe tâm thần và tâm lý Trường ĐH y khoa Phạm Ngọc Thạch – cho rằng những ai đã đến trường mầm non không thể nói giáo viên lười hay giáo viên không yêu trẻ. Tuy nhiên, trong điều kiện làm việc đến mức gần như kiệt sức, rất khó yêu cầu các cô luôn phải dịu dàng, phải kiềm chế.
Bác sĩ Bình đề xuất: “Các cấp quản lý cần giám sát thường xuyên hoạt động của các lớp xem giáo viên nào có sự bất ổn, lớp nào có quá đông cháu khó thích nghi và cần trang bị cho giáo viên kỹ năng đối phó với trẻ khóc, phương pháp tiếp cận trẻ, kỹ năng giáo dục trẻ…”.
HOÀNG HƯƠNG / TTO
ThS NGUYỄN THỊ KIM THANH (trưởng phòng giáo dục mầm non Sở GD-ĐT TP.HCM): Chưa đáp ứng kịp nhu cầu
Cũng giống như vấn đề của nhiều đô thị lớn trên thế giới, sự phát triển dân số cơ học khiến những đầu tư về giáo dục ở TP.HCM dù rất lớn vẫn không theo kịp. Ở ngành học mầm non, nhu cầu phụ huynh quá cao, đặc biệt là dân nhập cư. Năm nào cũng có hàng chục trường mầm non được xây mới nhưng vẫn không đáp ứng kịp nhu cầu. Chỉ có nửa số trẻ được học trường công lập. Ba trường sư phạm đào tạo hết công suất mỗi năm cũng chỉ đáp ứng được 1.000 giáo viên. Số đó chỉ vừa đủ cho các trường công lập hoặc hút vào những trường tư thục trả lương cao. Đồng nghĩa với bộ phận các trường, nhóm trẻ tư thục thiếu giáo viên, phải sử dụng giáo viên tay ngang, đào tạo chắp vá, thiếu trình độ. Năng lực sư phạm hay cách xử trí tình huống phụ thuộc đầu vào trường sư phạm, đầu vào thấp, xuất phát là tay ngang thì hiệu quả đào tạo tất yếu sẽ hạn chế hơn.
Như trường hợp của cô giáo Trần Thị Xuân Nữ, ở tỉnh lên TP, ban đầu làm tạp vụ rồi đi học làm bảo mẫu, học cao đẳng sư phạm mầm non rồi liên thông lên đại học. Ngày đi làm với bao áp lực, những giáo viên như cô Nữ phải đi học vào những thời gian lẽ ra dành để nghỉ ngơi, tái tạo sức lao động. Ngành học mầm non rất nhạy cảm vì trẻ con không biết tự vệ. Khi giáo viên không làm chủ được hành vi thì hậu quả sẽ đổ lên đầu con trẻ.
Tuy nhiên, phụ huynh cũng nên chia sẻ với giáo viên. Có những trẻ ở nhà không chịu ăn. Phụ huynh đưa con đến trường để cô giáo cho ăn. Vô hình trung, phụ huynh đã chấp nhận chuyện trẻ sợ cô hoặc cô dọa trẻ để trẻ chịu ăn. Có những trẻ 3-4 tuổi không biết tự uống nước, xúc ăn, tiểu tiện không biết gọi, ăn vào lại ói ra, khó ăn, khó ngủ… chính là áp lực đối với giáo viên. Phụ huynh biết con mình khó vẫn giao cho cô giáo mà không nghĩ rằng mình còn cho con ăn không nổi huống gì cô giáo.
L.TRANG ghi
|
Bình luận (0)