NGƯT Nguyễn Ngọc Ký “trổ tài” viết chữ trước sự khâm phục của các em thiếu nhi. Ảnh: N.Quang |
Thủ tướng Phạm Văn Đồng gọi Nguyễn Ngọc Ký là “tấm gương vượt khó tuyệt vời”. Qua những năm dạy Ký ở Khoa Ngữ văn Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội (1966-1970) tôi càng quý nghị lực của em. Tất cả các khoa trong trường ngày đó dù điều kiện sơ tán khó khăn vẫn tìm cách mời Ký đến giao lưu. Sau khi vừa tốt nghiệp ĐH, Ban giám đốc Sở Giáo dục cùng Thành đoàn Hải Phòng đã nhờ tôi liên hệ mời Ký đến giao lưu một tháng tại tất cả các quận huyện. Chiếc tàu Sooc-xơ-nư-gooc lúc đó đang đậu tại Cảng Hải Phòng đã mời Ký xuống tàu giao lưu và ông Thuyền trưởng đã gọi Ký là Pa-ven Việt Nam. Khi tôi chuyển vào công tác tại TP.HCM, theo yêu cầu của nhiều trường học tại TP tôi đã viết thư vận động Ký vào thăm TP. Quả thật năm 1993 khi Ký vừa xuất hiện tại TP.HCM hôm trước, hôm sau đã tới tấp các trường đón anh về giao lưu. Khi tôi làm Hiệu trưởng Trường PTDL Trương Vĩnh Ký tôi đã đề xuất BGH mời ngay Ký về giao lưu. Và buổi giao lưu đó đã để lại trong lòng thầy và trò Trường Trương Vĩnh Ký nhiều bài học sâu sắc.
Tôi không bất ngờ khi biết Ký đã bắt đầu “sự nghiệp” giao lưu từ năm lớp 6. Đến nay (2010) số buổi giao lưu của anh đã là 1.184 buổi. Anh vẫn đang tiếp tục thắp lửa sống cho bao thế hệ trẻ gần xa. Bằng những mẩu chuyện chân thực giản dị được kể với trái tim dạt dào cảm xúc của một nhà văn, với tư duy khúc triết khoa học sáng tạo của một nhà giáo giàu kinh nghiệm và tâm huyết anh đã gieo vào lòng học trò niềm tin mãnh liệt vào chính mình. Lời Bác dạy: “Không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền” được minh chứng sống động trong từng lời kể đầy sức cuốn hút của Ký. Có vị hiệu trưởng đã nói hơi quá rằng Ký đến giao lưu với học sinh trường có 45 phút mà tác dụng hơn cả nhà trường dạy đạo đứcsuốt năm.
Mong sao Ký vượt qua bệnh tật (hiện Ký đang suy thận độ 4), đi được nhiều hơn nữa, đến được nhiều hơn nữa – những nơi các em học sinh đang mong chờ để tiếp tục sự nghiệp giáo dục thế hệ trẻ mà Ký hạnh phúc lựa chọn – không phải bằng phấn trắng bảng đen nữa mà bằng chính câu chuyện thực tế của cuộc đời anh đã trở thành huyền thoại từ lâu.
GS-NGND HOÀNG NHƯ MAI
Bình luận (0)