Trước những vụ việc đáng tiếc liên tục xảy ra trong môi trường học đường, nhiều người cho rằng do “thời lượng dành cho các môn tâm lý học, giáo dục học quá ít” dẫn đến tình trạng sinh viên ở các trường sư phạm, những giáo viên tương lai, không có đủ kỹ năng giải quyết các tình huống sư phạm.
Tôi đã tốt nghiệp Trường ĐH Sư phạm TP. HCM và hiện đang công tác tại một trường tiểu học. Sau khi đọc các bài viết trên Tuổi Trẻ, tôi có liên lạc một số sinh viên sư phạm để trao đổi ý kiến về thực tế dạy và học các môn tâm lý học ở trường sư phạm. Một số sinh viên sư phạm cho rằng họ được “nhồi nhét” những định nghĩa, lý thuyết hàn lâm qua các bài giảng PowerPoint “đặc sắc”. Thậm chí một số sinh viên còn có tâm lý học để thi cho qua học phần. Tôi từng có những ý kiến tương tự các bạn sinh viên này.
Thực tế, các môn học này vẫn còn quá nặng về kiến thức hàn lâm và các kỳ thi cuối học phần chỉ nhằm vào việc kiểm tra, đánh giá khả năng nhớ lý thuyết hơn là khả năng thực hành. Bên cạnh đó, giảng viên trình độ thạc sĩ và tiến sĩ có kiến thức hàn lâm rất sâu về lĩnh vực của mình nhưng một số giảng viên lại thiếu, thậm chí không có kiến thức thực tiễn.
Qua thực tế giảng dạy, tôi nghiệm ra một điều rằng chỉ trực tiếp dạy học sinh mới có thể có được kinh nghiệm xử lý các tình huống sư phạm. Vậy thì một giảng viên tâm lý học không thể dạy tốt sinh viên chuyên ngành giáo dục tiểu học hay giáo dục mầm non nếu như chưa từng một lần tiếp xúc và giảng dạy trực tiếp học sinh tiểu học hay mầm non.
Cho dù vị giảng viên có kiến thức tốt nhưng sẽ không thể nào nắm được những tình huống sư phạm thực tế để huấn luyện sinh viên sư phạm nếu chỉ ngồi trên bàn đọc sách. Những tình huống sư phạm có thể được mô tả chi tiết trong sách báo, nhưng giảng viên chưa từng xử lý một tình huống sư phạm trong thực tế, theo tôi, không thể dạy sinh viên cách ứng xử tình huống sư phạm có hiệu quả.
Không nên đổ lỗi cho thời lượng dành cho các môn tâm lý học, giáo dục học không xứng đáng dẫn đến tình trạng sinh viên thiếu kỹ năng xử lý tình huống sư phạm, mà hãy nhìn vào chất lượng giảng dạy các bộ môn này. Không phải là không có thời gian mà là các nhà giáo dục “chưa vào cuộc, chưa chịu hành động”.
NGÔ DUY PHÚC / TTO
Bình luận (0)