Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Đào tạo nghề cần sự đồng hành của doanh nghiệp

Tạp Chí Giáo Dục


Quang cảnh hội thảo

Nâng cao chất lượng đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội; Tập trung phát triển đào tạo theo đơn đặt hàng; Mở rộng quy mô đào tạo, địa điểm đào tạo đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội ở các vùng miền; phát triển bền vững các ngành kỹ thuật; Nâng cao chất lượng dịch vụ đào tạo… là những nội dung được TS.Bùi Văn Hưng – Phó Hiệu trưởng Trường CĐ Kỹ nghệ II (HVCT) đề cập tại Hội thảo “Định hướng chiến lược phát triển HVCT đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2040”, tổ chức ngày 22-8.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Nguyễn Thị Hằng, Hiệu trưởng HVCT nhấn mạnh, trong thời gian thí điểm tự chủ tài chính, trường đã đạt được những thành quả nhất định. Đặc biệt là học sinh, sinh viên ra trường đều có việc làm đúng với ngành nghề mà nhà trường đào tạo.

Cũng theo TS Hằng, trước sự phát triển của khoa học công nghệ, không thể đào tạo nghề như trước đây mà phải gắn với doanh nghiệp (DN), DN phải đồng hành. Nhà trường có đầu tư trang thiết bị đến đâu cũng không theo kịp DN, vì vậy việc mở rộng hợp tác với DN trong xây dựng chương trình, trực tiếp đào tạo… là một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà trường hướng tới.



TS Bùi Văn Hưng trình bày chiến lược phát triển nhà trường đến năm 2030, tầm nhìn 2040

Trong khi đó, TS Bùi Văn Hưng – Phó Hiệu trưởng HVCT cho rằng, chất lượng đào tạo là danh dự, thương hiệu của nhà trường. Đó là mục tiêu mà trường hướng tới nhằm đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực trong và ngoài nước. TS Hưng cũng đánh giá cao liên kết đào tạo giữa trường và DN, xem tuyển sinh và tuyển dụng là một, đó là vấn đề sống còn của trường.

Được biết, đến thời điểm này, trường đã chuyển đổi 26 nghề đào tạo theo mô hình đào tạo gắn với DN. Đồng thời chuyển 40% modul, môn học của chương trình đào tạo xuống DN đào tạo.



TS Phan Long lưu ý, trong định hướng phát triển, nhà trường phải thường xuyên bồi dưỡng năng lực sư phạm cho đội ngũ giáo viên

Tại Hội thảo, TS Phan Long (Viện Sư phạm Kỹ thuật – ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM) , lưu ý trong định hướng phát triển, nhà trường phải thường xuyên bồi dưỡng năng lực sư phạm cho đội ngũ giáo viên, bồi dưỡng học sinh giỏi nghề và gắn với truyền thông.


TS Nguyễn Toàn: Trường cần mở rộng đào tạo bồi dưỡng, nâng cao tay nghề cho công nhân chứ không chỉ đào tạo TC-CĐ.

Trong khi đó, TS Nguyễn Toàn (Nguyện Hiệu trưởng Trường CĐ Công nghệ Thủ Đức) gợi ý, là trường tự chủ nên chủ động xây dựng chương trình đào tạo gắn với DN, đồng thời phải có chuyên gia bên ngoài vào hỗ trợ sinh viên. Bên cạnh đó, trường cần mở rộng đào tạo bồi dưỡng, nâng cao tay nghề cho công nhân chứ không chỉ đào tạo TC-CĐ.

Tương tự, TS Đặng Văn Thành (Viện Sư phạm Kỹ thuật – ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM) đề xuất trường phát triển hình mẫu để tăng nguồn lực từ bên ngoài, tập trung sự ủng hộ của DN. Qua đó xây dựng cơ chế để DN gắn bó lâu dài.


PGS.TS Bùi Văn Hồng kỳ vọng vào mô hình 9+

Ở góc độ khác, TS Bùi Văn Hồng (Viện Sư phạm Kỹ thuật – ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM) cũng gợi ý nhà trường xem bồi dưỡng thường xuyên, đào tạo nghề ngắn hạn là bồi dưỡng chính quy; Đào tạo hệ 9+…

Phát biểu kết thúc Hội thảo, TS Nguyễn Thị Hằng ghi nhận ý kiến đóng góp của các chuyên gia, nhà khoa học và sẽ tiếp tục hoàn chỉnh chiến lược với mục tiêu cuối cùng là nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng nhu cầu xã hội.

T.Anh

Bình luận (0)