Gửi email, gọi điện, gửi thông báo trúng tuyển dù thí sinh không có nhu cầu xét tuyển vào trường; tăng học phí theo kiểu “đánh úp” khi thí sinh đến làm thủ tục nhập học… Đó là những cách mà một số trường đại học (ĐH) đang triển khai trong mùa tuyển sinh năm nay.
Bức tranh tuyển sinh đại học 2020 vẫn còn những khoảng tối. Ảnh: Như Ý
Ồ ạt gửi giấy báo trúng tuyển
Trao đổi với phóng viên, ông Lê Thanh Vân, Hiệu trưởng trường THPT An Thới (huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang), khẳng định, trường có 191/259 học sinh lớp 12 cùng nhận giấy báo trúng tuyển của trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng (TPHCM). Sau khi kết thúc học kỳ I năm học 2019-2020, trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng đến trường THPT A Thới tư vấn về ngành đào tạo, phương thức tuyển sinh. Sau đó, trường này gửi lại hiệu trưởng danh sách học sinh đăng ký xét tuyển và cho hay việc đăng ký phải có thêm học bạ.
“Thấy số lượng học sinh đăng ký nhiều, lo từng em photocopy học bạ và tự gửi có thể dẫn đến thất lạc bản chính nên chúng tôi yêu cầu văn phòng làm công việc này, gửi lại cho trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng. Trường này sau đó chuyển lại cho trường hơn một triệu đồng chi phí photocopy”, ông Vân nói. Theo ông, trường chỉ muốn tốt cho học sinh, hoàn toàn không có tiêu cực.
Trao đổi với phóng viên, PGS.TS Hồ Thanh Phong, Hiệu trưởng trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng, xác nhận có sự việc nói trên. Tất cả thí sinh sau đó trúng tuyển vào trường theo phương thức xét học bạ. Ông Phong khẳng định, trường xét tuyển đúng quy chế, có đầy đủ phiếu đăng ký của các em. “Tuy nhiên, trong công đoạn gửi giấy báo trúng tuyển có thiếu sót khi không thông báo trước cho thí sinh bởi thời điểm tư vấn tuyển sinh từ đầu năm nên nhiều em đăng ký vào phiếu cũng quên”, ông Phong nói.
Một học sinh lớp 12 trường THPT An Thới A nói em rất ngạc nhiên khi nghe tin đỗ trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng cùng với nhiều bạn trong lớp vì em không nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển vào trường này. Học sinh này nói rằng, đầu năm 2020, em có ghi phiếu đăng ký xét tuyển học bạ theo hướng dẫn của trường, nhưng khi đó em chỉ ghi điểm học kỳ 1 lớp 12. Trong khi đó, giấy báo trúng tuyển ghi “phương thức tuyển sinh: tổng điểm trung bình năm lớp 10, 11 và học kỳ 1 năm lớp 12” nên em băn khoăn không biết trường lấy thông tin điểm học bạ của em từ đâu. Theo danh sách phóng viên có được, các học sinh trúng tuyển rải rác từ lớp 12A1 – 12A7 của trường. Học sinh trúng tuyển nhiều ngành học với điểm trung bình 5 học kỳ (chia làm 3 cột điểm theo lớp 10 – 11 – 12) từ 18 – 26,5 điểm.
Thí sinh N.T.A, trường THPT Tống Văn Trân (Nam Định) nói rằng, từ khi biết điểm, em nhận được nhiều cuộc điện thoại từ các trường ĐH mời chào, tư vấn tuyển sinh, trong đó có những trường đã về trường THPT tư vấn tuyển sinh, sau đó xin ghi lại số điện thoại; với nhiều trường khác, không hiểu vì sao có số điện thoại cá nhân của em. Em còn nhận được cả thư chuyển qua đường bưu điện. “Em thấy thật sự rất phiền. Vì với trường muốn học, em đã đăng ký nguyện vọng và đang chờ xét tuyển”, N.T.A nói.
Trao đổi về vấn đề này, bà Nguyễn Thu Thủy, quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD&ĐT), cho biết, đã yêu cầu trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng báo cáo bằng văn bản, trên cơ sở đó sẽ kiểm tra, xác minh và đưa phương án xử lý theo đúng quy định hiện hành nếu phát hiện sai phạm.
Tăng học phí kiểu “đánh úp”?
Những ngày qua, việc tăng học phí lên cao và bất ngờ của trường ĐH Văn Lang (TPHCM) khiến nhiều tân sinh viên phản ứng. Nhiều em trúng tuyển bằng các hình thức không lấy điểm thi tốt nghiệp THPT khi đến nhập học đã “hết hồn” khi thấy mức học phí bị đội lên so với năm học trước. Với ngành kiến trúc, tân sinh viên phải đóng 1.370.000 đồng/tín chỉ, trong khi mức cũ là 1.158.000 đồng. Với ngành thanh nhạc, học phí mới là 1.430.000 đồng/tín chỉ, trong khi mức cũ là 1.152.000 đồng. Sinh viên trúng tuyển ngành tài chính – ngân hàng năm 2019 đóng 1.050.000 đồng/tín chỉ; toàn khóa học là 130 tín chỉ, khoảng 136 triệu đồng. Năm 2020, tân sinh viên sẽ học 131 tín chỉ với mức 1.380.000 đồng/tín chỉ, tổng học phí hơn 180 triệu đồng.
Trả lời báo chí, trường ĐH Văn Lang cho biết, đã gửi thông tin chi tiết về mức học phí nhập học đối với khóa 26 của các ngành và chương trình đào tạo đến từng thí sinh đủ điểm xét tuyển vào trường trước khi thí sinh có thông báo nhập học. Mức học phí dao động từ 1- 4,4 triệu đồng/tín chỉ, tăng từ 15-35% so với mức cũ. Do đó, thí sinh toàn quyền quyết định việc nhập học sau khi có đủ thông tin chi tiết về học phí và định hướng đào tạo của trường.
Tuy nhiên, theo Điều 65 của Luật Giáo dục Đại học 2018, các cơ sở giáo dục ĐH phải công bố công khai chi phí đào tạo, mức thu học phí, mức thu dịch vụ tuyển sinh và khoản thu dịch vụ khác cho lộ trình cả khóa, từng năm học cùng với thông báo tuyển sinh và trên trang thông tin điện tử của cơ sở giáo dục ĐH. Trong khi đó, trong đề án tuyển sinh của trường ĐH Văn Lang được công bố hồi tháng 6/2020 trước khi thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển ĐH không có thông tin nào liên quan đến tăng học phí.
Chuyện thí sinh không có nguyện vọng hoặc không đăng ký xét tuyển nhưng vẫn “bị” trường gọi điện, gửi email, hay gửi giấy thông báo trúng tuyển, tư vấn tuyển sinh tồn tại đã lâu nhưng vẫn chưa có một công cụ quản lý hữu hiệu. Nguyên nhân được lý giải là quyền tự chủ của các trường. |
Theo Nghiêm Huê – Nguyễn Dũng/TPO
Bình luận (0)