GV tùy vào những tình huống từ HS mà có phương pháp dạy cho phù hợp. Ảnh: Minh Duy |
Bộ GD-ĐT đã có hướng dẫn điều chỉnh việc dạy và học cho học sinh (HS) tiểu học, giáo viên (GV) được khuyến khích đổi mới cách dạy để đáp ứng khả năng học tập của tất cả HS trong lớp.
Tuy nhiên GV vẫn chưa mạnh dạn triển khai thực hiện, bởi vì lâu nay, họ đã quen làm theo khung, theo mẫu nên khi thể hiện cái riêng thì họ… sợ. GV sợ rồi sẽ bị sai. GV sợ người kiểm tra, thanh tra không hài lòng với cái họ đã chọn, đã áp dụng… Nhiều lần dự giờ xong, để xem GV có hài lòng gì về tiết dạy, đúng quy trình tôi yêu cầu GV nhận xét thì bao giờ họ cũng nhường tôi nói nhận xét trước. Thật tình tôi cũng không thể xem hết các cách dạy trên băng đĩa, các giáo án và các trò chơi áp dụng vào bài dạy trên mạng với các giáo án điện tử nên có khi tôi khen giáo viên đã suy nghĩ ra phương pháp hay, trò chơi hấp dẫn thì GV có người thì cười, có người khẳng định mình tự nghĩ ra… để đến hôm sau đi dự giờ một tiết khác tôi cũng phát hiện ra giống y sì như tiết dạy trước! Và các tiết sau đó, những năm sau đó GV vẫn duy trì mãi cái trò chơi đó vì tôi – lãnh đạo nhà trường – đã khen mà! Còn khi tôi nhận xét về khuyết điểm thì GV lại nói “người A chỉ thế, người B chỉ thế”, hoặc có người nói: chỉ làm theo băng đĩa thôi hay nói “sách hướng dẫn giảng dạy ghi như thế”. Đành rằng trong quá trình dạy học, chúng ta luôn luôn học hỏi lẫn nhau nhưng không nên rập khuôn, hoặc có rập khuôn thì chỉ 1 tiết hoặc 2 tiết rồi lâu lâu lặp lại trò chơi đó. Có một lần tôi dự giờ lớp 1, cô giáo vừa nói: cô giới thiệu các em trò chơi. Cả lớp đồng thanh: trò chơi trúc xanh. Còn giữa tiết GV chuẩn bị lớp hát, tôi nói với cô hiệu phó: chuẩn bị hát trời nắng, trời nắng thỏ đi tắm nắng nè…! và bài hát cất lên y như lời tôi nêu, cô hiệu phó cười. Đối với bài hát chắc GV quên thiệt, chỉ là thói quen. Còn trò chơi nếu GV thay đổi sợ phải hướng dẫn lại cách chơi rồi cháy giáo án.
Về quy trình dạy, mặc dù đã giao quyền chủ động nhưng GV rất sợ bỏ bước. Bài chính tả kỳ trước nhờ GV hướng dẫn kỹ nên các em viết tốt. Vậy mà GV nhận xét: Hôm trước cô thấy các em sai lỗi sau: ……., …….., rồi cả lớp viết lại bảng con. Tôi nhận xét em nào sai lỗi không đáng sai vậy? Tôi xin xem vở. Tìm mãi không thấy, GV nói trước đó HS sai GV sửa rồi.
Phân môn học vần lớp 1, có em đọc chữ thành thạo rồi, khi kiểm tra bài cứ yêu cầu đánh vần. Lớp đa số biết chữ hết, vậy mà GV cứ phải hỏi: Trong tiếng tre âm nào đã học, âm nào chưa học? Các em trả lời con học ở mẫu giáo hết rồi. Hoặc bài toán có lời văn ở lớp 5 (trang 170 – ôn tập về giải toán): Một mảnh đất hình chữ nhật có chu vi 120m. Chiều dài hơn chiều rộng 10m. Tính diện tích mảnh đất đó. Đây là bài luyện tập, bài ôn, GV có thể cho HS tự làm nhưng sợ đồng nghiệp nhận xét: không phân tích đề, không hướng dẫn kỹ, và cũng có ý sợ HS không biết làm. Và cứ thế GV phải hỏi: Bài toán cho biết gì? Bài toán hỏi gì? Muốn tìm diện tích ta làm sao? Chưa kể bài tập nào trong tiết GV cũng làm như thế, cuối cùng không kịp giờ, GV hối hả cho một HS giỏi lên sửa bài hoặc đành hẹn: Chiều chúng ta làm tiếp.
Mỗi lần GV lên tiết là mỗi lần phải đầu tư. Với tinh thần trách nhiệm của một GV, bao giờ họ cũng muốn xây dựng cho mình một tiết thật tốt, cũng mong muốn cho HS mình hiểu bài, cũng mong muốn để lại một bài học, một phương pháp gì cho đồng nghiệp học hỏi. Nhưng GV chưa thể hiểu hết cách đánh giá của từng người: khi thì hiệu trưởng, khi thì hiệu phó, khi thì tổ trưởng, khi thì GV giỏi… vì khi GV lên tiết, họ cần kết quả tiết dạy. Và vì thế họ trở lại dạy theo khuôn chắc ăn hơn.
Hiểu được vấn đề đó, Sở GD-ĐT TP.HCM và Phòng GD-ĐT đã thực hiện các chuyên đề về đổi mới phương pháp giảng dạy, dạy học cá thể… nhằm định hướng giúp GV chủ động lựa chọn phương pháp giảng dạy sao cho tiết dạy nhẹ nhàng, tự nhiên và có hiệu quả.
Là một người quản lý, tôi phải có trách nhiệm hướng dẫn GV về chuyên môn khi họ cần, nhưng suy nghĩ của riêng tôi không biết có hợp với người kiểm tra, thanh tra GV tôi hay không, không biết rằng khi tôi hướng dẫn mới chỉ là lý thuyết nhưng khi lên dạy có những tình huống từ HS buộc GV phải thay đổi phương pháp cho phù hợp nhưng GV cứ khăng khăng giữ cái phương pháp tôi hướng dẫn đã không còn phù hợp nữa. Là lãnh đạo nhà trường, tôi luôn mong GV mình trở thành một GV giỏi, có uy tín trong tập thể, được sự tín nhiệm của phụ huynh, cho nên cũng như GV, tôi cũng cần học hỏi và giúp đỡ GV mình nhiều hơn.
Mỹ Lệ
Khi tôi nhận xét về khuyết điểm thì GV lại nói “người A chỉ thế, người B chỉ thế”, hoặc có người nói: chỉ làm theo băng đĩa thôi hay nói “sách hướng dẫn giảng dạy ghi như thế”. |
Bình luận (0)