Tôi đã đọc bài viết Thúy Kiều trao duyên cho em: Đối thoại hay độc thoại? của tác giả Lê Xuân Lít đăng ở mục Cảo thơm lần giở trên Báo Giáo Dục TP.HCM số 909, ra ngày 1-12-2010. Đúng như tác giả đánh giá, đây là một đoạn thơ độc đáo trong Truyện Kiều nhưng độc đáo hơn là ở chỗ: khó mà lý giải tách bạch được đây là đoạn thơ đối thoại hay độc thoại? Tác giả lý giải: “Đối thoại với em gái cũng là độc thoại với chính mình. Đối thoại với Thúy Vân cũng chính là để nói chuyện với chàng Kim”. Đây là phát hiện của tác giả Lê Xuân Lít. Một phát hiện nữa của tác giả khi phân tích sang đoạn thơ tiếp: “Bây giờ trâm gãy gương tan”… Rồi đang nói với Thúy Vân đấy, Kiều đã hướng về chàng Kim từ lúc nào. Theo tôi, xét về mặt ngữ cảnh, trước mặt Kiều trong đêm khuya chỉ có Thúy Vân nên đối thoại với em có thể là độc thoại với chính mình nên không thể đối thoại (trực tiếp) cùng Kim Trọng được. Như vậy rõ ràng Kiều đang độc thoại với chính mình. Tuy nhiên dựa vào nội dung đoạn thơ nàng đang nói về “má hồng phận bạc” “tơ duyên ngắn ngủi” của mình thì vẫn có thể nói nàng đang đối thoại (gián tiếp) với Kim Trọng. Điều này tưởng như vô lý nhưng thực ra không mâu thuẫn chút nào. Đọc đến đây làm tôi liên tưởng đến những đoạn đối thoại trong tác phẩm Ông già và biển cả của Huê-ming-uê. Nhân vật đang nói chuyện với con cá kiếm nhưng thực ra là độc thoại (vì cá làm sao nghe được). Chỉ có một mình ông lão ở giữa biển nên độc thoại này cũng là đối thoại với chính mình và cả người đọc. Cũng như độc thoại trong kịch nói – thực ra cũng là một cách đối thoại với khán giả mà thôi. Vì thế chúng ta cần phải phân tích tỏ tường hơn “đường đi nước bước” của không gian ngôn ngữ trong đoạn thơ Trao duyên đã được đưa vào chương trình học phổ thông.
Xin nói thêm ở bài Thúy Kiều ra đi theo Mã giám sinh số 918, ra ngày 22-12, tác giả giải thích kiệu hoa là chiếc xe(?) e không đúng vì kiệu không có bánh nên không phải là xe mà là… cái kiệu. Tôi rất tâm đắc cách lý giải câu thơ: “Thiệt lòng khi ở đau lòng khi đi” thấu lý đạt tình mà rất khách quan, mặc dù mới chỉ là suy luận của tác giả chứ chưa rõ ý của cụ Nguyễn như thế nào. Tuy nhiên trong bài này có nhắc đến câu: “Nhị đào thà bẻ cho người tình chung” nên cắt nghĩa thêm. Theo chữ Hán chữ “kim” và “trọng” ghép lại thành từ “chung” như vậy người tình chung ở đây theo cách chơi chữ cũng là… Kim Trọng. Đó là nét độc đáo của câu thơ mà chúng ta cần giới thiệu cho HS tham khảo tài nghệ của cụ Nguyễn Tiên Điền.
Hương Thủy
Bình luận (0)