Theo đánh giá của các trường TC-CĐ, hiện vẫn còn một bộ phận nhỏ phụ huynh và học sinh xem học nghề là lựa chọn thứ hai, thậm chí là lựa chọn cuối cùng khi không còn cơ hội nào. Tuy nhiên, nhìn chung nhận thức của xã hội về học nghề đã có nhiều thay đổi tích cực.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam và lãnh đạo Tổng cục GDNN tham quan mô hình đào tạo nghề của Trường CĐ Kỹ nghệ II tại Ngày hội khởi nghiệp quốc gia học sinh – sinh viên năm 2020
Nhìn lại kết quả tuyển sinh của các trường TC-CĐ trong những năm gần đây, nhiều trường tuyển đạt và vượt chỉ tiêu chỉ trong một thời gian ngắn nhận hồ sơ. Đáng mừng là một số trường trước đây tuyển sinh èo uột, có nghề nhiều năm liền không tuyển được người học, không thể mở lớp thì nay đã thoát cảnh “đói” người học.
Không thể ngồi chờ người học
Hiệu trưởng một trường TC nghề cho rằng, thực trạng bao cấp kinh phí ngân sách Nhà nước hiện nay đã tạo tâm lý ỷ lại của một số trường nghề. Vì thế các trường thiếu chủ động trong việc quảng bá hình ảnh để tìm người học. Trong khi đó, các trường đang thực hiện tự chủ theo lộ trình đã phải giao khoán chỉ tiêu tuyển sinh cho từng khoa, từng ngành nghề. Thu nhập của đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên cũng phụ thuộc vào kết quả tuyển sinh hàng năm.
Sự khởi sắc này, theo đại diện các trường TC-CĐ là nhờ xây dựng kế hoạch quảng bá tuyển sinh hàng năm cho từng ngành nghề cụ thể với kinh phí bỏ ra không hề nhỏ. Theo đó, bên cạnh quảng bá theo các kênh truyền thống, các trường còn giới thiệu hình ảnh của đơn vị trên các ứng dụng mới phù hợp với xu thế công nghệ. Phát biểu tại lễ khai giảng của một trường nghề mới đây, ông Lê Minh Tấn (Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP.HCM) khẳng định, trong bối cảnh hiện nay, việc quảng bá hình ảnh giáo dục nghề nghiệp (GDNN) phải thực hiện thường xuyên bằng nhiều kênh để người học, xã hội dễ dàng tiếp cận. Việc này phía nhà trường phải chủ động hoặc có thể liên kết với doanh nghiệp (DN) để cùng xây dựng hình ảnh. Theo ông Tấn, một số trường nghề khẳng định được vị thế của mình trong hệ thống GDNN cũng như tạo uy tín với DN là nhờ vào sự kết nối chặt chẽ giữa các bên. Trường nghề có thế mạnh đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, bên cạnh nguồn lực sẵn có thì cũng nhờ một phần hỗ trợ từ các DN về đội ngũ chuyên gia, trang thiết bị đào tạo… Ngược lại, DN có thể chủ động được nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, nâng cao vị thế cạnh tranh trên thị trường.
Hiện nay, nhiều trường nghề đang thực hiện lộ trình tự chủ, nguồn tuyển quyết định đến sự “sống còn” của trường, do vậy mỗi trường đều có cách quảng bá riêng, ngắn hạn hoặc dài hơi tùy điều kiện thực tế.
Quảng bá dự án khởi nghiệp với doanh nghiệp
Tại Ngày hội khởi nghiệp quốc gia học sinh – sinh viên GDNN do Bộ LĐ-TB&XH tổ chức mới đây, đại diện Trường CĐ Nghề Ninh Thuận cho rằng kết quả đào tạo, tỷ lệ học sinh – sinh viên ra trường có việc làm ngay cao… chính là thước đo chính xác nhất để tạo dựng hình ảnh của trường trong xã hội. Để có được kết quả này không thể xem nhẹ vai trò kết nối giữa nhà trường với DN. Tương tự, ThS. Nguyễn Đăng Lý (Hiệu trưởng Trường CĐ Quốc tế TP.HCM) cũng đánh giá cao việc giới thiệu hình ảnh của trường bằng “người thật, việc thật”, bằng sự nhìn nhận khách quan của DN. Đó là những học sinh – sinh viên xuất sắc giành giải cao tại các cuộc thi kỹ năng nghề; những cựu học sinh – sinh viên đã thành danh… Bên cạnh đó, các khoa còn ký kết hợp tác với DN, cam kết 100% người học ra trường có việc làm, đặc biệt là các DN do chính cựu học sinh – sinh viên của trường làm chủ. Trong khi đó, bà Phạm Quang Trang Thủy (Hiệu trưởng Trường TC nghề Kỹ thuật Công nghệ Hùng Vương) khẳng định: “Nhiều năm nay, bên cạnh đào tạo đội ngũ lao động kỹ thuật có tay nghề cao cho thị trường lao động, trường còn chú trọng xây dựng đội ngũ chuyên gia nghề các cấp độ cũng như đào tạo học sinh tham gia các kỳ thi tay nghề quốc gia, khu vực và thế giới. Đó là kênh quảng bá hình ảnh của trường hiệu quả nhất đến với xã hội”.
