Thách thức luôn đặt ra với giáo viên khi ứng dụng CNTT vào việc đổi mới phương pháp giảng dạy. Ảnh: P.N.Q
|
Công nghệ thông tin – truyền thông (ICT) đang có vai trò quan trọng trong lĩnh vực giáo dục. Thế nhưng việc ứng dụng ICT vào quản lý và giảng dạy không phải “dễ như trở bàn tay” mà đòi hỏi giáo viên, học sinh và cả cán bộ quản lý cần có những định hướng đúng đắn.
Đối với người học
ICT hiện nay đang đáp ứng cho 3 đối tượng trong ngành giáo dục là đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên giảng dạy và học sinh học tập tại các trường. Trước hết không thể phủ nhận vai trò giúp con người giải quyết được nhiều công việc của ICT nếu không con người sẽ bị quá tải và chịu áp lực lớn từ công việc. Như trong công tác quản lý, muốn sử dụng CNTT có hiệu quả cao phải sát đối tượng và đúng thời điểm.
Đối với học sinh, ngoài yêu cầu phục vụ trong từng giờ học, CNTT còn có tác dụng ngay cả khi các em ra khỏi lớp chứ không bó hẹp trong một phạm vi nhỏ bé. Làm quen với ICT, học sinh phổ thông như được mở ra một thế giới mới nhưng cũng đứng trước không ít thách thức như: khả năng làm việc theo nhóm và khả năng đặc tả. Khi làm việc theo nhóm các em phải có phương pháp phù hợp mới đem lại hiệu quả và điều quan trọng là tạo nên một thói quen thường nhật, đó là cách làm việc có tính tập thể. Trình bày có hệ thống, logic, khoa học nội dung mình muốn giao tiếp là yêu cầu đầu tiên về khả năng đặc tả. Ngoài ra các em phải biết tôn trọng, yêu quý và nâng niu sản phẩm của mình làm ra, dù có thể chưa vừa ý vừa lòng.
Trong đổi mới phương pháp học tập, chúng ta phải đặt ra yêu cầu: “học để biết, học để làm, học để chung sống, học để tự khẳng định mình” như mục đích học tập do UNESCO đã đề xướng. Ngoài ra phải tạo hứng thú, tự tin cho học sinh khi đi học với khẩu hiệu: “Mỗi ngày đến trường là một ngày vui” và xác định học tập suốt đời chứ không “ngày một ngày hai”.
…Và cho người dạy
Thách thức đè nặng lên vai giáo viên khi ứng dụng ICT trong giáo dục. Trước hết là người thầy phải dám đổi mới phương pháp giảng dạy, biết ứng dụng ICT trong dạy học và ứng dụng ICT trong quản lý (nếu đó là lãnh đạo nhà trường). Đổi mới phương pháp dạy học được đặt ra 5 yêu cầu, đó là: từng bước vượt qua thử thách; sử dụng có hiệu quả điều kiện thiết bị sẵn có (không cần đòi hỏi yêu cầu cao); bằng mọi cách khai thác nguồn kiến thức khổng lồ trên mạng internet; dạy học hiệu quả; hứng thú. Làm gì thì làm nhưng không được để người dạy vất vả hơn, phải biến chúng thành công cụ hỗ trợ đắc lực nhất. Thật vô lý khi giáo viên ứng dụng các phương tiện hiện đại mà lại nhiều thao tác và cực nhọc hơn. Dù phương tiện có hiện đại như thế nào thì giáo viên lên lớp phải thật sự hứng thú, đam mê chứ không từ một sự bắt buộc nào. Định hướng đổi mới còn phải biết linh hoạt theo thời gian và môn học. Bên cạnh việc cải tiến theo nhóm đối tượng, giáo viên cần dựa trên tinh thần dạy học của thế kỷ XXI.
Vậy tinh thần dạy học của thế kỷ XXI là gì? Đó là ý thức tự khám phá, biết chia sẻ thông tin, có phản hồi tích cực, biết hợp tác và tự rút ra kiến thức cho bản thân. Chủ động sáng tạo sẽ giảm bớt sức ỳ, cách học một chiều thụ động. Không nên cất giấu thông tin mà phải truyền đạt thông tin cho cộng đồng để cùng cộng tác hỗ trợ cho nhau. Người có tinh thần dạy học của thế kỷ XXI là người biết lắng nghe, phân tích dự đoán và truyền đạt cô đọng, gãy gọn. Tuy nhiên thực tế thì không hề đơn giản, nhất là trong điều kiện cơ sở vật chất chưa đủ chuẩn, sĩ số học sinh trong một lớp học còn cao, thiết bị hiện đại trong phòng học còn hạn chế. Đây là điều không dễ nhưng không phải chúng ta không thực hiện được nếu biết vận dụng ICT vào trong giáo viên.
Huỳnh Kim Sen
(Giám đốc TT Truyền thông và Chương trình giáo dục Sở GD-ĐT TP.HCM)
Bình luận (0)