Hiệu trưởng là người quán xuyến tất cả mọi việc trong nhà trường, không chỉ lãnh đạo mà còn phải biết đôn đốc, nhắc nhở anh em dưới quyền hoàn thành công việc được giao. Theo tôi, hai ông hiệu trưởng trường A và B trong tình huống mà thầy Nguyễn Ngọc Ký đưa ra đều chưa phải là hiệu trưởng toàn năng, vẫn còn những bất cập trong công tác quản lý lãnh đạo.
Có thể thấy hiệu trưởng trường A là người rất lo lắng đến công việc, luôn quan tâm tới mọi hoạt động trong trường. Tuy là giáo viên dạy ngoại ngữ nhưng việc dự giờ các tổ khác cũng rất cần thiết, nhưng không nhất thiết hiệu trưởng phải đánh giá sâu về mặt chuyên môn. Việc dự giờ của hiệu trưởng trường A cho thấy sự quan tâm của ban giám hiệu đối với giáo viên, phần nào thúc đẩy phong trào dự giờ, thăm lớp để nâng cao chất lượng giờ dạy và đổi mới phương pháp. Nhưng ông hiệu trưởng không biết dừng đúng lúc, đúng chỗ. Do quá ôm đồm hầu như ông đã làm thay mọi việc cho người khác. Vì thế, khi không có mặt hiệu trưởng thì mọi chuyện lại rối tung.
Ngược lại, ông hiệu trưởng trường B lại có phong cách chỉ đạo khác. Ông quá thờ ơ với các hoạt động của trường, ngay cả hoạt động có ý nghĩa giáo dục rất lớn trong học sinh như buổi chào cờ đầu tuần, ông cũng không “quan tâm”. Nếu do bận công việc thì không nói chi, đằng này ông lại rất rảnh rỗi, đang ngồi uống nước trà, như vậy thật đáng chê trách. Ngoài căn bệnh quan liêu, ông còn mang thêm căn bệnh hình thức, lễ nghi không cần thiết khi phải xuất hiện trong tràng pháo tay của học sinh. Tuy nhiên, so với hiệu trưởng trường A, ông có nhiều ưu điểm hơn: có năng lực tổ chức, có tài lãnh đạo…
Theo tôi, một hiệu trưởng mẫu mực cần hội đủ những tiêu chí sau: người lãnh đạo phải biết đâu là việc cần làm và không nên làm, dù mình có thể làm được. Nếu hiệu trưởng đứng ra làm mọi việc thì không bao giờ làm xuể mà hậu quả là thiếu sự phân cấp cần thiết. Vì ngoài ban giám hiệu còn có đoàn thể và các bộ phận khác, ai cũng biết chung tay làm việc trên tinh thần hợp tác; người lãnh đạo nên hạn chế sự quan liêu, xa rời quần chúng; có năng lực quản lý và cả năng lực chuyên môn.
Bản thân tôi là một giáo viên, để góp phần tích cực thực hiện chủ đề năm học, tôi sẽ chấp hành mọi sự chỉ đạo và phân công của hiệu trưởng (nếu chỉ đạo ấy là đúng). Luôn trau dồi học hỏi ở các đồng nghiệp để nâng cao trình độ chuyên môn và áp dụng các phương pháp mới để nâng cao hiệu quả giảng dạy cho học sinh.
Võ Thị Thu Thanh
(Bình Thạnh)
Bình luận (0)