Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN) sẽ hợp tác với nhau để thành lập những nhóm nghiên cứu giải quyết các vấn đề cụ thể trong vùng, theo hội thảo đầu tiên về Nhóm hợp tác giáo dục bậc cao và nghiên cứu tiên phong ASEAN.
Đại học Chulalongkorn, Thái Lan, một trong những trường lâu đời nhất Đông Nam Á – Ảnh: entryparks.coM |
Trang mạng Universities World News ngày 5-12 cho biết ba nhóm nghiên cứu đầu tiên được thiết lập sẽ dựa trên các thế mạnh của vùng, tập trung vào y tế và dược, hợp tác giữa Singapore và Thái Lan; hợp tác lương thực và nông nghiệp với các nước trọng điểm là Việt Nam, Thái Lan và Malaysia và năng lượng, môi trường và đa dạng sinh học, với Philippines và Indonesia đóng vai trò chính.
“Ở nhiều nước ASEAN có nhiều nhà nghiên cứu xuất sắc, nhưng khi xem hồ sơ nghiên cứu của từng nước, ảnh hưởng của yếu tố này vẫn không đáng kể. Đó là lý do tại sao ASEAN phải hợp tác để tăng cường khả năng nghiên cứu của chúng ta trong cộng đồng quốc tế… Để hình thành một mạng lưới nghiên cứu mạnh mẽ, các trường đại học của chúng ta phải hợp tác vùng chặt chẽ hơn và triển vòng này là rất lớn. Các nước ASEAN khác nhau có những thế mạnh nghiên cứu khác nhau và tôi cho rằng sẽ rất thích hợp nếu chúng ta chia sẻ quan điểm và kiến thức, trong những lĩnh vực mà chúng ta mạnh nhất” – Thủ tướng Thái Lan Abhisit Vejjajiva nói trong buổi khai mạc hội thảo.
Dự án này, sẽ được giao trực tiếp cho các trường đại học, do Thái Lan làm tiên phong là một phần của kế hoạch xây dựng cộng đồng ASEAN duy nhất vào năm 2015, bao gồm việc hòa hợp giáo dục bậc cao.
Bộ trưởng Giáo dục Thái Lan Chinnaworn Boonyakiat nói tại hội thảo: “Mỗi thành viên ASEAN có thế mạnh trong các lĩnh vực nghiên cứu khác nhau, nên để tránh sự trùng lắp lãng phí và không cần thiết, các nước ASEAN nên hợp tác chặt chẽ để tăng cường khả năng và hiệu quả nghiên cứu. Qua chương trình hợp tác này, chúng tôi hy vọng ASEAN có thể chia sẻ các cơ sở, nguồn lực và nguồn nhân lực vì lợi ích và sự phồn vinh tổng thể của vùng”.
Tuy nhiên, một số quốc gia với các trường đại học mà khả năng nghiên cứu còn yếu sẽ không tham gia ngay từ đầu.
Một trở ngại lớn cho ý tưởng này là sự khác biệt về trình độ nghiên cứu giữa các quốc gia, từ rất phát triển như Singapore đến gần như không có gì như Lào và Campuchia. Các nước Malaysia, Thái Lan và Việt Nam thì lại nằm giữa hai nhóm đó.
“Một số quốc gia chỉ mới có viện nghiên cứu đại học vài năm trở lại đây, một số còn không có gì” – Yongyuth Yuthavong thuộc Viện nghiên cứu khoa học tự nhiên và phát triển công nghệ Thái Lan, nói với University World News.
Một số đại biểu cũng nghi ngờ việc các nước phát triển như Singapore hay thậm chí là Thái Lan và Malaysia, sẵn lòng chia sẻ các nghiên cứu của họ. ASEAN cũng hy vọng trên cơ sở này mở rộng hợp tác trong lĩnh vực khoa học ASEAN+6, bao gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Úc và New Zealand.
Cung cấp tài chính cho dự án cũng sẽ là một câu hỏi quan trọng. “Những nước thành viên sẽ phải góp theo tỉ lệ, có thể dựa trên GDP” – ông Chaiyudh đề xuất.
HẢI MINH / TTO
Bình luận (0)