Bộ GD – ĐT thừa nhận tiêu cực trong giáo dục còn nhiều, kìm hãm sự phát triển của ngành này. Hàng loạt sai phạm đã bị xử lý trong thời gian qua cho thấy quyết tâm bài trừ tham nhũng của ngành GD – ĐT.
Gần nửa năm sau hội nghị đối thoại phòng, chống tham nhũng lần 7 với các nhà tài trợ quốc tế, ngày 16-11, tại Hà Nội, Bộ GD – ĐT tổ chức hội thảo “Tiến triển của công tác phòng, chống tham nhũng trong lĩnh vực GD – ĐT” với các chuyên gia trong và ngoài nước.
Ông Phạm Văn Tại, Phó Chánh Thanh tra Bộ GD-ĐT, cho biết thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GD-ĐT đã xây dựng một chương trình hành động, theo đó đến hết năm 2010, tất cả trường học đều phải hoàn tất kế hoạch thực hiện chiến lược quốc gia phòng, chống tham nhũng đến năm 2020.
“Nóng” tuyển sinh, lạm thu
Ông Tại đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng trong ngành giáo dục đã có những chuyển biến tích cực, song trên thực tế vẫn đang tồn tại, đặc biệt là tiêu cực trong tuyển sinh và lạm thu đầu năm học.
Đầu năm học 2010 – 2011, nhiều phụ huynh lớp 1 của Trường Tiểu học Huỳnh Ngọc Huệ (quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng) đã bức xúc phản ánh việc Ban Đại diện Cha mẹ học sinh vận động phụ huynh đóng góp mua tivi màn hình tinh thể lỏng thay cho tivi đã có sẵn trong phòng học cùng các trang thiết bị khác với tổng kinh phí dự chi hơn 20 triệu đồng, bình quân mỗi phụ huynh phải đóng góp tối thiểu 500.000 đồng.
Cũng tại TP Đà Nẵng, Chi hội Khuyến học Trường Trần Văn Ơn (quận Hải Châu) đã tổ chức vận động cha mẹ học sinh gây quỹ khuyến học gây bức xúc cho nhiều phụ huynh khiến UBND TP ra văn bản nghiêm khắc phê bình ban giám hiệu nhà trường, yêu cầu UBND quận Hải Châu kiểm tra, có hình thức kiểm điểm đối với các cá nhân liên quan, đồng thời hoàn trả khoản tiền phụ huynh học sinh đã đóng góp.
Nộp hồ sơ thi tuyển vào lớp 10 tại một trường ở TPHCM. Ảnh: Tấn Thạnh
Gần đây nhất, dư luận hết sức bất bình vì trên 200 học sinh ở TP Hải Phòng không đủ điểm vào các trường THPT công lập được đặc cách vào học lớp 10. Khi đưa các học sinh này vào danh sách đặc cách, Sở GD – ĐT Hải Phòng cho biết đây là những “con, cháu gia đình chính sách, lão thành cách mạng, Anh hùng Lực lượng vũ trang, Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới, những cháu mồ côi, những cháu là vận động viên có tham gia đội tuyển TP thi đấu toàn quốc, có công với TP, có công với ngành GD – ĐT nói chung và giáo dục Hải Phòng nói riêng”, song trên thực tế, nhiều học sinh là con giám đốc doanh nghiệp, con chủ tịch UBND phường… Thêm nữa, lãnh đạo UBND TP Hải Phòng chỉ đồng ý đặc cách những học sinh thiếu điểm không quá 1 điểm so với điểm chuẩn, thế nhưng thực tế có học sinh thiếu đến 2,5 điểm vẫn được duyệt vào học lớp 10…
Nhiều sai phạm bị xử lý
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thị Nghĩa thẳng thắn nhìn nhận: Tham nhũng chính là rào cản kìm hãm sự phát triển của giáo dục. Vì vậy, mọi hoạt động của ngành giáo dục luôn hướng đến sự công khai, minh bạch để lành mạnh hóa môi trường giáo dục, đẩy lùi tham nhũng.
Bà Nghĩa cho biết thanh tra bộ đã đình chỉ tuyển sinh năm 2010 của 2 cơ sở giáo dục ĐH vì có nhiều sai phạm trong quản lý đào tạo là Trường ĐH Phan Châu Trinh (Quảng Nam) và Trường ĐH Công nghệ Đông Á (Bắc Ninh)
Những khiếu nại, tố cáo tại Trường ĐH Nông Lâm TPHCM và Trường ĐH Đà Lạt cũng đã được xác minh, giải quyết. Tỉnh Thừa Thiên – Huế cũng đang xem xét xử lý sai phạm của Trường THPT Nguyễn Trường Tộ và Trường THPT Bùi Thị Xuân vì thu đầu năm sai quy định.
Sở GD-ĐT tỉnh Ninh Thuận đã buộc thôi việc một chuyên viên công tác tại Phòng Tổ chức cán bộ Sở GD-ĐT tỉnh Ninh Thuận vì có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng với người khác để trục lợi.
Cần sự tham gia của phụ huynh
Trả lời câu hỏi của các chuyên gia về giải pháp hạn chế nạn “chạy trường”, tình trạng dạy thêm – học thêm…, ông Phạm Văn Tại khẳng định những kiến nghị, phản ánh của phụ huynh và dư luận xã hội về học thêm – dạy thêm tràn lan đều bị xử lý; việc bắt ép học sinh đi học thêm cơ bản không còn.
Dù vậy, cũng theo ông Tại, việc buộc con phải đi học thêm là vì tâm lý lo ngại của phụ huynh vẫn đang tồn tại.
Ông Tại cho rằng bên cạnh việc tìm giải pháp hạn chế vấn đề này của các cấp quản lý giáo dục, phụ huynh cũng phải bỏ dần suy nghĩ “không học thêm thì sẽ bị giáo viên trù dập”.
Về tuyển sinh đầu cấp, trái tuyến – “mảnh đất” mà các chuyên gia cho rằng rất dễ xảy ra tham nhũng – ông Phạm Văn Tại thừa nhận việc tuyển sinh vào lớp 10 đối với các trường THPT công lập, đặc biệt là trường có chất lượng tốt, đang là áp lực rất lớn đối với nhiều trường, tình trạng chạy trường vẫn xảy ra…
|
Yến Anh / NLĐ
Bình luận (0)