Đây là yêu cầu của Sở GD-ĐT TP.HCM trong thông báo hướng dẫn việc kiểm tra học kỳ I bậc tiểu học năm học 2010-2011. Theo hướng dẫn này, thời gian kiểm tra học kì I từ ngày 13-12 đến 24-12 (tùy thời điểm các trường bắt đầu vào chương trình năm học). Nội dung bài kiểm tra phải đảm bảo đúng chuẩn kiến thức, kĩ năng và phân phối chương trình của từng môn học, tránh vượt chương trình (kiến thức học sinh chưa học) hoặc vượt yêu cầu về các mức độ. Sở GD-ĐT khuyến khích các trường tự ra đề, chỉ kiểm tra theo đề chung của phòng GD-ĐT ở những nơi cần củng cố, tập trung chỉ đạo về chuyên môn. Ngoài ra, Sở GD-ĐT lưu ý các trường cần bố trí phòng kiểm tra hợp lý, đảm bảo cho học sinh ngồi làm bài thoải mái và độc lập. Học sinh được hướng dẫn chu đáo, tránh tạo áp lực tâm lý sợ hãi, căng thẳng cho trẻ. Giáo viên phải luôn có lời lẽ ân cần, nhắc nhở học sinh nhẹ nhàng, không lớn tiếng hay dọa nạt các em và tuyệt đối không được giải bài, làm bài cho học sinh chép. Sở khuyến khích các trường phân công giáo viên chủ nhiệm chấm bài của học sinh mình để tự chịu trách nhiệm. Nhà trường (hiệu trưởng hoặc giáo viên) phải trả lời, giải thích đầy đủ, rõ ràng cho phụ huynh và học sinh nếu có thắc mắc hoặc khiếu nại về kết quả và điểm số. Đối với các môn học đánh giá bằng nhận xét, nhà trường cần nhắc nhở giáo viên chủ nhiệm thu thập đầy đủ các chứng cứ trong quá trình học tập và hoạt động của học sinh và đánh giá đúng khả năng học sinh theo yêu cầu cơ bản về kiến thức, kĩ năng.
Sở GD-ĐT yêu cầu nội dung kiểm tra đối với lớp 1 phải cấu tạo có phần kiểm tra vần và phải cấu tạo hết số lượng vần vào các phần kiểm tra. Số lượng tiếng, từ trong một câu phải đúng quy định của chuẩn. Tranh, ảnh cấu tạo để kiểm tra đọc hiểu, phải dễ nhìn và gần gũi với các em. Đối với lớp 2, 3, 4, 5:không được nâng hoặc hạ số lượng chữ quy định/phútcủa bài đọc thành tiếng. Các văn bản được chọn (gồm cả văn xuôi và văn vần) để học sinh bốc thăm đọc thành tiếng phải chia thành nhiều đoạn trọn vẹn về nghĩa, độ dài của các đoạn phải đảm bảo số chữ theo quy định và phải tương đối bằng nhau. Với các môn khoa học, lịch sử, địa lý: nội dung kiểm tra phải bám sát vào chuẩn kiến thức – kĩ năngcần đạt ở mỗi giai đoạn để ra đề.
Tập trung kiểm tra những kiến thức dạng thường thức gần gũi, gắn liền và ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của học sinh đảm bảo chuẩn kiến thức và kĩ năng cơ bản của chương trình; tránh những kiến thức xa rời thực tế, kiến thức mở rộng ngoài chương trình hoặc những câu hỏi kiểm tra dạng đố em, games show…
Lưu ý chung: không cho điểm 0, điểm thập phân và chú trọng ghi nhận những hạn chế, sai sót của học sinh để có giải pháp giúp đỡ, rèn luyện lại cho các em.
T.B
Bình luận (0)