Tổ chức những hoạt động ngoại khóa cho học sinh (ảnh) chỉ cần tổng phụ trách Đội đứng ra điều hành, không nhất thiết phải có mặt hiệu trưởng. Ảnh: Trọng Tri
|
Theo tôi, muốn trở thành hiệu trưởng toàn năng thì người hiệu trưởng phải đạt được các tiêu chí bắt buộc như: phẩm chất chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ, quan hệ với bạn bè đồng nghiệp… và điều quan trọng phải biết tổ chức sắp xếp, tổ chức bộ máy nhà trường luôn trong trạng thái hoạt động một cách tích cực, phối hợp với nhau thật nhịp nhàng để hiệu quả cao.
Minh chứng việc làm của hai vị hiệu trưởng này có cái gì đó không ổn, nhất là trong giai đoạn ngành GD-ĐT cả nước đang ra sức thực hiện chủ đề năm học “Đổi mới công tác quản lý, nâng cao giáo dục toàn diện”. Vì vậy, tôi xin đưa ra vài ý kiến sau về hai ông hiệu trưởng A và B.
1. Ông hiệu trưởng A giống gia trưởng. Chuyện xảy ra ở trong trường ông không lấy nghiệp vụ sư phạm ra giải quyết cho có tình có lý mà cứ thản nhiên giải quyết như chuyện ở nhà như: liên tục dự giờ giáo viên để nhận xét, đánh giá, rút kinh nghiệm nhưng ông đâu có biết chính việc làm đó làm tăng thêm áp lực cho giáo viên, chưa nói tâm lý giáo viên bất an vì không hiểu tại sao mình được dự giờ nhiều, kể cả có báo trước và đột xuất. Kết quả có khi ngoài mong đợi, đó là nhiều lúc giáo viên dạy qua loa chiếu lệ kiểu “trả nợ quỷ thần” cho xong tiết mà không cần để ý đến hiệu quả tiết dạy, học sinh có nắm được bài học hay không… Chuyện học sinh tập trung chào cờ sáng thứ hai đã trở thành nền nếp, quen thuộc thì cứ giao cho tổng phụ trách Đội điều hành không cần hiệu trưởng phải hò hét, đốc thúc. Mọi hoạt động ngoại khóa ở nhà trường ông “ôm” hết về mình và tham gia một cách tích cực với vai trò then chốt quyết định tất cả mà không dám giao cho các bộ phận khác trong trường, bởi một lẽ ông sợ mọi người không hoàn thành nhiệm vụ ở mức độ cao. Chính vì cái gì ở trường ông cũng tham gia và làm việc một cách tích cực nên đội ngũ cấp dưới cứ trông chờ vào ông, không có ông thì mọi việc cứ rối tung, thử hỏi ông có phải là người hiệu trưởng toàn năng hay là người gia trưởng toàn quyền.
2. Ông hiệu trưởng B giống bù nhìn. Chuyện xảy ra trong trường ông luôn hờ hững, dửng dưng, trước giờ chào cờ cứ thư giãn ngồi uống trà chờ người điều khiển chương trình giới thiệu ông mới ung dung bước ra trong tiếng vỗ tay của học sinh. Mọi việc ông giải quyết đều giao cho cấp dưới thực hiện và họ hoàn toàn chịu trách nhiệm trước hiệu trưởng, các hoạt động ông quản lý bằng kế hoạch và chỉ biết ngồi một chỗ nắm thông tin qua các báo cáo của họ. Đáng lý ra ông phải biết làm gương tự giác tiến ra sân lễ trước giờ chào cờ, thỉnh thoảng sắp xếp thời gian và công việc dự giờ giáo viên để nắm rõ chuyên môn nghiệp vụ của họ, qua đó giúp mình đánh giá xếp loại giáo viên vào cuối năm học một cách thuận lợi; hoạt động văn-thể-mỹ nên giao cho các bộ phận thực hiện nhưng phải kiểm tra đôn đốc cho đúng tiến độ thời gian theo kế hoạch quy định. Chính những việc tưởng là nhỏ nhặt không có gì nhưng ông đâu có biết nhiều người cho là ông quan liêu, thiếu sâu sát, thử hỏi ông có xứng đáng là hiệu trưởng toàn năng hay là bù nhìn không hề hay biết chuyện trường lớp diễn ra hàng ngày kế bên mình.
3. Để trở thành hiệu trưởng toàn năng đòi hỏi người hiệu trưởng phải có tài quản lý con người, biết ưu, nhược điểm và cá tính của mỗi người mà phân công hay giao công việc cho thích hợp. Có như vậy công việc mới trôi chảy và hoàn thành tốt. Ngoài ra người hiệu trưởng phải sâu sát trong từng công việc để chỉ đạo kịp thời; biết tiến hành công việc ngoại khóa một cách bài bản và luôn luôn tạo ra bầu không khí trong đơn vị đầy tiếng cười và niềm vui như thế mới xứng đáng hiệu trưởng vừa có tài vừa có đức.n
HÀ THỊ THÚY VÂN
(Trường TH Trung Lập Hạ, Củ Chi, TP.HCM)
Bình luận (0)