TP.HCM vừa đồng ý cho phép thành lập các cụm đào tạo và nghiên cứu, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) nhằm đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số, xây dựng TP.HCM trở thành đô thị thông minh. Đây được xem là điều kiện thuận lợi để sinh viên (SV) đang theo học, nghiên cứu trong lĩnh vực AI thỏa sức thiết kế, phát huy kiến thức đã học để đưa ra những sản phẩm công nghệ phục vụ phát triển kinh tế – xã hội.
Lãnh đạo TP.HCM tham quan gian hàng trưng bày sản phẩm công nghệ thay con người giải quyết các vấn đề trong cuộc sống
Có ý tưởng nhưng chưa thể triển khai
Nói về giá trị AI mang lại cho SV, Nguyễn Đình Hoàng Phúc – SV cử nhân tài năng Khoa CNTT, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên TP.HCM – cho biết: “AI khơi dậy nhiều ước mơ, hoài bão trong SV. Những lần tham gia nghiên cứu, tham gia cuộc thi giải quyết các bài toán trong lĩnh vực AI chính là lúc tôi được ứng dụng những kiến thức đã học. Qua đó phát triển kỹ năng nghiên cứu, làm việc nhóm, viết báo cáo khoa học. Hơn hết là cảm giác đang được cống hiến cho sự phát triển xã hội. AI đã mở ra cho tôi niềm tin và mục tiêu để bản thân theo đuổi, đó là xây dựng TP, đất nước ngày một thông minh hơn”.
Tuy nhiên, để đạt được những mục tiêu, Phúc cho rằng, TP cần có định hướng phát triển chính xác và vững chắc về AI. Trong đó, cần có một chương trình giảng dạy phù hợp với định hướng nghề nghiệp của SV và mục tiêu phát triển TP. GD nên được thay đổi theo cách chú trọng sự thông hiểu bản chất, cốt lõi giúp SV nắm chắc những vấn đề cơ bản đặc biệt trong toán học và tin học theo cách khuyến khích sự sáng tạo, dám nghĩ, dám làm. Không nên đặt nặng thi cử và thành tích.
Bên cạnh đó, đầu tư thêm cơ sở vật chất cho trường học, viện nghiên cứu. Các cuộc thi cũng phải hướng đến giải quyết vấn đề thực tiễn mà TP đang gặp phải như giao thông, ngập nước, môi trường… Sau các cuộc thi, tiếp tục đầu tư phát triển ứng dụng, giải pháp để tránh việc học tập, nghiên cứu chỉ dừng lại trong khuôn khổ nhỏ.
Theo Phúc, cần giải quyết những vấn đề này bởi vì phát triển AI gồm nghiên cứu và ứng dụng. Cả hai quá trình đều quan trọng như nhau và hỗ trợ lẫn nhau. Tham gia lĩnh vực nghiên cứu, trước hết đòi hỏi kiến thức nền tảng của SV phải vững vàng nhưng hiện nay chương trình chưa chú trọng thể hiện rõ cốt lõi vấn đề, chưa phản ánh kiến thức có thể áp dụng vào đâu, thường mang nặng thi cử. Và vẫn còn đặt nặng việc sớm cho ra kết quả nghiên cứu, vô tình gây áp lực, cản trở SV.
Hoặc trong lĩnh vực ứng dụng, để làm ra những sản phẩm mang tính sáng tạo cao thì rất cần trang thiết bị hiện đại mô phỏng, máy in 3D, máy bay drone, hệ thống máy tính cấu hình cao để chạy được các mô hình Machine Learning phức tạp… Sự thiếu hụt trang thiết bị đã và đang làm giới hạn tiềm năng của SV. Nhiều SV có ý tưởng hay nhưng chưa thể tiếp cận với những công cụ hiện đại và hoài nghi về tính khả thi về những ý tưởng của chính mình.
Đến từ Trường ĐH Bách Khoa TP.HCM, SV Bảo Duy cũng đề xuất, TP nên có nguồn dữ liệu mở và phù hợp với thực tiễn. Hiện có nhiều nguồn dữ liệu nhưng phù hợp với thực tiễn TP thì rất ít, gây khó khăn cho phát triển ứng dụng CNTT vào giải quyết các bài toán thực tế TP đặt ra.
“Nhiều SV có ý tưởng rất hay nhưng khi cần nguồn dữ liệu để nghiên cứu và ứng dụng thì rất hạn chế”, Duy cho biết.
