Với người dạy, phương tiện dạy học là chất xúc tác để làm cho bài giảng sâu sắc hơn. Ảnh: P.N.Q |
Nhiều thầy cô giáo khẳng định, phương tiện dạy học nếu biết sử dụng tốt thì sẽ trở thành “chiếc gậy thần” cho giáo viên (GV) khi đứng lớp. Tuy nhiên, nếu không biết phát huy vai trò của nó thì có khi kết quả lại không được như ý muốn của người sử dụng.
Sử dụng cái gì?
Phương tiện dạy học vừa điều khiển được hoạt động nhận thức một cách sinh động vừa là nguồn tri thức phong phú để lĩnh hội tri thức và rèn luyện kỹ năng. Các phương tiện đó chính là “cha đẻ” của biểu tượng – một cơ sở tạo nên khái niệm, định nghĩa. Không dừng lại ở đó, phương tiện dạy học còn giúp học sinh đào xới sâu hơn vào “miếng đất” tri thức mà mình đã lĩnh hội trước đó, giúp các em có thêm chất men hứng thú tiếp nhận tri thức và hình thành các kỹ năng, năng lực khác. Với người dạy, phương tiện dạy học lại là chất xúc tác để làm cho bài giảng sâu sắc hơn, tinh giản mà đầy đủ. Ít ai biết rằng, nó còn “âm thầm” làm cho kiểm tra, đánh giá kết quả học tập có hiệu quả hơn. Nhìn xa thêm, các phương tiện đó còn bồi đắp trong học sinh các phẩm chất cần thiết như: lòng kiên trì, ý thức tự giác, tính tích cực, óc thẩm mỹ…
Vậy thiết bị dạy học nào thông dụng cho môn địa lý? Chúng tôi có thể kể ra một số loại cơ bản như sau: Những bộ sưu tập Album tranh ảnh các loại phục vụ giáo trình địa lý trong nước (các vùng địa lý tự nhiên, các khu kinh tế, phong cảnh đất nước), hiện tượng địa lý (thủy triều, núi lửa, các dạng địa hình), tranh ảnh về nông sản, lâm sản… Mô hình giáo khoa hình khối: các mô hình thiết kế (chuyển động của trái đất), tiêu bản các mẩu đá (đá biến chất, mắc ma, trầm tích), tiêu bản động thực vật (cây trồng, thú, chim nhồi bông), sa bàn đắp nổi. Tài liệu, số liệu thống kê: báo tạp chí, tác phẩm khoa học, ghi âm, băng hình, đĩa từ, niên giám, tạp chí thống kê…
Ngoài ra, GV có thể sưu tầm và sử dụng thêm các loại phương tiện dạy học khác sẵn có và linh hoạt hơn.
Và sử dụng như thế nào?
Ở đây điều chúng tôi muốn đề cập đến là không phải sử dụng cái gì mà phải sử dụng như thế nào? Vì thế khi “xài” chúng, GV phải chú ý các nguyên tắc cơ bản sau: Căn cứ vào mục đích nghiệp vụ, nội dung và hình thức bài học (nội khóa, ngoại khóa) để lựa chọn phương tiện tương ứng theo kiểu “đo bò làm chuồng”. Đưa ra phương pháp phù hợp cho việc sử dụng mỗi loại phương tiện, tránh tình trạng “lấy râu ông nọ cắm cằm bà kia”. Trước khi sử dụng cần giải thích mục đích, nội dung giải quyết để “nhìn thấy đường trước khi đi”. Đảm bảo cho tất cả học sinh đều được quan sát rõ ràng và đầy đủ, nếu không học sinh sẽ thiếu tập trung chú ý. Đảm bảo việc kết hợp với các phương pháp giảng dạy khác, chứ không coi đó là phương pháp độc tôn duy nhất.
Bên cạnh đó, sử dụng phương tiện dạy học cần đi đúng quy trình chứ không thể ngẫu hứng. Tìm hiểu bài dạy để định ra nội dung (một hiện tượng, khái niệm hay một định luật), nếu không dễ bị chệch hướng. Biết trước những kỹ năng cần rèn luyện, dự kiến trước các phương tiện để có sự cân đối, hài hòa. Không thể làm tới đâu hay tới đó. Chi tiết hóa cách sử dụng theo từng nội dung, càng cụ thể thì càng dễ thực hiện. Trong giáo án, bên cạnh việc nêu các trình tự, các bước lên lớp thì cần ghi rõ sử dụng lúc nào? Dùng như thế nào? Hệ thống câu hỏi thuộc dạng nào? Liệu cơm gắp mắm, tùy theo hoàn cảnh điều kiện của nhà trường. Kiểm tra và thử trước nhằm tránh gặp sự cố trục trặc, dự tính phương pháp làm việc của thầy và trò, chọn thời điểm thích hợp để sử dụng phương tiện. Không nên nhớ gì làm nấy một cách phản khoa học và thiếu tính sư phạm.
Mặc dù lý thuyết chúng tôi đưa ra như vậy nhưng việc sử dụng giáo án và các phương tiện dạy học tùy thuộc vào bàn tay tài hoa của từng thầy cô giáo. GV nào có năng lực, giàu kinh nghiệm biết chuẩn bị kỹ càng chu đáo thì càng mang lại hiệu quả cao cho tiết dạy. Điều đó khẳng định sự sáng tạo của GV là không thể thiếu.
Nguyễn Thị Kim Lệ
(GV Trường THCS Lê Quý Đôn, Thủ Đức)
Phương tiện dạy học chính là “cha đẻ” của biểu tượng – một cơ sở tạo nên khái niệm, định nghĩa. Phương tiện dạy học giúp học sinh đào xới sâu hơn vào “miếng đất” tri thức mà mình đã lĩnh hội, giúp các em hình thành các kỹ năng, năng lực khác. |
Bình luận (0)