SỚM XÂY DỰNG CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN GDNN CHO 10 NĂM TỚI Phát triển giáo dục nghề nghiệp (GDNN) là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tăng năng suất lao động và năng lực cạnh tranh quốc gia trong tình hình mới. Đó là nhận định được các đại biểu đưa ra tại Hội thảo tham vấn nội dung cơ bản của Chiến lược phát triển GDNN giai đoạn 2021-2030 do Tổng cục GDNN tổ chức mới đây tại Cà Mau. Tại hội thảo, ông Lê Quân (Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau) nhấn mạnh: GDNN của Việt Nam đang đứng trước nhiều thách thức, trong đó có đội ngũ giáo viên, đòi hỏi phải có cơ chế để các thầy cô tiếp cận gần hơn với thị trường lao động, phải đào tạo bồi dưỡng và có chế độ đãi ngộ để đội ngũ này năng động hơn. Bà Khương Thị Nhàn (Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính, Tổng cục GDNN) cho biết dự thảo Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội Việt Nam giai đoạn 2021-2030 đã nêu rõ định hướng phát triển đất nước trong 10 năm tới và các năm tiếp theo là: “Nước ta trở thành một nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thuộc nhóm trên của nước có thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và trở thành nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045”… Tại hội thảo, các đại biểu thống nhất với mục tiêu trong dự thảo Chiến lược phát triển GDNN Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tuy nhiên để đạt được mục tiêu này, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó những giải pháp đột phá gồm: Đảm bảo tính phù hợp, linh hoạt và mở của hệ thống; tăng cường gắn kết GDNN với thị trường lao động và việc làm bền vững cũng như quản lý, đảm bảo chất lượng. “Những ý kiến đóng góp tâm huyết của các đại biểu là cơ sở để xây dựng một bản chiến lược phát triển GDNN xứng tầm nhất và là cơ sở để định hướng, thúc đẩy sự phát triển hệ thống GDNN trong 10 năm tới”, TS. Trương Anh Dũng (Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN) khẳng định. T.Hằng
|
TS. Trương Anh Dũng (Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN, Bộ LĐ-TB&XH) cho rằng mỗi trường nghề có một thế mạnh riêng, tuy nhiên để phát huy thế mạnh sẵn có cần phải quảng bá nhiều hơn nữa. Theo đó, có thể quảng bá theo kênh ngày hội tuyển sinh, ngày hội việc làm, ngày hội khởi nghiệp hoặc tham gia các kỳ thi kỹ năng nghề… Ông Dũng cho biết thêm, nhận thức của xã hội về học nghề đã có thay đổi tích cực. Học sinh tốt nghiệp THCS, THPT chủ động rẽ sang trường nghề xác định mục tiêu học nghề để lập thân, lập nghiệp sớm. Tuy nhiên, bên cạnh các kênh thông tin của Tổng cục GDNN về từng trường, từng ngành nghề, mức học phí, cơ hội việc làm… thì các trường phải chủ động cập nhật dự báo thông tin tương lai việc làm, thu nhập, môi trường sẽ làm việc… để người học có cái nhìn bao quát, từ đó dễ dàng định hướng nghề nghiệp của mình.
Ở góc độ khác, ông Đỗ Năng Khánh (Phó Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN) cho biết việc quảng bá các công trình nghiên cứu, dự án… của học sinh – sinh viên cũng là cách để quảng bá tên tuổi của trường. Việc kết nối DN đồng hành, hỗ trợ nhà trường, hỗ trợ học sinh – sinh viên học tập, khởi nghiệp không chỉ quảng bá cho trường mà còn quảng bá được hình ảnh GDNN trong xã hội.
Bài, ảnh: Trần Trọng Tri
Bình luận (0)