Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Chuyện không có trong giáo án

Tạp Chí Giáo Dục

Mới đây hay tin đồng nghiệp bị ngưng giảng dạy vì đánh học sinh (HS). Trước phiên họp hội đồng kỉ luật cô đã nhận mình đánh HS là sai nhưng quá bức xúc vì tình trạng các em lười học. Ngay như cô hiệu phó cũng tự nhận mình thiếu sâu sát để xảy ra tình trạng giáo viên đánh HS (một em HS cho biết, đã bị cô bắt nằm trên bàn lấy cây thước quất vào mông 23 cái, một em khác thì bị cô dùng cán chổi đập khá nhiều vào mông). Đánh HS đến độ không tự kiềm chế thì không nên. Lại biết thêm một chi tiết khác, cô không thích dạy HS khối 6. Thực ra từ ngày ra trường đến nay, theo như cô nói, hơn 20 năm chỉ dạy lớp 9. Hai năm trở lại đây cô bị đưa xuống dạy khối 6 nhưng không được trao đổi trước khiến cô không thoải mái. Trước đây, khi chủ nhiệm lớp 9 cô đã cắt tay áo dài một nữ sinh, chỉ vì em này hay xăn tay áo. Bị phụ huynh HS khiếu nại buộc nhà trường phải điều động dạy khác khối. Nhiều đồng nghiệp đưa ra nhận xét, do cô lớn tuổi nên khó tính, yêu cầu HS hơi cao. Đồng nghiệp khác lại cho rằng phải nghiêm khắc như cô thì lớp mới vào nếp.
HS từ 11 đến 15 tuổi, tốc độ phát triển tâm sinh lý rất nhanh và mức độ hình thành tính cách không hoàn chỉnh nếu không muốn nói đang có xu hướng lệch lạc. Theo như kinh nghiệm ở các trường quốc tế hay tư thục thì giáo viên chủ nhiệm (GVCN) họp phụ huynh mỗi buổi chiều từ 15 đến 17 giờ, lúc các cháu tan học. GVCN lên kế hoạch cho phụ huynh HS đăng ký chọn ngày giờ theo tuần quy định và tiếp mỗi người trong vòng 15 phút. Trong buổi gặp mặt này, GVCN nói về một HS rất cụ thể và phụ huynh có con nghịch ngợm hoặc học yếu cảm thấy được trao đổi tự nhiên và không mang mặc cảm về học lực yếu của các cháu. Sau cùng GVCN và phụ huynh bàn biện pháp hợp tác để có cách rèn luyện từng em ở gia đình và trường học.
Đã từng có phụ huynh xin đi trễ một buổi làm để đến trường gặp thầy giám thị vì con đánh nhau trong trường. Cũng có phụ huynh ngưng bán buổi sáng, đến trường xin gặp giáo viên chủ nhiệm trao đổi về việc chuyên cần của cháu. Và đôi khi phụ huynh phải xin nghỉ giữa chừng ở cơ quan chạy vội đến trường đưa con đi bệnh viện, mặc dù y tế nhà trường đã sơ cứu khi HS bị bệnh.
Quả thực đó là những chuyện có lẽ nằm ngoài giáo án của rất nhiều thầy cô khi lên lớp.
 Tuệ Hải

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)