Không để lãng phí chất xám của sinh viên
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong vừa giao ĐH Quốc gia TP.HCM, Sở Thông tin – Truyền thông và Sở Khoa học – Công nghệ cùng phối hợp xây dựng đề án thành lập các cụm đào tạo và nghiên cứu, ứng dụng AI để phục vụ cho người dân. Hội đồng tư vấn chương trình “Nghiên cứu và phát triển ứng dụng AI tại TP.HCM giai đoạn 2020-2030” sẽ tư vấn cho TP về các cơ chế, chính sách thúc đẩy AI phát triển, trong đó có vấn đề đào tạo nguồn nhân lực.
Chủ tịch UBND TP cho rằng, để đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số, xây dựng khu đô thị sáng tạo phía Đông TP, cũng như xây dựng TP.HCM trở thành đô thị thông minh, trong đó có lĩnh vực AI thì bài toán đặt ra đối với lãnh đạo TP chính là nguồn nhân lực thực hiện. Trước hết phải đào tạo đội ngũ nhân lực chất lượng cao, mang trình độ ngang tầm quốc tế nhằm đáp ứng yêu cầu việc triển khai các đề án. Nếu không thực hiện chỉ là ước vọng.
Đại hội Đại biểu Đảng bộ TP.HCM lần thứ XI đã đề ra các nhiệm vụ, giải pháp phát triển TP giai đoạn 2020-2025; trong đó có việc xác định đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Đảng bộ TP xác định, xây dựng các chương trình nghiên cứu, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo nhằm liên kết các trường, viện với doanh nghiệp, trong đó lấy doanh nghiệp là trung tâm, ưu tiên các lĩnh vực ứng dụng AI, công nghệ 5G và sau 5G, robot, công nghệ sinh học, in 3D, internet vạn vật, vật liệu mới và các công nghệ mới… Những quyết định nhằm đáp ứng thực tiễn xây dựng TP.HCM trở thành đô thị thông minh. |
“Việc thành lập các cụm đào tạo và nghiên cứu, ứng dụng AI sẽ là địa điểm để SV thỏa sức thiết kế, phát huy kiến thức đã học để đưa ra những sản phẩm công nghệ ứng dụng vào phát triển kinh tế – xã hội. Tiềm năng nghiên cứu về AI của SV rất lớn. Theo đó, ĐH Quốc gia TP.HCM sẽ là đơn vị được TP đặt hàng đào tạo nguồn nhân lực về AI trình độ quốc tế”, ông Phong cho biết.
Cũng theo ông Phong, sắp tới TP sẽ hình thành Viện Công nghệ tiên tiến và đổi mới sáng tạo. Đây sẽ là cầu nối đưa sản phẩm khoa học công nghệ đi vào thị trường, biến khoa học công nghệ trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp thúc đẩy cho sự phát triển TP.
TP cũng đã khởi công xây dựng Trung tâm Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, đáp ứng nhu cầu sáng tạo của hơn 50% số lượng Startup của TP. Và trong chương trình nghị sự hội đồng hiệu trưởng các trường CĐ, ĐH sắp tới, Chủ tịch UBND TP sẽ trực tiếp đề xuất hiệu trưởng các trường quan tâm hình thành trung tâm đổi mới sáng tạo ngay trong trường ĐH.
Sinh viên tiêu biểu trong cuộc thi thử thách trí tuệ nhân tạo được lãnh đạo TP.HCM vinh danh
“Thực hiện những việc này xuất phát từ việc TP thấy được trên thế giới có nhiều sáng kiến và sản phẩm khoa học công nghệ của SV đang ứng dụng vào thực tiễn. Đây là điều kiện thúc đẩy đổi mới sáng tạo ngay trong SV và cả đội ngũ cán bộ, giảng viên”, ông Phong nói.
Để giải quyết khó khăn về tài chính trong nghiên cứu khoa học, cụ thể những đề tài nghiên cứu gắn với giải pháp thúc đẩy kinh tế – xã hội TP phát triển, ông Phong chỉ đạo Trung tâm Phát triển Khoa học và Công nghệ Trẻ phối hợp với Sở Khoa học – Công nghệ để lấy nguồn kinh phí từ ngân sách hỗ trợ nghiên cứu của SV.
Ông cũng động viên SV không quá lo lắng trong việc tiếp cận nguồn dữ liệu mở. Bởi trong 4 cấu phần trọng yếu của Đề án xây dựng TP.HCM trở thành đô thị thông minh thì cấu phần “xây dựng kho dữ liệu và hệ sinh thái dữ liệu mở” đang được Sở Thông tin – Truyền thông xây dựng quy chế. Đây là điều kiện để SV tiếp cận dễ dàng.
Minh Phương
Bình luận (0)