Thông thường GV chọn phấn trắng bảng đen làm nghề và việc giáo dục con người làm nghiệp thì không bao giờ người thầy xem HS yếu kém, chậm phát triển là lực cản trên sự nghiệp dạy học của mình.
Tôi rất lấy làm dị ứng khi GV bêu rêu những bài văn (thường là môn văn) cho đồng nghiệp xem sau khi chấm trả bài cho HS, tất nhiên chuyện nội bộ, sau đó tất cả cười ồ. Dĩ nhiên HS sẽ có những lỗi ấu trĩ khi viết văn, có thể về câu cú, có thể về kiến thức lịch sử. Một dạng lấy râu ông nọ cắm cằm bà kia. Thế nhưng đã là những người thầy thì không nên xem đó là hiện tượng để gây cười, nếu có chỉ là trao đổi rút kinh nghiệm trong chuyên môn. Môn văn ít nhiều còn là tiếng mẹ đẻ, khi mới bi bô tập nói trẻ đã bập bẹ theo tiếng mẹ, chính xác là tiếng Việt. Tiếng mẹ đẻ đã thế thì tiếng Anh lại càng dễ sai sót, mắc lỗi. Không bị chỗ này thì cũng vướng chỗ khác.
Ai đã từng đi dạy cũng sẽ từng gặp những HS ngỗ ngược và không ít lần thiếu kiềm chế. Một thứ tai nạn nghề nghiệp, không thể lường trước mặc dù đã được trang bị kiến thức nhiều năm ở trường sư phạm. Chỉ có vào nghề rồi mới thấy được những tình huống khó xử. Đa phần GV đi dạy không sợ HS kém, dốt, dở mà chỉ bất bình với tình huống HS có biểu hiện vô lễ. Gặp đối tượng HS vô lễ, đã có đồng nghiệp gục xuống bàn khóc hay tiêu cực hơn là bỏ lớp xuống văn phòng. GV nào còn nán lại lớp và dùng lời lẽ thuyết phục, răn đe, uốn nắn thậm chí… chửi là còn thương HS và yêu nghề dạy học.
Tôi đã từng gặp những HS vô lễ. Tất nhiên tôi không nhu nhược, tôi không bỏ lớp, tôi “trừng trị” thẳng tay trước sự đồng tình của cả lớp. Nếu trò tâm phục trước hình phạt của tôi và tiếp tục nghe giảng bài thì không có gì phải bàn, ngược lại tôi nhờ giám thị can thiệp đưa em ra khỏi lớp và tôi tiếp tục bài giảng. Đó là một vài HS cá biệt trong những lớp yếu kém. Đặc biệt với lớp chuyên, lớp chọn thì rất ít có HS vô lễ, nếu có thì các em chỉ hơi cao ngạo một chút về môn chuyên, và có thể sẽ bị hiểu lầm là thiếu tôn trọng thầy cô qua cách diễn đạt của các em.
Trước mỗi lần chấm trả bài môn toán cho HS, tôi thường dặn các em so lại với đáp án chép trên bảng nếu thấy chấm sai hoặc chấm sót thì mang lên hỏi lại chứ đừng dùng từ “kiện” điểm. Bởi lẽ giữa thầy và trò có gì đâu mà “kiện”.
Người GV rất nhạy cảm với câu nói gây “sốc” của học trò mà thường được hiểu là vô lễ. Nhiều khi nói ra các em cũng chẳng biết như thế là xúc phạm. Nói cho hả bức xúc, nói để chứng tỏ mình “ngon” với bạn bè trong lớp.
Đã là thầy cô, thiết nghĩ chúng ta không những yêu mến, khơi gợi những điều tốt lành nơi HS mà còn phải thương xót luôn cái dại không đáng có. Hãy thử xem HS như là con cháu của mình thì tự nhiên sẽ có những cách hành xử đúng khi gặp tình huống xảy ra bên ngoài giáo án.n
Tuệ Hải
Bình luận (0)